Sáu tháng bỏ nhà để luyện game!
Một game thủ lứa tuổi 8X đột ngột biến mất khiến cả gia đình hoảng loạn. Sau 6 tháng trời lặn lội tìm kiếm, người mẹ tìm thấy đứa con thân yêu của mình miệt mài "luyện công" tại một điểm Internet với bộ dạng hoang dã của... Rô Bin Sơn.
Bận phá thành, bỏ thi đại học!
Nhìn hình hài của "đại game thủ" này, khó ai nghĩ ra trước đây một năm Sơn là một học sinh giỏi 11 năm liền, đoạt giải thể thao cấp thành phố. Nay thì gầy rộc như xác ve, người xanh lè như tàu lá chuối. Cũng may là cậu bé đã cắt tóc, móng tay chân và ngủ li bì hai ngày mới dậy, nếu không, theo như lời ví của người anh ruột: "Người ta tưởng nó ở rừng châu Phi mới về". Người mẹ thì ví lúc mới tìm lại, Sơn giống Kim mao sư vương Tạ Tốn (trong Ỷ thiên đồ long ký của Kim Dung).
Mọi chuyện bắt đầu từ hơn một năm trước khi Sơn phát hiện ra một game online hấp dẫn miễn phí của Hàn Quốc có tên Line Age. Thế là mê mẩn, chẳng thiết tha gì học hành nữa... Chuyện Sơn (ngụ tại kinh nước đen, Bình Tân) đột nhiên biến mất khỏi nhà bắt đầu từ lời hò hẹn trên mạng của nhóm bạn game thủ cùng phe: "Tối nay quân mình phá thành quân nó. Phải không được thiếu đứa nào mình mới đánh thắng".
Trận phá thành ấy bắt đầu vào chiều 2/7/2005. Vì sáng hôm sau là ngày thi đại học môn đầu, Sơn dự định chỉ đi vài tiếng để "giải quyết cái thành của phe nó" nên cậu bé lẳng lặng đạp xe đến tụ điểm game quen thuộc ở đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Thế nhưng không ngờ cái thành của quân nó khó phá quá nên trận đánh kéo dài đến 178 ngày và chuyện thi đại học trở thành... chuyện nhỏ.
Hành trình sáu tháng tìm con
Nhìn đứa con đã trở về, chị Phương kể lại chuyện đã qua, những chuỗi ngày chị lặn lội đi hầu như khắp thành phố tìm con. Nét tiều tụy còn hiện rõ trên mặt chị nhưng trong ánh mắt thì lấp lánh niềm hạnh phúc khi tìm được con.
Người mẹ kể, khi không thấy con về, hàng trăm chuyện dữ cứ nhảy múa trong đầu: nó bị tai nạn, bị ai giết, bỏ nhà đi bụi, chích heroin... Mấy ngày đầu còn đỡ, càng về sau càng thấy sợ. Không dám báo công an, người thân vì xấu hổ, cười chê nên chị và người anh trai của Sơn đành lặng lẽ đi tìm. Biết Sơn mê chơi game, mỗi ngày hai mẹ con chia nhau: một người đi tìm tại các tụ điểm Internet, người kia đi bán hàng. Đến cuối ngày, cả hai cùng đi tìm.
Đến bây giờ, chị Phương không nhớ hết mình đã đi đến những đâu, chỉ biết các con đường có nhiều tụ điểm game online, các làng game ở thành phố... chị đều đã đặt chân tới và rành rẽ giá cả ở các tụ điểm như những tay game thủ thực thụ. Cứ đến mỗi điểm, chị đều nhảy xổ vào nhìn mặt từng người, nhiều chỗ họ tưởng chị bị "tưng tưng".
Có những tụ điểm game nổi tiếng như cư xá Bắc Hải, hai mẹ con phải đi một tháng mới hết. Có lần nghe người ta tổ chức cuộc thi game Võ lâm truyền kỳ ở quân khu 7, chị bỏ mấy ngày đến cuộc thi tìm vì hi vọng con mình... dự thi. Bóng chim tăm cá, càng tìm càng tuyệt vọng không biết số phận của đứa con sẽ ra sao.
Sau sáu tháng tìm con, ba lần chị bị tai nạn xe gắn máy vì không lo nhìn đường mà chỉ nhìn hai bên tìm con, cũng may chỉ bị xây xát nhẹ. "Có lần đang chở hàng ngoài đường, bỗng thấy hình như thằng Sơn chạy xe ở trước, tôi vội vàng đuổi theo mà không biết đã vượt đèn đỏ, cả người lẫn hàng lăn lông lốc vì bị tông", nghe chị kể lại mà thấy rùng mình.
