Ray Ozzie được đánh giá cao hơn cả Bill Gates

Hãng tin CNN vừa công bố danh sách 50 nhân vật có ảnh hưởng nhất đến nền kinh tế thế giới hiện nay. Ngôi quán quân thuộc về người tiêu dùng, còn tân Kiến trúc sư trưởng của Microsoft đứng thứ 10, trong khi Bill Gates xếp vị trí 21, một phần do quyết định lui bước mới đây của ông.

1. Khách hàng là thượng đế

 

Từ lâu người ta đã thừa nhận khách hàng luôn đúng. Người tiêu dùng chính là "bộ lọc thông tin" hiệu quả, biết lựa chọn những gì hữu ích và loại bỏ các sản phẩm chưa hoàn hảo. Họ khiến hệ thống thương mại trực tuyến Amazon, trang chia sẻ ảnh Flickr, website đăng tải video YouTube cũng như dịch vụ SMS và podcast trở nên phổ biến như ngày nay.

 

2. Sergey Brin và Larry Page

 

 

Ray Ozzie được đánh giá cao hơn cả Bill Gates  - 1

 

Thành công ngoài sự mong đợi cũng không làm cho hai nhà sáng lập Google thay đổi nhiều. Họ vẫn chỉ là những người say mê máy tính và điều đó đã tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ, thu hút nhiều nhân tài đầu quân tại hãng dịch vụ tìm kiếm khổng lồ. Mô hình pay-per-click (trả tiền mỗi lần người sử dụng bấm vào link quảng cáo) đem về cho họ doanh thu 6 tỷ USD trong năm 2005. Công bằng mà nói, ngoài Sergey Brin và Larry Page, thành quả mà Google giành được hôm nay còn nhờ công sức của Giám đốc điều hành Eric Schmidt. Tuy vậy, xét cho cùng, sẽ có nhiều CEO đủ tài năng để nắm giữ vị trí của Schmidt, nhưng chẳng mấy ai có thể thay thế được Brin và Page.

 

3. Paul Jacobs, Giám đốc điều hành Qualcomm

 

Ray Ozzie được đánh giá cao hơn cả Bill Gates  - 2
 Khi Jacobs nhậm chức hồi tháng 6/2005, giới viễn thông cười khẩy "con ông cháu cha ấy mà". Chẳng gì thì cha của ông, Irwin Jacobs, là người đã đưa Qualcomm trở thành công ty mạnh nhất thế giới về cơ sở hạ tầng không dây. Nhưng tròn một năm sau (6/2006), doanh thu quý II của hãng đã tăng 34% so với 2005. Lúc này người ta mới nhớ ra là khi gia nhập Qualcomm cách đây 16 năm, Jacobs đã đóng vai trò chủ chốt trong quá trình phát triển công nghệ CDMA. Ông cũng đưa công ty này đến miền đất mới: phát hành công cụ truyền tải video vào điện thoại di động.

 

4. Rupert Murdoch, Giám đốc điều hành hãng thông tấn News

  

 

Ray Ozzie được đánh giá cao hơn cả Bill Gates  - 3

 

 

Tài sản của Murdoch rải khắp châu Âu (dịch vụ vệ tinh BSkyB, tờ Times và Sun tại Anh), châu Á (mạng vệ tinh Foxtel và StarTV) cũng như Bắc Mỹ (Fox Studios, Fox News, DirecTV và New York Post). Ở độ tuổi 75, nhân vật có vai vế trong làng truyền thông này vẫn muốn vươn xa hơn nữa. Bước đi chiến lược đáng chú ý gần đây của ông là đổi 580 triệu USD để sở hữu mạng xã hội MySpace, sau khi thâu tóm công ty game - giải trí IGN với giá 650 triệu USD nhằm tiếp cận nhóm người sử dụng từ 18 đến 34 tuổi.

 

5. Steve Jobs, Giám đốc điều hành Apple

 

Ray Ozzie được đánh giá cao hơn cả Bill Gates  - 4
 Nếu được hỏi doanh nhân nào mà phong cách, khả năng sáng tạo và cả tính ưa tranh cãi lại được tán dương nhất, người Mỹ sẽ trả lời đó là Steve Jobs. Những gì ông mang lại cho thế giới là iPod, iTunes và ngành công nghiệp nhạc trực tuyến đầy hứa hẹn. Mức độ ảnh hưởng của Jobs cùng công ty Apple lớn đến mức người ta bắt đầu mơ về những đổi mới của họ nếu tham gia thị trường điện thoại di động và thiết bị giải trí gia đình.

 

Nhân vật đứng ở vị trí số 10Ray Ozzie, Giám đốc kỹ thuật của Microsoft. Tuy là "ma mới" tại Redmond (nơi đặt trụ sở chính của tập đoàn phần mềm Mỹ), ông đã nhanh chóng lĩnh hội nguyên tắc kinh doanh ở đây: tìm kiếm những ý tưởng sáng giá nhất trên thị trường, sao chép không chút nao núng, phát hành sản phẩm và coi đó là công sức nghiên cứu của của công ty. Dù Gates vẫn là Chủ tịch và Steve Ballmer còn giữ chức CEO, Ozzie mới là người đóng vai trò chủ lực trong cuộc chiến giữa Microsoft và phần mềm nguồn mở, Google, Salesforce.com cũng như hàng chục công ty Web 2.0 khác.

 

Nhưng không phải ai với địa vị cao cũng sẽ được mọi người ngả mũ kính chào khi xuất hiện tại các hội thảo. Steve Ballmer bị giới chuyên môn tiên đoán sẽ trở thành "con vịt què" khi thiếu Bill Gates. Trong khi đó, Linus Torvalds, người khai sinh Linux, cũng không được các chuyên gia phân tích "nể nang". Hệ điều hành mã mở không còn nằm trong tầm kiểm soát của ông bởi hầu hết các cải tiến hiện nay đều do người khác thực hiện. Những doanh nghiệp như Red Hat và Novell sẽ nắm cần điều khiển Linux chứ không phải Torvalds.

 

Theo Hải Nguyên

VnExpress/CNN

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm