1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Phát triển nguồn nhân lực CNTT: Báo động đỏ!

(Dân trí) - Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 32.000 sinh viên tốt nghiệp ngành CNTT nhưng chỉ 10% trong số đó đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực công nghệ cao. Các doanh nghiệp gọi đây là tình trạng báo động đỏ có thể khiến Việt Nam tụt hậu so với thế giới.

Tham gia buổi Toạ đàm về” Nguồn nhân lực CNTT” tại Diễn đàn ICT Summit 2015, ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch công ty phần mềm FPT Soft, cho rằng 32.000 sinh viên CNTT tốt nghiệp mỗi năm nhưng chỉ có 9.000 em trong số đó có thể đáp ứng nhu cầu của DN, và chỉ có 3.000 em có năng lực làm việc tại nước ngoài. Trong khi đó, chỉ riêng FPT, trong năm 2015, công ty này cho biết có nhu cầu đào tạo 3.600 người, và với tốc độ phát triển như hiện nay thì đến năm 2018, FPT cần tuyển 9.000 người/năm.

“Hiện nay, số các em tốt nghiệp CNTT mà có ngoại ngữ dung được chỉ là con số loay hoay khoảng 3.000 -4.000 em”, ông Hoàng Nam Tiến cho biết.

Đó mới chỉ là nhu cầu của FPT, trong khi đó Việt Nam còn rất nhiều công ty làm CNTT, và khi tất cả đều có nhu cầu tuyển dụng các nguồn nhân lực CNTT trình độ cao, và có khả năng ngoại ngữ tốt thì sẽ lấy từ đâu? Đó là câu hỏi mà ông Huỳnh Quyết Thắng, Viện trưởng Viện CNTT ĐH Bách khoa, đặt ra.

Theo ông Thắng, chúng ta có 2 vấn đề thiếu hụt. “Chúng ta đang nói thiếu hụt về số lượng, nhưng thực chất chúng ta đang thiếu về chất lượng, cái chuẩn về CNTT. Chúng ta đã đào tao rất nhiều người, cụ thể là 32.000 người nhưng rút lại chỉ còn 9.000 người làm việc được. Như chúng tôi, cần tuyển người cho dự án làm phần mềm cho nước ngoài thì chỉ có 10-15% hồ sơ ứng tuyển được nhận, xong sau đó phải đào tạo, rơi rụng thêm thì chỉ còn khoảng 5%”.

Việt Nam còn thiếu trầm trọng nhân lực CNTT đủ trình độ ra nước ngoài làm việc.

Việt Nam còn thiếu trầm trọng nhân lực CNTT đủ trình độ ra nước ngoài làm việc.

PGS.TS. Phan Thanh Bình, Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, cũng nhận thấy những bất cập trong sự thiếu hụt nhân lực CNTT của Việt Nam. “Tất cả chúng ta đều thấy hệ lụy đang rõ ràng hiển hiện chứ không phải tương lai mới thấy. Đây là bài toán lớn, trách nhiệm phải cùng làm”.

Theo ông, các cơ quan quản lý nhà nước phải nhìn lại một cách nghiêm túc. Kỹ sư phần mềm gọi đơn giản là chuyên gia CNTT-phần mềm, người nhập dữ liệu cũng phải chuyên nghiệp. Vấn đề này không phải không làm đc, phải dùng chính sách nhà nước đẩy đào tạo từ xa qua mạng thật rộng, từ đó chuẩn hóa thế nào là chuyên viên, chuyên gia sau khi tốt nghiệp đại học để có câu trả lời về đầu ra cho sinh viên. Chỉ có chính sách nhà nước có thể làm được. CNTT không chỉ là phần mềm, mà đi vào tất cả các ngành khác. Đi vào ngành khác như thế nào là do chính sách nhà nước”.

Ngoài ra, ông Bình cũng đặt câu hỏi mà chắc hẳn đây là điều khiến sinh viên ái ngại nhiều nhất. Đó là, đào tạo nhiều nhưng đi thực tập ở đâu?! Các doanh nghiệp lớn như FPT hay nhiều doanh nghiệp khác cũng không thể thu nhận hết số lượng sinh viên thực tập.

Tuy nhiên, ông Hoàng Nam Tiến đã viện dẫn đến một thực tế tại FPT. “Thực tế tại FPT Soft, 40% số kĩ sư lập trình không học IT ra mà học các ngành tự nhiên, họ chuyển đổi rất tốt. Ở Ấn độ, công ty Infosis với 167 nghìn người cũng vậy, trong đo scos tới 40% là non-IT, họ có quá trình chuyển đổi và không quá 1 năm họ sẽ thành kĩ sư IT. Tôi nghĩ rằng đây là 1 nguồn rất lớn hiện nay, đề nghị bộ Giáo dục hoặc các trường có văn bằng 2 - đào tạo 18 tháng - 2 năm để đào tạo ngành 2 CNTT”.

