Phát hiện hóa thạch voi ma mút con 25.000 năm tuổi
(Dân trí) - Mới đây, các nhà nghiên cứu tại Siberia, Nga đã phát hiện ra hóa thạch của một con voi ma mút con được cho là bị giết và bị ăn thịt với niên đại cách đây lên đến 25.000 năm.
Theo The Moscow Times, hóa thạch được các nhà khoa học phát hiện tại khu vực gần sông Belaya thuộc Siberia. Khi được phát hiện, phần xương gồm khoảng 1,5 m2 khi được ráp lại, được chia thành ba phần gồm hộp sọ (đã bị vỡ), răng và các phần xương khác.
Theo giả thuyết của các nhà nghiên cứu tại Đại học Irkutsk, đây có thể là một con voi ma mút con đã bị săn và bị ăn thịt bởi chính con người cổ đại. Con voi này trở thành mục tiêu của các thợ săn sau khi bị bầy đàn của chúng bỏ lại. Và dựa trên các mẫu xương, các nhà nghiên cứu trên đã xác định được con voi này từng sống cách đây khoảng 25.000 năm trước.
Với phát hiện mới này, các nhà khoa học sẽ có thêm những nguồn tư liệu quý giá liên quan đến loài voi ma mút khổng lồ - loài đã bị tuyệt diệt cách đây hàng ngàn năm – từ đó xây dựng lại lịch sử tiến hóa của loài voi này.
Cũng tại điểm khai quật làng cổ Malta thuộc khu vực Irkutsk nơi tìm thấy voi ma mút trên, các nhà khảo cổ cũng rất vui mừng khi phát hiện thêm hóa thạch xương của một con tê giác lông mịn cùng rất nhiều hiện vật bằng đá và xương của các loài động vật khác. Điều này cũng sẽ giúp các nhà khoa học có thêm tài liệu về cuộc sống của con người cổ đại cũng như các loài vật ở thời điểm đó.
Voi ma mút là một loài thuộc chi voi lông dài, tồn tại cách đây khoảng 4,8 triệu năm - 4500 năm về trước. Đặc điểm của chúng là lông dài khoảng 50 cm và rậm hơn so với voi hiện nay, có ngà cong và dài (khoảng hơn 3,5 mét theo ghi nhận), răng dài 5 cm, chân chỉ có 4 ngón thay vì 5 như voi hiện đại. Loài voi này chủ yếu ăn cỏ do đó có răng khá sắc, da nâu, cao từ 3 – 3,3 mét.
Phan Tuấn