Phái đẹp đang bị cuốn vào thế giới game

(Dân trí) - Giọt nước nhỏ xinh sơn màu sặc sỡ cho thị trấn. Thỏ con xinh xắn chạy tung tăng. Nông trại xanh rì mát mắt dành cho các cô bé chăm sóc ngựa hoang. Điểm chung của những game trên? Không dành cho nam giới!

Những game nói trên rõ ràng không được thiết kế dành cho game thủ nam - chúng là một phần của quá trình mở rộng quan trọng nhất với ngành kinh doanh game từ ngày ra đời đến nay, trong nỗ lực kéo nữ giới và nhiều thành phần xã hội khác vào thế giới giải trí trò chơi điện tử (video game).

Nintendo xứng đáng là hãng đầu tiên bắt đầu phong trào này với máy chơi game Wii của mình, như tuyên bố vào năm ngoái tại hội nghị E3 hãng sẽ xoá nhoà ranh giới giữa game thủ hạng nặng và những người chỉ mới bắt đầu tìm hiểu về game. Tới thời điểm này, mặc dù vẫn còn khoảng cách , lượng game “phi truyền thống” đang phát triển mạnh mẽ, chiếm tới 18 tỉ đô la doanh thu của thị trường video game Bắc Mĩ.

Theo nhà phân tích Michael Pachter của tổ chức Wedbush Morgan, mới chỉ 5 năm trước, trên 90% khách hàng của ngành công nghiệp video game là nam thanh niên trẻ tuổi từ 18-34. Ngày nay, con số đó chỉ còn khoảng 60-70%. Cần phải khẳng định ngành công nghiệp game vẫn tập trung vào những "siêu phẩm" truyền thống như Fallout 3, một game cho phép người chơi “sáng tạo” các cách giết kẻ thù tàn bạo, máu me đến kinh hoàng.

Nhưng các hãng sản xuất-phát hành game đầu tàu như Nintendo, Microsoft, Electronic Arts và Ubisoft đều nhận thấy tiềm năng khổng lồ của thị trường game “phi truyền thống”. 25% sản lượng toàn cầu 1,5 tỉ đô của Ubisoft  năm ngoái đến từ những game giải trí đơn giản (casual games – khái niệm nhằm chỉ tất cả những game không dành cho name game thủ trẻ). Đây là năm đầu tiên hãng coi các game thủ “phi truyền thống” là một bộ phận quan trọng cần có chiến lược riêng.

Nhằm tiếp cận game thủ nữ nhỏ tuổi, Ubisoft tung ra loạt game Imagine giúp các cô bé từ 6-14 tuổi đóng vai nhà thiết kế thời trang, ngôi sao nhạc rock hoặc siêu sao trượt ván. Hãng còn có loạt game Horse Riders, trong đó game thủ đảm nhận chăm sóc và phát triển cả một nông trại ngựa. Những game như trên hẳn sẽ bị các site về game và “chuyên gia đánh giá game” phớt lờ, nhưng đem lại lợi nhuận không nhỏ.

Phái đẹp đang bị cuốn vào thế giới game - 1
Trò chơi điện tử không còn những hình ảnh máu me giết chóc vô nghĩa

Những hãng vốn từ trước đến nay làm game cho các cậu teen giờ đây không chỉ muốn lôi kéo chị em của họ vào thế giới game, mà còn cả các bậc phụ huynh. Không ai thành công trong lĩnh vực này như Nintendo, với máy chơi game Wii  bán được tới 10 triệu bản từ ngày ra mắt năm 2006, và luôn luôn rơi vào tình trạng… thiếu hàng.