Ông Tiến cũng kiến nghị các trường ĐH lớn nhất về CNTT ở việt Nam nên có lớp kỹ sư CNTT, cử nhân CNTT nhưng học bằng tiếng Nhật Bản. “FPT sẵn sàng ký cam kết nhận toàn bộ các em đó, đảm bảo lương tốt, công việc tốt, mỗi 1 em biết tiếng Nhật đó sẽ tạo ra 5 việc làm cho các kĩ sư CNTT không có làm ở VN”.

Ông Nam cho rằng, việc này có thể quyết được và làm được. Hiện nay 3 trường ĐH ở Đà Nẵng đã ký cam kết và FPT cam kết sẽ nhận toàn bộ kĩ sư CNTT, cử nhân CNTT đào tạo bằng tiếng Nhật. “Hàng năm chúng ta nhận tài trợ ODA từ Nhật Bản hàng tỷ đô la Mỹ, tôi đề nghị mỗi năm dành ra số tiền là 1km đường, tương đương 12 triệu USD, đủ để đào tạo 1000 kĩ sư , hoặc cử nhân CNTT học tiếng Nhật trong 1 năm đủ trình độ làm được”

Ông Huỳnh Quyết Thắng cho rằng: “Để giải quyết được bài toàn nhân lực theo tôi cần 3 yếu tố: Chính sách nhà nước cần cởi mở, cho trường ĐH đào tạo qua văn bằng; và trường đào tạo chính quy đến đại học cần chuẩn hoá chất lượng đào tạo và gắn đào tạo với thực tiễn, có sự hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp (như FPT), giữa Nhà trường với các tổ chức tài chinh như ngân hàng, tạo điều kiện cho các em đi học đạt chuẩn, có việc làm sau khi ra trường. Trong khi đó, chính các doanh nghiệp, cần người thì phải tự đào tạo lại, chúng ta nhận người sau đó đào tạo nâng cấp… thì chính chúng ta là người có động lực cao nhất để tạo sự phát triển cho CNTT

“Ngoài ra, Các cơ quan truyền thông đẩy thông điệp đến lớp trẻ, định hướng cho các em học gì làm gì thì có lợi nhất cho gia đình và xã hội”, ông Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ bên lề Diễn đàn ICT Summit 2015, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết: “CNTT có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội hiện nay, tạo nên thế giới phẳng và nhanh hơn, góp phần tạo nên phương thức phát triển mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của chúng ta hiện nay. Chúng ta không thể hình dung nổi nếu như tất cả các cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp không ứng dụng CNTT trong tình hình hiện nay thì sẽ thấy sự bất lợi như thế nào trong việc nâng cao sức cạnh tranh của chúng ta”.

Do vậy, Bộ trưởng cho biết trong nhiều năm qua các cơ quan nhà nước, Chính phủ đã quan tâm và ban hành nhiều quyết sách, những chủ trương của Đảng, đẩy mạnh ứng dụng CNTT. Một trong những lĩnh vực là đạo tạo nguồn nhân lực. Nhà nước và Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này rất sát sao. Tuy nhiên, thời gian qua việc tổ chức triển khai còn nhiều bất cập, dẫn đến tình trạng chỉ có 10% trong số 32.000 sinh viên CNTT ra trường đạt yêu cầu quốc tế, đấy là điểm cần phải chấn chỉnh trong đào tạo”.

Trong thời gian qua Bộ TT&TT đã phối hợp với Bộ GD ĐT để thường xuyên đổi mới nâng cao chất lượng, trước hết là tại các trường đại học. Chúng tôi sẽ nâng cao chất lượng giảng dạy tại các khoa CNTT tại các trường ĐH, đảm bảo đáp ứng chất lượng theo yêu cầu của trong nước và quốc tế. “Chúng ta đào tạo nhân lực theo phục vụ cho xã hội, cho DN chứ không phải chúng ta đào tạo theo khả năng của nhà trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Trước các nhu cầu và đề nghị đào tạo chuyên sâu nhân lực CNTT bằng tiếng Nhật, Bộ TT&TT cho biết đã có chương trình phối hợp với các DN để có các chương trình đào tạo.

“Chúng ta sẽ hướng đến việc đào đạo nhân lực theo yêu cầu đặt hàng của DN, đào tạo theo địa chỉ không chỉ về lĩnh vực chuyên môn mà còn cả ngôn ngữ. Chính vì vậy DN yêu cầu thì nhà trường sẽ hướng tới để đào tạo”.

Khôi Linh