Sàn giao dịch ảo - "Sân chơi" không cần luật?
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc <a href="http://www.dantri.com.vn/cong-nghe/2006/3/107592.vip">mua bán tài sản ảo</a> đã là công khai từ ngày 18/3 do NetChùa CyberGame phối hợp với Cty Peace Soft tổ chức, và bắt đầu đi vào "guồng máy" cùng với sự phát triển của công nghệ game online, bất chấp pháp luật có "theo kịp" hay không.
Ba bộ đồ "ảo" trong trò chơi Con đường đế vương đã bán được tới 10 triệu đồng tiền thật! Ông Nguyễn Cương, Giám đốc Công ty cổ phần Giải trí NetChùa phát biểu sau phiên đấu giá: "Sàn đấu giá đã thu hút hàng trăm game thủ tham gia, chật kín cả trung tâm Starbowl. Hầu hết các CLB của trò chơi Con đường đế vương đều có mặt. Họ trả giá áp sát nhau từng trăm ngàn một, không khác gì một sàn đấu giá thực".
Nhưng khác với sàn đấu giá thực ở chỗ các tài sản ảo chưa được Nhà nước công nhận và bảo hộ. Nếu ngộ như có vấn đề gì bất trắc xảy ra với các món đồ ảo kể trên (như bị hack chẳng hạn), thì Netchua có phải..."đền"?
Ông Nguyễn Cương: Tôi cho rằng Starbowl là một trung tâm game. Cho nên việc mở sàn giao dịch ở đây chỉ là để phục vụ các game thủ, chứ việc đó không đồng nghĩa với việc chúng tôi bảo hộ các đồ được bán trong phiên giao dịch này. Chúng tôi cũng không theo dõi việc thanh toán bằng tiền mặt của các game thủ. Điều đó cũng giống như việc chúng tôi mở ra một cái chợ, cho họ đến mở gian hàng và mua bán với nhau. Các giao dịch thật (bằng tiền thật) có thể không diễn ra ở chợ.
Ông có thấy trọng trách nặng nề trong việc lần đầu tiên "mở chợ"?
Thực ra không mở chợ (sàn giao dịch chính thức này) thì họ vẫn mua bán với nhau: Nhà cung cấp thì bán đồ trên trang web của trò chơi. Còn các game thủ thì rao bán với nhau trong các forum...
Nhưng việc mở sàn giao dịch chính thức thì lại khác. Ông có nghĩ rằng việc này là góp phần "cổ súy" cho game online ở những mặt "phi trò chơi" của nó: cài level để kiếm tiền, hoặc những người có tiền không cần rèn luyện cũng trở thành "kỳ phùng địch thủ"?
Thực ra, việc mua bán các tài sản ảo trong game không chỉ là nhu cầu của các game thủ mà còn là cách thu phí của nhà cung cấp.
Ví dụ trò Gounbound (của công ty Asiasofl), không thu phí giờ chơi của game thủ, nhưng lại thu của họ bằng cách bán đồ (các trang bị, vũ khí, tính năng của nhân vật). Không bỏ tiền thật ra mua các đồ đó thì không có gì để chơi!
Còn ở các trò PTV- Giành lại miền đất hứa, Con đường đế vương thì nhà cung cấp vừa thu phí giờ chơi, vừa bán đồ. Những món đồ trên sàn đấu giá hôm qua, về lý thuyết, người chơi có thể giành được, nhưng cực kỳ khó. Muốn có hầu như phải mua bằng tiền thật từ nhà cung cấp. Vì vậy việc mua bán tài sản ảo là một hoạt động không thể thiếu được của các game online, thậm chí như đã nói, chính là con đường thu phí của các nhà cung cấp.
Trong thời gian tới sẽ tiếp tục có những phiên giao dịch ảo như vừa rồi?
Chúng tôi coi việc đấu giá tài sản ảo như một sự kiện của Trung tâm game. Trong thời gian tới, việc đấu giá sẽ được tổ chức lại chủ yếu là đấu giá online (trên mạng), dự kiến sẽ khai trương vào ngày 15/4 tới.
Hiện nay mạng www.chogamevn.com.vn của Netchua cho phép mở sàn đấu giá các món đồ của trò chơi giống như cách đấu giá các tài sản thật trong chợ điện tử vậy. Mỗi game thủ tham gia đấu giá cũng phải có một khoản tiền để "đặt cọc"...
Và không dừng lại ở đấu giá trên mạng, bước tiếp theo, chúng tôi sẽ mở cổng thanh toán trên mạng. Các game thủ có thể nạp tiền, mua đồ bằng thẻ ngân hàng (không phải giao dịch trực tiếp).
Ông nghĩ sao về vấn đề bảo hộ tài sản ảo?
Thực ra mỗi account (nhân vật) là một tài sản của người chơi vì họ phải mất thời gian, tiền bạc (thật) để có được nó. Nếu mỗi account ấy tính trung bình là một triệu đồng, thì một trò chơi có 500.000 acount sẽ là một tài sản khổng lồ (500 tỷ).
Nếu vấn đề nằm trong tầm kiểm soát của nhà cung cấp thì không sao, nhưng nếu trò chơi bị "sập" thì lại là cả một vấn đề: ai sẽ đền bù?
Theo tôi, việc mua bán tài sản ảo là việc của nhưng người chơi với nhau, giữa người chơi với nhà cung cấp trong một cộng đồng "ảo". Vì thế cứ để họ tự chịu trách nhiệm với nhau thôi!
Theo Thể thao và văn hoá