Phó Chủ tịch cấp cao Google về Việt Nam để hỗ trợ DN siêu nhỏ

(Dân trí) - Kent Walker - Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách các vấn đề toàn cầu kiêm Cố vấn Pháp lý Google – vừa có mặt tại Hà Nội sáng nay để cùng tham gia chương trình Digital 4.0 tại Việt Nam nhằm hỗ trợ cho gần 500.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ.

Ông Kent Walker có kinh nghiệm 20 năm phụ trách các vấn đề chính sách và pháp lý trong lĩnh vực công nghệ. Ông hiện đang giám sát các vấn đề pháp lý, chính sách và tuân thủ của Google, cùng với chính sách sản phẩm, chiến dịch từ thiện và làm việc với các chính phủ trên khắp thế giới.

Trước khi gia nhập Google, ông Kent giữ vị trí điều hành tại các công ty công nghệ hàng đầu, bao gồm eBay, Netscape, AOL và Airtouch Communications. Ông từng giữ chức vụ Công tố viên Liên bang, làm việc cùng với Bộ Tư Pháp Mỹ và từng tư vấn cho Bộ trưởng về các vấn đề chính sách công nghệ. Ở thời kỳ đầu của sự nghiệp, ông là một luật sư tố tụng chuyên về các vấn đề chính phủ và luật công.


Kent Walker - Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách các vấn đề toàn cầu kiêm Cố vấn Pháp lý Google - chia sẻ với các DN Việt Nam.

Kent Walker - Phó chủ tịch cấp cao, phụ trách các vấn đề toàn cầu kiêm Cố vấn Pháp lý Google - chia sẻ với các DN Việt Nam.

Kent tốt nghiệp bằng danh dự tại Đại học Harvard và Đại học Luật Stanford. Ông từng làm việc trong hội đồng của hàng loạt các hiệp hội ngành công nghiệp và hiện đang làm việc trong Hội đồng quản trị Harvard và Quỹ đầu tư mạo hiểm xã hội Mercy Corps. Ông là thành viên của Hội đồng Quan hệ đối ngoại.

Chia sẻ tại lớp học Vietnam Digital 4.0, ông Kent cho biết: “Tại Google, chúng tôi rất coi trọng doanh nghiệp dù đó là doanh nghiệp lớn hay nhỏ. Thành công của bạn rất quan trọng đối với chúng tôi”.

Ông Kent tỏ ra rất ấn tượng với Lý Thị Lan - đại diện công ty Shutan, Sapa O’Chau - mạng lưới giúp khách du lịch liên kết với hướng dẫn viên bản địa để đưa khách về bản.

Lan là một trong số ít người dân tộc thiểu số ở Sapa tham gia vào chương trình đào tạo của Google. Lan cho biết: “Tôi muốn đưa chương trình này vào trong các hình mẫu cộng đồng để họ có thể có cơ hội tiếp cận và học hỏi thêm kiến thức về Digital, để họ có thể áp dụng các bài học có trong chương trình này vào chính mô hình kinh doanh homestay của mình để cải thiện cuộc sống cho chính bản thân và ngoài ra họ cũng có thể hỗ trợ cho những người dân ở địa phương khác.


Một trong những lớp học miễn phí của Google mở ra cho hàng nghìn DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam.

Một trong những lớp học miễn phí của Google mở ra cho hàng nghìn DN vừa, nhỏ và siêu nhỏ tại Việt Nam.

Nói về hoạt động kinh doanh của mình trước khi được tham gia lớp học Vietnam Digital, Lan cho biết: “Trước đây tôi gặp nhiều khó khăn, đó là vấn đề tiếp cận được khách hàng và làm thế nào để khách hàng có thể biết đến chúng tôi nhiều hơn cũng như tin tưởng để mà sử dụng dịch vụ cung ứng của chúng tôi. Mặt khác cộng đồng chưa biết về công nghệ thì tôi thấy rào cản lớn nhất là sự thiếu hụt thông tin trên các nền tảng online, khiến cho bà con gặp khó khăn trong việc kết nối khách hàng. Đồng thời khách hàng thì lại không biết đến các dịch vụ cũng như sản phẩm hiện có của đồng bào để họ có thể đến sử dụng dịch vụ cơ sở homestay của cộng đồng nơi bản địa đã và đang phát triển ở vùng sâu vùng xa”.


Câu chuyện của cô gái dân tộc Lý Thị Lan ở Sapa đã gây sự chú ý với ông Kent Walker.

Câu chuyện của cô gái dân tộc Lý Thị Lan ở Sapa đã gây sự chú ý với ông Kent Walker.

“Câu chuyện của Shutan và các cộng sự của Lý Thị Lan làm tôi rất xúc động và khâm phục. Ngày nay, doanh nghiệp của họ đã dùng internet để đón thêm khách lữ hành từ khắp nơi trên thế giới đến trải nghiệm cao nguyên Sapa, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc thiểu số cũng như hỗ trợ giúp trẻ em vùng cao đến trường học. Hôm nay, các bạn ngồi ở đây để hiểu thêm về công nghệ kỹ thuật số và phát triển doanh nghiệp hiệu quả hơn. Đây là một sự khởi đầu tốt đẹp và chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi có thể hỗ trợ bạn nhiều hơn nữa”, ông Kent Walker chia sẻ.

Nhân sự kiện ông Kent Walker đến Việt Nam hôm nay, Google cũng công bố cột mốc đầu tiên trong chương trình Digital 4.0 tại Việt Nam với con số 58.249 doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng như các cá nhân được đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và chiến lược tiếp thị số sau 6 tháng triển khai.

Chương trình Digital 4.0 do Google phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - Hồ Chí Minh (VCCI-HCM) Hội đồng Doanh nhân nữ Việt Nam (VWEC), Vườn ươm doanh nghiệp Đà Nẵng (DNES), Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE), Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC), Sáng kiến hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và kinh doanh (WISE) để triển khai, hướng tới đối tượng là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ cũng như các cá nhân đang có ý định mở doanh nghiệp riêng trong vòng 6 tháng tới, dành cho mọi lứa tuổi và miễn phí cho tất cả mọi người tại 4 trung tâm ở Hà Nội, Đà Nẵng và TP.Hồ Chí Minh. Google cho biết chương trình sẽ tiếp tục được nhân rộng sang các tỉnh thành khác vào năm 2019 và 2020 với mục tiêu đào tạo 500.000 chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam từ nay đến năm 2020.

Các học viên đăng ký sẽ tiếp cận các nội dung kỹ năng kỹ thuật số đa dạng bao gồm Xây dựng một thương hiệu dễ nhớ, Xây dựng chiến lược truyền thông trên mạng xã hội, Làm thế nào để tạo một trang website đơn giản, Tăng cường độ phủ sóng của trang web và Kỹ năng dành cho Nữ lãnh đạo. Chương trình bao gồm những bài học được thiết kế bởi các chuyên gia xoay quanh các nội dung như tiếp thị kỹ thuật số, thương mại điện tử, sự hiện diện trực tuyến và kỹ năng điều hành doanh nghiệp.

Khôi Linh