1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

POPS tung bằng chứng "tố" truyền hình FPT cố ý vi phạm bản quyền từ lâu

(Dân trí) - Sau vụ tố ngược từ truyền hình FPT, POPS đã chính thức lên tiếng và cho rằng FPT cần cung cấp đầy đủ giấy tờ để có cơ sở làm việc với đối tác là Hoàng Nhã Vy. Đồng thời khẳng định truyền hình FPT cạnh tranh không lành mạnh, cố ý vi phạm bản quyền.

FPT: Bằng chứng thiếu căn cứ

Tuần qua, sự việc công ty giải trí đa phương tiện POPS phát đi thông tin tố truyền hình FPT đã xâm phạm bản quyền và đề nghị bồi thường đang gây xôn xao giới truyền thông trong nước. 

Phía POPS cho biết, truyền hình FPT đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng và thực hiện một cách cố ý nhằm khai thác và thu lợi trái phép 303 nội dung thuộc sở hữu của đơn vị này cũng như hơn 1.800 nội dung mà đối tác của công ty được cấp phép.

Phía POPS đề nghị truyền hình FPT chấm dứt vi phạm và bồi thường dựa trên các thiệt hại POPS và các đối tác bị ảnh hưởng trong quá trình khai thác nội dung trái phép. 

Ngay lập tức, phát ngôn viên của truyền hình FPT đầu tuần nay đã lên tiếng khẳng định không xâm phạm bản quyền như POPs cáo buộc và cho rằng các bằng chứng POPS đưa ra là thiếu căn cứ.

Đại diện phát ngôn của FPT cũng cho biết họ đã gặp gỡ với POPS để trao đổi hợp tác nhưng đến lần thứ 3 vẫn bất thành. "POPS thể hiện thái độ không thiện chí, cố tình sử dụng truyền thông như một công cụ gây sức ép, yêu cầu Truyền hình FPT trả số tiền lớn hoàn toàn không có căn cứ", phát ngôn viên của truyền hình FPT khẳng định.

POPS tung bằng chứng tố truyền hình FPT cố ý vi phạm bản quyền từ lâu - 1
Nhãn hiệu Mần Chồi Lá

POPS tung bằng chứng

Trước sự việc này, POPS đã chính thức tung ra các bằng chứng và cho rằng, đây không phải là lần đầu tiên FPT Play và FPT Telecom sử dụng trái phép các sản phẩm của POPS, nên hành vi vi phạm này hoàn toàn được FPT thực hiện một cách cố ý. Đặc biệt, hành vi cố ý xâm phạm của FPT còn thể hiện rõ ở việc FPT cố ý xóa nhãn hiệu, tên thương mại POPS khỏi các Logo được gắn trên các nội dung này như “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay vào đó là nhãn hiệu FPT.

Cụ thể, POPS cho biết, năm 2017, POPS phát hiện FPT Play đăng tải trái phép nhiều nội dung thuộc quyền sở hữu của POPS và đối tác. Ngày 19/12/2017, POPS đã gửi Thư Khuyến Cáo cho FPT và yêu cầu FPT chấm dứt hành vi xâm phạm. FPT sau đó xác nhận đã tháo gỡ các nội dung này trên hệ thống FPT Play.

Tháng 9/2018, FPT lại tiếp tục đăng tải loạt phim “Cô Gái Đến Từ Bên Kia” do POPS sản xuất và là chủ sở hữu bản quyền. Ngày 14/09/2018, POPS đã gửi email cảnh báo hành vi xâm phạm và yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm. Ngày 05/10/2018, POPS mới nhận được email trả lời từ FPT Telecom là đã thực hiện các yêu cầu chấm dứt của POPS.

Tháng 1/2019, POPS phát hiện một số sản phẩm thuộc sở hữu và thuộc độc quyền của POPS bị đăng tại trái phép trên truyền hình internet FPT. Ngày 23/01/2019, POPS đã gửi Thư Khuyến Cáo đến FPT Telecom yêu cầu chấm dứt và bồi thường thiệt hại cho POPS. Tuy nhiên, FPT chỉ chấm dứt sử dụng mà không bồi thường bất cứ thiệt hại nào cho POPS.

POPS tung bằng chứng tố truyền hình FPT cố ý vi phạm bản quyền từ lâu - 2
Nhãn hiệu POPS UP

Đầu tháng 4/2019, POPS lại phát hiện khoảng 303 nội dung do POPS sản xuất và thuộc quyền sở hữu của POPS và hơn 1,500 nội dung của đối tác nước ngoài mà POPS được cấp li-xăng bị khai thác một cách trái phép.

Ngày 09/05/2019, đại diện của FPT Telecom đã có cuộc họp với đại diện của POPS tại văn phòng công ty POPS. Trong cuộc họp này, POPS khẳng định FPT thừa nhận hành vi xâm phạm và mong muốn hợp tác với POPS. Cũng tại đây, POPS đã trình bày rất rõ quan điểm của mình là việc xâm phạm và hợp tác là hai vấn đề riêng biệt, cần phải được giải quyết riêng. POPS cũng đưa ra các yêu cầu để giải quyết hành vi xâm phạm của FPT như yêu cầu chấm dứt, xin lỗi công khai, bồi thường thiệt hại, trao trả lại doanh thu và các chi phí đầu tư sản xuất nội dung của POPS. FPT ghi nhận sẽ trao đổi nội bộ và trả lời POPS vào ngày 16/05/2019.