Chủ tịch Nintendo, Satoru Iwata, cho biết ông hi vọng có thể xoá nhoà ranh giới giữa game và các dạng giải trí khác: “Chúng ta cần mở rộng sang địa phận âm nhạc và phim ảnh”. Ví dụ, game Wii Music của Nintendo biến bộ điều khiển không dây của máy Wii thành 1 trong hơn 60 loại nhạc cụ khác nhau. Người chơi sẽ bắt chước cách nhạc công chơi nhạc cụ để “chơi nhạc”, và như thế có thể chơi nhạc khi thậm chí còn không biết thế nào là nhịp, phách. Đây là bước tiến ngoạn mục nếu so với những đỉnh cao doanh thu như Halo 3 – trò chơi đòi hỏi người chơi cần có kĩ năng hoàn hảo, tôi luyện lâu ngày nếu muốn sống sót chỉ vài phút trên chiến trường.

Theo Patcher, game thủ buộc phải xa rời thế giới game họ từng yêu mến khi bước qua tuổi thanh niên. Bị công việc, gia đình và các trách nhiệm khác trói buộc, những người đã từng hăng say “giết quái vật”, “thám hiểm thiên hà” trong tuổi thanh niên của mình giờ đây hầu như không tìm nổi hàng giờ đồng hồ chìm đắm trong các thế giới y-như-thật của game bắn súng góc nhìn người thứ nhất và game phiêu lưu.

Nintendo đang tìm cách đưa họ trở lại thế giới đó.  Vấn đề ở đây chỉ là làm thế nào để nắm bắt sở thích, nhu cầu từng thành phần game thủ.

Lãnh đạo bộ phận Casual Entertainment của EA - mới được thành lập một năm trước khi nhận ra tiềm năng “gà đẻ trứng vàng” của thị trường này-  Kathy Vrabeck cho biết: “Cực kì hiếm sản phẩm có thể thoả mãn nhu cầu của mọi giới, mọi thành phần, mọi độ tuổi”. Ngoại lệ có thể là các game mô phỏng nhạc cụ, như Wii Music, Guitar Hero của Activision, Rock Band của EA..

Và còn những dòng game đặc biệt khác nữa, như Spore của EA. Được thiết kế theo ý tưởng của cha đẻ dòng game SIMS, Will Wright, Spores cung cấp công cụ đơn giản giúp người chơi thiết kế sinh vật theo ý thích chính mình  không theo bất kì qui tắc nào ngoài việc chúng phải có .. một cái mồm. Từ ngày công cụ thiết kế được đưa lên Internet (17/6), người chơi đã tải lên “Bách khoa toàn thư Spore” tới 1,9 triệu loài quái vật nhiều sừng, thỏ ngố, bọ siêu nhân và vô số sinh vật kì quái khác - nhiều hơn cả số chủng loài được biết tới trên Trái Đất! Phiên bản đầy đủ của Spore, cho phép game thủ đưa các con thú chính tay họ thiết kế vào thế giới ảo để sinh hoạt, sẽ có mặt trên thị trường tháng 9 năm nay. EA hi vọng game này sẽ thành công ít nhất cũng ngang với mức của SIMS, dòng game mô phỏng “chơi búp bê” đã thành huyền thoại.

THQ cũng có con bài tủ của mình, De Blob, được thiết kế bởi một nhóm sinh viên đại học. Hãng hi vọng trò chơi sẽ “vừa dễ vừa khó”, thu hút cả game thủ thông thường lẫn game thủ hạng nặng. Bất kì ai cũng có thể cầm thanh điều khiển Wiimote của máy chơi game Wii và để sơn phết cho thị trấn của mình. Nhưng càng chơi sâu, game sẽ càng khó: họ không chỉ phải sơn mỗi nhà mỗi màu (tự pha màu sơn), mà còn phải chiến đấu chống lại công ty xấu xa I.N.K.T muốn phá bỏ công sức của các “thợ sơn”.

Randy Shoemaker, giám đốc phụ trách thương hiệu của THQ thừa nhận: “Hấp dẫn cả game thủ thông thường lẫn có kinh nghiệm là rất khó, nhưng chúng tôi cho rằng mình đang làm được điều đó với De Blob"

Hoàng Hải
Theo AP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm