Ông Thiều Phương Nam: Việt Nam cần chuẩn bị cho 5G ngay từ bây giờ

(Dân trí) - 5G đã tới nhanh hơn kỳ vọng ban đầu. Cách đây 1 năm hầu hết công ty viễn thông hàng đầu trên thế giới đều cho rằng 2020 mới là thời điểm bắt đầu triển khai 5G. Tuy nhiên với bước phát triển mới thì 2019 công nghệ này sẽ được thương mại hoá.

5G triển khai sớm hơn dự báo


Kết nối 5G được giới thiệu chính thức trong Hội nghị Qualcomm 4G/5G Summit diễn ra tại Hongkong.

Kết nối 5G được giới thiệu chính thức trong Hội nghị Qualcomm 4G/5G Summit diễn ra tại Hongkong.

Năm nay là lần thứ 11 Qualcomm tổ chức Hội nghị với quy mô toàn cầu với hơn 2.400 khách mời là đối tác từ rất nhiều nhà mạng lớn trên thế giới, từ nhà sản xuất thiết bị, dịch vụ… Tất cả đều chung sự quan tâm lớn nhất là công nghệ 5G.

5G đã đi nhanh hơn kỳ vọng ban đầu. Cách đây 1 năm hầu hết công ty viễn thông hàng đầu trên thế giới đều cho rằng 2020 mới có thể bắt đầu triển khai mạng di động tốc độ cao 5G. Tuy nhiên với bước phát triển mới thì trong năm 2019 công nghệ này sẽ bắt đầu được triển khai ở một số quốc gia.

Hiện Qualcomm đã có modem, bước đầu đưa mẫu đầu tiên smartphone hỗ trợ 5G. Như vậy 5G đã tới rất gần.

Tại Việt Nam, 5G bao giờ sẽ xuất hiện và sẽ tác động ra sao tới đời sống xã hội? PV Dân trí có cuộc trao đổi cùng ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia bên lề Hội nghị Qualcomm 4G/5G Summit đang diễn ra tại HongKong.


Ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia.

Ông Thiều Phương Nam - Tổng giám đốc Qualcomm Việt Nam, Lào và Campuchia.

Để thương mại hoá 5G, các nhà mạng phải chuẩn bị gì thưa ông?

Ông Thiều Phương Nam: Các nhà thiết bị sản xuất đầu cuối, các nhà mạng có chia sẻ, tất cả đã sẵn sàng cho việc triển khai mạng 5G vào năm 2019. Hiện đã là cuối 2017 và như vậy thời gian chỉ còn 2 năm. Một quốc gia nếu muốn đưa 5G đến với người dùng thì phải chuẩn bị rất sớm, ngay từ bây giờ.

Đi lên 5G phải dựa trên nền 4G vững mạnh. Không thể đi lên 5G mà 4G không tốt. 4G phải có độ phủ tốt, chất lượng tốt, công nghệ mới nhất, khi hạ tầng này hoàn thiện mới lên được 5G.

5G có sự khác biệt lớn so với 3G hoặc 4G. Nếu những công nghệ trước đây kết nối chỉ xoay quanh di động, smartphone thì nhưng 5G là IoT (internet of things), hàng chục tỉ thiết bị thông minh sẽ cùng nhau kết nối. Hiện nay IoT là xu hướng không quốc gia nào có thể đứng ngoài. Theo thống kê của Qualcomm, năm vừa qua chỉ riêng lĩnh vực IoT (ngoài smartphone), doanh số của Qualcomm đã đạt 2 tỉ đô la Mỹ. Nguồn thu từ mảng IoT rất lớn và sẽ còn phát triển bùng nổ trong thời gian tới.

Tốc độ phủ sóng 4G ở Việt Nam nhanh hàng đầu thế giới

Ông đánh giá như thế nào về mạng 4G tại Việt Nam trong thời gian qua?

Các mạng di động Việt Nam đã nhận giấy phép 4G tháng 10/2016. Theo đánh giá và quan sát của tôi, hiếm có quốc gia nào sau khi nhận giấy phép triển khai 4G, trong vòng 6 tháng có thể phủ sóng 4G với độ phủ lớn như các nhà mạng Việt Nam. Đó là một thành công rất đáng trân trọng. Việt Nam là nước triển khai 4G muộn nên có thuận lợi khi thiết bị đầu cuối hỗ trợ nhiều hơn, rẻ hơn. Người dùng Việt Nam sẵn sàng chuyển sang sử dụng 4G, đây là bước tiến rất đáng kể.

Tuy vậy, hiện công nghệ 4G ở Việt Nam mới chỉ đang được triển khai ở mức độ nền tảng. Băng tần còn hẹp, hy vọng sắp tới sẽ có thêm băng tần cho 4G: 2.600MHz; 2.300MHz. Băng tần cho 4G rất quan trọng. muốn chất lượng tốt thì băng tần cần được ưu tiên hàng đầu.

Việt Nam vừa tiếp cận mạng di động 4G được gần 1 năm, làm sao để lên 5G, thưa ông?

Hiện gần 25 nước, 40 nhà mạng đã triển khai thành công tốc độ Gigabit. Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để đạt được ngưỡng này. Nhà mạng có băng tần rồi phải nâng cấp công nghệ lên 4G, đưa vào công nghệ mới. Khi hạ tầng 4G tốt thì mới lên được 5G như tôi đã nói ở trên.

Ngoài ra, hạ tầng 5G cho IoT cần những công nghệ đặc biệt cho thiết bị, chẳng hạn như thiết bị điện thông minh phải gắn pin chạy 10 năm. 4G Việt Nam đã đạt được những thành công ban đầu nhưng để chuẩn bị cho 5G thì còn nhiều việc phải làm.

5G nếu có sẽ tác động ra sao tới xã hội Việt Nam, thưa ông?

5G tác động lên từng lĩnh vực trong xã hội, chẳng hạn giao thông thông minh, nông nghiệp thông minh… Chính phủ Việt Nam hiện quan tâm đẩy mạnh thành phố thông minh (smartcity), từng bước giải quyết rất nhiều vấn đề mà các thành phố lớn của Việt Nam đang gặp phải: Giao thông, chính phủ điện tử, hành chính công… công nghệ sẽ giải quyết tốt vấn đề này.

Việt Nam là nước nông nghiệp, nếu ứng dụng được công nghệ vào thì giá trị của nông nghiệp Việt Nam sẽ tăng rất nhiều, chất lượng, năng suất đều tốt hơn, tạo ra giá trị cao hơn.

Điểm mạnh của Việt Nam hiện nay, chúng ta đang trở thành trung tâm nghiên cứu phát triển sản xuất thiết bị di động thông minh. Việc Việt Nam tham gia nghiên cứu sản xuất thiết kế các thiết bị IoT thì đó là tiềm năng lớn.

Theo tôi, để đón đầu công nghệ thì Chính phủ cần đi trước 1 bước. Do các chính sách cần thời gian nhiều hơn, việc đầu tiên Việt Nam cần làm là chuẩn bị băng tần cho 5G. Các băng tần cũ chưa được giải phóng, các băng tần trống chưa có quy hoạch thì cần có chuẩn bị theo xu hướng chung của thế giới.

Xin cảm ơn ông!

Bảo Trung thực hiện

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm