Sâu lạ tự phát sáng để “nhử” mồi

(Dân trí) - Mới đây, người ta đã phát hiện ra một sinh vật mới với khả năng tự phát sáng để săn mồi tại một rừng mưa nhiệt đới Peru.


Loài sâu mới được phát hiện bởi nhiếp ảnh gia chuyên tìm hiểu về các động vật hoang dã Jeff Cremer khi ông dạo quanh những khu rừng mưa nhiệt đới ẩm ướt tại Peru vào ban đêm. Trong khi dựng lều và làm việc tại đây, ông đã tìm thấy các đốm sáng nhỏ và khá “lạ” trên mặt đất.

Về đặc điểm nhận dạng, loài sâu mới này dài khoảng 1,2 cm, sống trong các vùng đất ẩm thấp bằng cách đào hang trong đó. Sau khi đào hang, chúng sẽ ngoi lên mặt đất và phần đầu phát ra loại ánh sáng lân tinh để nhử con mồi.

Sâu lạ tự phát sáng để “nhử” mồi

Những con mồi cửa chúng thường là các động vật nhỏ như kiến hay ruồi. Để thử nghiệm, Cremer và các cộng sự của mình bao gồm Aaron Pomerantz, Mike Bentley và Geoff Gallice là các nhà nghiên cứu côn trùng đã thử nghiệm đặt một chú kiến vào miệng hang. Loài sâu mới này ngay lập tức tấn công con mồi bằng bộ hàng khỏe của mình và kéo vào hang, sau đó dùng độc chất của mình để làm tê liệt con mồi.

Các nhà nghiên cứu cho biết, loài vật này nhiều khả năng là ấu trùng của một loại bọ cánh cứng, cụ thể hơn là loài Bổ củi (Click Beetle). Những con trưởng thành của loài này sẽ ăn hoa và mật hoa thay vì kiến, côn trùng hay mối như ấu trùng hiện tại.

Hiện tại, Bổ củi có khoảng hơn 10.000 loại và 200 trong số đó có khả năng phát sáng. Theo dự đoán, ấu trùng trên được cho là họ hàng của Fire Beetle Brazil thuộc họ Pyrophorini. Mặc dù vậy, việc nghiên cứu sẽ được tiếp tục trước khi công bố đây có phải là loài mới hay không.

Lâm Anh