Giáp mặt không nhận ra con!
Thấm thoát đã gần sáu tháng trời, thế rồi vào những ngày cuối cùng của năm 2005, xui khiến làm sao chị bỗng thấy đứa con của mình ở một điểm game online trong hẻm đường Nguyễn Tri Phương, quận 10. Cái hẻm này mỗi ngày chị đi qua đi lại ít nhất 4 lần và mới tháng trước chị đã vào đây tìm nhưng không phát hiện ra con mình vì "nó nhìn không ra người nữa".
"Hai mẹ con chạm mặt nhau nhưng tôi không nhận ra nó và nó cũng vậy, nhìn tôi như người xa lạ. Tóc nó đã quá vai, móng tay, móng chân dài đen như những cái móc sắt, hôi hám như mới dưới cống chui lên...", chị cố gắng tả lại bộ dạng người rừng của con sau sáu tháng gặp lại.
Dường như linh tính mách bảo điều gì nên chị ngồi lại cạnh thằng bé "người rừng" và theo dõi. Bỗng thằng nhỏ hỏi chuyện đứa ngồi bên cạnh và...chị điếng người, giọng của thằng Sơn. Chị lao đến giở cằm "người rừng" lên nghẹn ngào: "Sơn đó phải không con?". "Dạ!"."Sao tóc tai, quần áo như thế này?". "Con đâu biết vì không soi gương!"...
Những "kỷ lục" kinh dị!
Sơn nhớ lại hành trình 6 tháng "luyện công": Lúc đó ý niệm về người thân cũng chỉ lâu lâu mới thoảng qua. Ngay cả nhu cầu ăn ngủ cũng quên dần chuyện điều độ. Sáu tháng ròng rã không còn biết ngày đêm gì nữa, chỉ chăm chú "luyện công", khi nào đói quá, không chơi nổi nữa mới lết ra kiếm đại miếng gì bỏ bụng. Ngủ cũng vậy, mệt quá gục xuống ngay bàn máy một lúc.
Tỉnh dậy chơi tiếp. Có những lần chơi liên tục suốt 2 đêm một ngày (sau này nghe chủ tiệm kể lại). Tắm rửa cũng rất tối thiểu, khi nào người hôi và ngứa ngáy quá, các game thủ ngồi cạnh chịu không nổi mới vào kiếm chỗ dội vài gáo.
Sau khi đã báo địa chỉ, số điện thoại của gia đình cho chủ tiệm (cũng là một cao thủ), ông chủ tiệm đã xác minh và yên tâm nên đã dành riêng cho Sơn một máy mở sẵn 24/24. Thỉnh thoảng tạo được một thứ vũ khí bảo bối trong game (gươm, đao, cung tên...), Sơn rao bán ngay trên mạng để kiếm tiền trả bớt tiền thuê máy.
Tính đến khi bị mẹ tìm gặp, Sơn đã bán được khoảng 5 triệu tiền bảo bối, trả cho tiệm hơn 2 triệu đồng, số còn lại mua đồ ăn. Trong đó, một thanh đoản đao, ban đầu bạn giang hồ trả 1,5 triệu đồng nhưng chú không bán, sau đó nó tụt giá, cuối cùng chỉ bán được có 800 ngàn đồng.
Cho đến lúc trở về nhà, "đại cao thủ" nợ tiền thuê máy khổng lồ: 178 ngày x 24 giờ x 3.000 đồng/giờ = 12,6 triệu đồng (tính tròn). Đã bán bảo bối trả được hơn hai triệu đồng, kết sổ "đại cao thủ" còn nợ hơn 10 triệu đồng. Cũng may, sau khi thương lượng, người mẹ chỉ phải trả một triệu đồng.
Cuối câu chuyện, Sơn kể ở Trung Quốc cũng có một game thủ ngồi luyện công như Sơn hơn 6 tháng trời, "em chỉ thua họ có mấy ngày thôi". Trả lời câu hỏi nếu mẹ không tìm ra thì khi nào mới chịu về nhà, "đại cao thủ" vừa cười vừa ngập ngừng: "Em cũng không biết nữa!". Còn người mẹ cứ mãi băn khoăn: "Tôi đọc báo, có những người chơi liền mấy ngày xong lăn ra chết vì vỡ não, thằng Sơn liệu có sao không, liệu có còn đi thi đại học được không?".
Theo Pháp luật TPHCM