Bị "tố" vi phạm bản quyền truyền hình, FPT kiện ngược
(Dân trí) - Ngay sau khi công ty giải trí đa phương tiện POPS tố cáo truyền hình FPT xâm phạm bản quyền, FPT đã lập tức lên tiếng cho rằng họ sử dụng nội dung đúng quy định pháp luật và tố ngược POPS làm giá vô căn cứ.
Đòi tiền vô căn cứ?
Tuần qua, POPS, một công ty giải trí đa phương tiện đã phát đi thông tin tố truyền hình FPT đã xâm phạm bản quyền và đề nghị bồi thường 15 triệu đô la Mỹ (Hơn 350 tỷ đồng). POPS cho biết, truyền hình FPT đã xâm phạm đặc biệt nghiêm trọng và thực hiện một cách cố ý nhằm khai thác và thu lợi trái phép 303 nội dung thuộc sở hữu của đơn vị này cũng như hơn 1.800 nội dung mà đối tác của công ty được cấp phép.
Phía POPS đề nghị truyền hình FPT chấm dứt vi phạm và bồi thường dựa trên các thiệt hại POPS và các đối tác bị ảnh hưởng trong quá trình khai thác nội dung trái phép.
Trước tố cáo từ POPS, đại diện FPT đã chính thức lên tiếng và khẳng định không xâm phạm bản quyền như POPs cáo buộc trong cuộc họp ngày 9/5. Các bằng chứng POPS đưa ra là thiếu căn cứ. Biên bản làm việc ghi nhận là một chiều. Thời điểm POPs đề cập, trên hệ thống Truyền hình FPT không có sản phẩm nào của POPs.
Riêng về logo FPT xuất hiện trên các chương trình mà POPS tố cáo, đại diện FPT nói rằng, trên giao diện Truyền hình FPT đó là vị trí mặc định, áp dụng với toàn bộ các chương trình, nội dung… được đăng tải trên hệ thống Truyền hình FPT.
Logo FPT trên các chương trình khác
Lý giải cho việc sử dụng nội dung đúng quy định pháp luật, FPT cho biết, phía luật sư của công ty đã liên lạc làm việc và trả lời các câu hỏi của POPS. Trong đó, FPT cho biết, theo Điều 33 của Luật Sở hữu trí tuệ, sửa đổi năm 2009, họ hiểu rằng nguyên tắc của pháp luật cho phép các bên có thể tự do sử dụng các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố mà không cần phải xin phép chủ thể quyền ngoại trừ việc phải trả thù lao trên cơ sở các bên tự đàm phán, thương lượng. Theo đó, nếu các bên không thể tự động đàm phán và thống nhất một mức thù lao hợp lý thì trên thực tiễn giải quyết tranh chấp ở Việt Nam quyền lợi mà chủ thể quyền nhận được có thể thấp hơn nhiều so với mức thù lao hợp lý các bên đàm phán.
Do đó, đại diện phát ngôn của FPT cũng cho biết họ đã gặp gỡ với POPS để trao đổi hợp tác nhưng đến lần thứ 3 vẫn bất thành. "POPS thể hiện thái độ không thiện chí, cố tình sử dụng truyền thông như một công cụ gây sức ép, yêu cầu Truyền hình FPT trả số tiền lớn hoàn toàn không có căn cứ", phát ngôn viên của truyền hình FPT khẳng định.
FPT tố ngược POPS vi phạm bản quyền
Chưa dừng lại việc "phản pháo" trước cáo buộc từ POPS, truyền hình FPT mới đây cũng lên tiếng tố POPS xâm phạm quyền tác giả của công ty này.
Cụ thể, FPT cho biết, đơn vị này được cấp quyền sử dụng, khai thác độc quyền và thực thi bảo vệ quyền tác giả của Công ty TNHH Sự kiện truyền thông Phúc Lâm. Khoảng 2 năm gần đây, truyền hình FPT phát hiện thấy POPS đã sao chép, sử dụng và truyền đạt tới công chúng một số tác phẩm thuộc quyền sở hữu của truyền thông Phúc Lâm thông qua mạng xã hội Youtube và ứng dụng POPS trên điện thoại có kèm quảng cáo.
Phát ngôn truyền hình FPT cho rằng, POPS đã sao chép, sử dụng và truyền đạt tác phẩm mà truyền hình FPT nắm giữ độc quyền bị xem là đã cấu thành hành vi xâm phạm quyền tác giả theo quy định tại khoản 2, 6 và 8 Điều 28 Luật Sở hữu Trí tuệ. Truyền hình FPT có toàn quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi nêu trên với mức phạt tối đa 500 triệu đồng theo Điều 2 Nghị định 131/2013/ND-CP...
Từ đó, truyền hình FPT đề nghị POPS ngay lập tức gỡ bỏ toàn bộ các tác phẩm vi phạm trên mọi nền tảng, đăng lời xin lỗi chủ thể quyền và truyền hình FPT trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như cam kết không xâm phạm bất kỳ tác phẩm nào thuộc sở hữu của truyền hình FPT.
Hiện tại, cả hai bên vẫn đang "phản pháo" nhau qua văn bản và chưa nộp đơn khởi kiện lên tòa. Dân trí sẽ tiếp tục thông tin về vụ "đấu tố" nhau vi phạm bản quyền. Phía FPT cho biết, họ sẽ ngồi đám phàn cùng POPS nếu 2 bên tỏ ra có thiện chí, nếu cần phải ra toà, FPT sẽ theo đến cùng vụ kiện này.
Luật sư của FPT cho biết: Điều 33 của Luật sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2009 quy định các trường hợp sử dụng quyền liên quan không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao như sau:
1. Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thỏa thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân sử dụng trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để phát sóng không có tài trợ, quảng cáo hoặc không thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng theo quy định của Chính phủ.
2. Tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố trong hoạt động kinh doanh, thương mại không phải xin phép, nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao theo thoả thuận cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng kể từ khi sử dụng; trường hợp không thoả thuận được thì thực hiện theo quy định của Chính phủ hoặc khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.
3. Tổ chức, cá nhân sử dụng quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này không được làm ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng và không gây phương hại đến quyền của người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, tổ chức phát sóng.
Gia Linh