Quản lý Internet Việt Nam: còn nhiều khó khăn!

"Hội thảo về quản lý Internet tại Việt Nam" được tổ chức với quy mô nhỏ, nhưng khá sâu. Hội thảo đã tập trung về những bất cập trong việc quản lý Internet tại Việt Nam.

Hội thảo cũng xoay quanh các nội dung chính: Cập nhật thông tin tình hình hoàn thiện văn bản pháp luật và chính sách Internet tại Việt Nam và trao đổi các khái niệm về quản lý Internet Quốc tế và Việt Nam.

Hội thảo do các thành viên của nhóm chuyên gia Dự án chính sách Internet toàn cầu GIPI (Global Internet Policy Initiative Vietnam) tổ chức, với sự tham gia của đại diện các cơ quan xây dựng luật CNTT và Giao dịch điện tử, cơ quan quản lý, dịch vụ (ISP, OSP), đại diện khối doanh nghiệp...

Các đại biểu đều đồng ý một hiện trạng rằng, các văn bản luật về quản lý Internet VN là chưa đầy đủ. Dự thảo luật CNTT với các quy định liên quan đến Internet, xác nhận, sửa đổi thông tin trong thương mại điện tử, đăng ký website... cũng là những vấn đề bàn luận sôi nổi.

Ông Nguyễn Thành Phúc, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược BCVT & CNTT, tổ trưởng Tổ Biên tập luật CNTT cũng giải thích việc quản lý hay buông lỏng chuyện cấp phép tên miền và website: "Các tên miền .vn thì không cần xin cấp phép, các tên miền quốc tế khác thì phải xin cấp phép với cơ quan có thẩm quyền". Tuy nhiên nội dung này bị một số đại biểu cho là "ngược đời", "đúng ra phải ngược lại mới hợp lý".

"Xuất hiện nhiều yếu tố mới cần luật cập nhật", đó là đồng tình chung của nhiều đại biểu. Cụ thể, ông Phúc chỉ ra trong phần An toàn và bí mật thông tin, điều 72 của Luật giao dịch điện tử còn chưa có nội dung đề cập đến một loại hình tấn công trên môi trường mạng mới rộ lên gần đây là Tấn công từ chối dịch vụ (Denial of Service - DoS hoặc DDoS).

Ngoài việc hoàn thiện các văn bản luật, nhiều vấn khác cũng được đề cập tới, chẳng hạn: Tại sao quản lý Internet không dễ? Lịch sử liên quan? Các xu hướng quản lý Internet quốc tế và khu vực?... Tuy nhiên, các đại biểu cũng công nhận đây là những vấn đề "dễ nói khó làm". Vì thế, bài toán mà ông Phúc đưa ra trong cuối bài trình bày của mình, xem ra vẫn còn là bài toán khó (?): "Môi trường pháp lý cần giải quyết được những vấn đề do tính đặc thù của môi trường mạng tạo ra, đặc biệt là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng để đảm bảo lòng tin cho người dân góp phần thúc đẩy phát triển thương mại điện tử nói riêng và Internet nói chung".

Theo Thế Phong

VietNamNet