Tuy nhiên, ngày 16/05/2019, FPT Telecom, thông qua đại diện của mình là Bross & Partners, gửi công văn phản hồi cho POPS nhưng lại không đề cập đến việc giải quyết yêu cầu của POPS về hành vi xâm phạm, mà chỉ đề xuất hợp tác.

Đại diện truyền thông công ty này cũng nói thêm: "Cùng là các công ty hoạt động trong lĩnh vực cung cấp nội dung giải trí cho người sử dụng tại Việt Nam. FPT đã liên lạc với POPS để đề nghị mua lại nội dung của POPS để kinh doanh trên các nền tảng của FPT. Tuy nhiên, POPS đang trong quá trình cân nhắc để hợp tác thì FPT đã chiếm đoạt nội dung thuộc sở hữu của POPS để khai thác một cách trái phép. Hành vi này không những bị xem là hành vi xâm phạm quyền tác giả, xâm phạm quyền sở hữu nhãn hiệu của POPS mà còn bị xem là hành vi cạnh tranh không lành mạnh đối với POPS vì các nhãn hiệu, logo, hình tượng được bảo hộ là các chỉ dẫn thương mại của POPS. Việc FPT xóa nhãn hiệu, tên thương mại POPS khỏi các Logo được gắn trên các nội dung này như “POPS Kids”, “POPS Baby”, “POPS UP” và thay vào đó là nhãn hiệu FPT là hành vi cố tình thực hiện, đồng thời sẽ làm cho người sử dụng dịch vụ hoặc các bên liên quan bị nhầm lẫn mà tin rằng giữa POPS và FPT có mối liên hệ nào đó, trong khi thực tế không phải như vậy. Điều này sẽ dẫn đến thiệt hại cho POPS, cũng như uy tín của POPS đối với các đối tác". 

Bà Esther Nguyễn – Founder & CEO của POPS khẳng định: "Việc FPT đăng tải để khai thác và kinh doanh các sản phẩm mà POPS sở hữu và được quyền khai thác một cách hợp pháp mà không được sự đồng ý của POPS và đối tác của POPS là hành vi xâm phạm quyền sở hữu bản quyền của POPS và đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của POPS".

POPS "phản pháo" khi FPT tố vi phạm

Ở chiều ngược lại, truyền hình FPT đầu tuần qua cũng lên tiếng tố POPS xâm phạm quyền tác giả của công ty này. Cụ thể, FPT cho biết, đơn vị này được cấp quyền sử dụng, khai thác độc quyền và thực thi bảo vệ quyền tác giả của Công ty TNHH Sự kiện truyền thông Phúc Lâm. Khoảng 2 năm gần đây, truyền hình FPT phát hiện thấy POPS đã sao chép, sử dụng và truyền đạt tới công chúng một số tác phẩm thuộc quyền sở hữu của truyền thông Phúc Lâm thông qua mạng xã hội Youtube và ứng dụng POPS trên điện thoại có kèm quảng cáo. 

Trao đổi với Dân trí, phía POPS cho rằng, công ty này đã nhận được email của Bross & Partners đại diện cho FPT liên quan đến 1 ca khúc "Tâm sự với anh" Hoàng Nhã Vy. Tuy nhiên, trong Giấy Chứng Nhận Cấp Quyền do Công ty TNHH Sự kiện Truyền thông Phúc Lâm ký không thể hiện được ca khúc này nằm trong danh sách được cấp quyền cho FPT. Video ca nhạc Tâm sự của anh là một sản phẩm mà POPS được ca sỹ Hoàng Nhã Vy uỷ quyền cho POPS phân phối và quản lý bản quyền sản phẩm. "Chúng tôi đã có phản hồi đề nghị FPT và Bross & Partners cung cấp đầy đủ giấy tờ để chúng tôi có cơ sở làm việc với đối tác là Hoàng Nhã Vy", vị này nói thêm.

Hiện tại, vụ "đấu tố" của cả hai bên vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, cả hai bên đều đang cố tung bằng chứng để phản biện đối thủ. Phía POPS cho biết họ đã gửi đơn kiện FPT lên Tòa án Nhân dân quận 10 (TPHCM) vào tháng 4 năm nay với cáo buộc Truyền hình FPT có hành vi xâm phạm nghiêm trọng quyền tác giả và quyền liên quan đến quyền tác giả đối với 1.800 nội dung thuộc quyền sở hữu và quyền khai thác của POPS trên nền tảng đầu thu FPT. Đại diện POS cũng nói rằng toà án đá có quyết định thụ lý vụ án. 

Về phía FPT cho biết, họ sẽ ngồi đám phàn cùng POPS nếu 2 bên tỏ ra có thiện chí. Tuy nhiên, nếu cần phải ra toà, FPT sẽ theo đến cùng vụ kiện này.

Gia Hưng