Phần mềm Việt Nam: Đã đi được bao nhiêu bước?

Chuyện Việt Nam quyết tâm làm phần mềm - dẫu là gia công theo đơn đặt hàng ở nước ngoài - đã tạo nên một ngành kinh tế mới – công nghiệp phần mềm! Còn khá non trẻ nhưng công nghiệp phần mềm Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận…

Tín hiệu khả quan

 

Dẫu chưa đạt mục tiêu mà Chỉ thị 58 của Bộ Chính trị đặt ra “… đến năm 2005, phần mềm Việt Nam sẽ có tổng giá trị 500 triệu USD…”, nhưng những gì mà ngành phần mềm Việt Nam gặt hái trong thời gian qua được đánh giá là “khởi đầu tạm ổn”.

 

Nhớ lại 3 năm trước, đã có không ít ý kiến cho rằng: Việt Nam sức đâu mà làm phần mềm, nói gì đến ước mơ có một ngành công nghiệp phần mềm! Theo PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA), 3 năm qua, ngành phần mềm Việt Nam đã thật sự trở mình khi tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 30% – 45%.

 

Riêng trong năm 2004, tổng giá trị phần mềm Việt Nam gia công là 170 triệu USD, trong đó xuất khẩu là 45 triệu USD. Theo đánh giá của ASOCIO (Hiệp hội Công nghiệp Điện toán châu Á – châu Đại Dương), Việt Nam là một trong 25 quốc gia hấp dẫn về lĩnh vực gia công phần mềm trên thế giới.

 

Riêng với thị trường Nhật Bản, uy tín của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam chỉ xếp sau Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc. Hiện nay, có hơn 600 doanh nghiệp tham gia thị trường gia công phần mềm với khoảng 15.000 kỹ thuật viên, kỹ sư phần mềm. Số doanh nghiệp được cấp chứng chỉ quốc tế CMM, ISO tăng gấp 3 lần, đặc biệt có hai doanh nghiệp là FPT và PSV đã đạt chứng chỉ CMM5 và CMM15.

 

Ông Hoàng Minh Châu, Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết thêm, với sự hỗ trợ của VINASA, trong năm qua, doanh số xuất khẩu phần mềm của FPT đã tăng 690%. Được biết, hiện nay, 80% –90% doanh thu của nhiều doanh nghiệp chủ yếu nhờ vào xuất khẩu. Với những nỗ lực đáng kể, uy tín của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam ngày càng được nâng cao trên thị trường phần mềm quốc tế, cụ thể là ở Nhật, Mỹ, Ireland, Hungary…

 

Song song với việc mở rộng quan hệ để tìm kiếm khách hàng, trong những năm qua, chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực phần mềm cũng tăng đáng kể: 63 kỹ sư phần mềm được tu nghiệp tại Nhật Bản theo chương trình học bổng AOTS của Nhật Bản, 30 cán bộ quản lý doanh nghiệp phần mềm tham dự chương trình đào tạo quản lý chất lượng phần mềm. Trong năm 2005, 100 kỹ sư tại Hà Nội và TPHCM đã được các chuyên gia phần mềm Nhật Bản huấn luyện kỹ năng gia công phần mềm.

 

Lo cho tương lai!

 

Những thành công ban đầu của phần mềm Việt Nam đáng được ghi nhận nhưng cũng cần thấy rằng, để phần mềm trở thành một ngành công nghiệp quan trọng trong cơ cấu công nghiệp nước nhà, các doanh nghiệp phần mềm vẫn còn nhiều hạn chế và phải đối mặt với nhiều khó khăn.

 

Ông Nguyễn Hữu Hiền, Giám đốc Công viên Phần mềm Sài Gòn (SSP) đã thẳng thắn chỉ ra hàng loạt nhược điểm của các doanh nghiệp phần mềm trong nước: chưa phải là nhà kinh doanh phần mềm chuyên nghiệp, năng lực sản xuất còn yếu, chưa theo quy trình sản xuất hiện đại, thiếu hoạch định lâu dài, chưa quan tâm đến nhu cầu thị trường…

 

Lo cho tương lai của các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam, một lãnh đạo Bộ Bưu chính - Viễn thông trăn trở: “Để phần mềm trở thành một ngành công nghiệp thật sự thì không chỉ phát huy năng lực của các doanh nghiệp trong nước mà cần có nhiều các nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

 

Công tác xúc tiến thương mại trong lĩnh vực phần mềm còn quá đơn điệu: chỉ tập trung một vài quốc gia có mối quan hệ truyền thống như Nhật mà chưa chú ý đến các thị trường khác…”. Vì là một ngành công nghiệp còn quá non trẻ nên theo Giám đốc Công ty Phần mềm K.I.K, các doanh nghiệp phần mềm trong nước cần có sự bảo hộ của nhà nước. Vị giám đốc này còn cho rằng: “Công tác tư vấn còn quá yếu nên chưa thể mời nhà đầu tư nước ngoài tham gia…”.

 

Dẫu có nhiều cố gắng nhưng vấn đề về nhân lực phần mềm là chuyện lâu nay khiến các doanh nghiệp phần mềm lo âu. Ông Nguyễn Nhật Quang, Giám đốc Công ty Phần mềm Hài Hòa thừa nhận: “Tại sao năng suất làm việc của các kỹ sư phần mềm khi còn làm việc cho các công ty trong nước không cao nhưng khi chuyển sang công ty nước ngoài thì họ trở thành những tài năng? Có phải chăng chúng ta đã dùng người không đúng cách?”. Ông Quang trăn trở, hình như quy trình sản xuất của chúng ta chưa đúng cách nên chưa phát huy năng lực của từng cá nhân!

 

Thị trường trong nước: bỏ trống!

 

Ông Phí Anh Tuấn (Công ty Phần mềm AZ) đề nghị thêm: “Để phần mềm trở thành một ngành công nghiệp bền vững, không chỉ hướng đến thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp phần mềm cũng nên quan tâm tới thị trường trong nước”. Điều dễ nhận thấy, thị trường phần mềm Việt Nam hiện nay thường chỉ xuất hiện tại các tuần lễ về công nghệ thông tin nhưng quá đơn điệu, chỉ tập trung một vài phần mềm về kế toán và quản lý nhân sự!

 

Trả lời thắc mắc của chúng tôi về vấn đề này, giám đốc một doanh nghiệp phần mềm có tiếng tại TPHCM than thở: “Dân ta lâu nay quen dùng phần mềm lậu, phần mềm miễn phí đầy rẫy trên mạng nên chúng tôi có làm ra cũng chỉ là để cho người tiêu dùng nhớ đến thương hiệu chứ còn sống nhờ nó thì chắc ngay sau ngày khai trương… sẽ làm thủ tục đóng cửa!”.

 

Công nghiệp phần mềm Việt Nam còn quá trẻ, chưa thể đòi hỏi quá nhiều. “Để ngành công nghiệp phần mềm phát triển vững mạnh, không chỉ là nỗ lực của doanh nghiệp mà cần có sự tiếp sức từ Nhà nước bằng những chính sách ưu đãi hơn nữa...”, TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM nói thêm như vậy!

 

Theo Hoàng Lan

Sài Gòn giải phóng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm