1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Ôm laptop 3kg, máy ảnh phim tác nghiệp tại World Cup France 1998

PV

(Dân trí) - Công nghệ thông tin giờ đây đã đi một chặng đường rất xa so với 24 năm trước, thời điểm diễn ra World Cup France 1998. Khi đó, nhà báo Việt Nam xoay xở ra sao tại Pháp để đưa được tin bài về quê nhà?

World Cup 2022 đã bắt đầu khởi tranh. Nếu như trên sân cỏ, các cầu thủ so tài phân chia thắng bại bằng bàn thắng vào lưới đối phương, thì bên lề các trận đấu, giới truyền thông cũng bước vào cuộc tranh đua về tốc độ thông tin, đưa tin.

Tất nhiên ở thời điểm hiện tại, với những công nghệ tiên tiến như internet băng rộng, 4G, 5G, cùng các thiết bị điện tử như laptop, máy ảnh, flycam, bàn dựng... tối tân, các phóng viên tại sự kiện World Cup 2022 được trang bị tới tận chân răng. Việc thực hiện tin bài được công nghệ hỗ trợ rất nhiều.

Nhưng lùi thời gian về 24 năm trước, tại World Cup France 1998, nhà báo Việt Nam xoay xở ra sao khi tác nghiệp trực tiếp tại sự kiện?

Ôm laptop 3kg, máy ảnh phim tác nghiệp tại World Cup France 1998 - 1

Đội tuyển Pháp giành chức vô địch World Cup 1998 (Ảnh: Internet).

Câu chuyện nhà báo Vũ Mạnh Cường - nguyên phó Tổng biên tập báo Lao động chia sẻ trên mạng xã hội về tác nghiệp ở World Cup France 1998, thu hút được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng. Nhà báo Vũ Mạnh Cường hiện đã chuyển công tác về Bộ Y tế. Được sự đồng ý của tác giả, Dân trí đăng lại nội dung này để độc giả thấy được sự khó khăn của phóng viên trong điều kiện công nghệ hạn chế, cách đây 24 năm.

Tác nghiệp ở Worldcup France 98

Ôm laptop 3kg, máy ảnh phim tác nghiệp tại World Cup France 1998 - 2

Tấm ảnh nhà báo Vũ Mạnh Cường chụp lại từ chiếc máy mượn được của chủ quán ăn ở Paris. (Ảnh: Vũ Mạnh Cường)

Năm 1998, khi đang làm phóng viên mảng quốc tế ở báo Lao Động, tôi được Tổng biên tập Phạm Huy Hoàn cử đi Pháp để đưa tin về World Cup France 98. Tôi không phải là phóng viên thể thao, nhưng do biết tiếng Pháp và có chút ít kinh nghiệm tác nghiệp ở nước ngoài, nên được Trưởng Ban Thư ký tòa soạn Trần Duy Phương tiến cử với Ban biên tập.

Nhiệm vụ của tôi không phải là tường thuật các trận đá bóng mà là phản ánh những câu chuyện bên lề World Cup. Bạn Nguyễn Ngọc Hiển (giờ là Tổng biên tập báo Lao động) cho mượn chiếc laptop hiện đại nhất của tòa soạn lúc đó. Máy nặng tới 3kg, xách lệch hết cả vai. Cùng với chiếc laptop, tôi mang theo cái máy ảnh cơ, chụp film. Đó là toàn bộ dụng cụ hành nghề.

Thời đó, cách gửi tin bài nhanh nhất về nhà là qua Fax. Các bưu cục ở Paris lúc đó nhận tài liệu cần Fax của khách gửi tới một trung tâm nào đó rồi từ đó mới gửi ra nước ngoài. Thế là xảy ra chuyện bài mình (phóng viên) cần gửi hôm nay để tòa soạn đăng số báo ngày mai thì bưu điện ngày mai mới fax và báo ngày kia mới đăng được.

Nơi duy nhất ở Paris đảm bảo gửi được ngay là bưu điện trung tâm. Tôi thuê phòng ở Montreuil, khu ngoại ô cách trung tâm khoảng 13km. Từ đây vào trung tâm mất 30-45 phút đi bộ và các phương tiện giao thông công cộng.

Ngày nào tôi cũng lẽo đẽo đi khắp thành phố, thu thập thông tin, chụp ảnh, tối về viết bài, sáng ra cập nhật thông tin để đến trưa lặn lội tới bưu điện trung tâm gửi fax.

Ảnh gửi còn khó hơn. Phải mang đến hiệu tráng phim, chụp ảnh, chọn những tấm vừa ý và nhờ các bạn Vietnam Airlines gửi về Hà Nội bằng chuyến bay gần nhất.

Làm như thế được vài hôm thì tôi tìm ra được quán cafe Internet hiếm hoi ở Paris. Xếp hàng dài dằng dặc, phí đắt, mỗi người chỉ được phép sử dụng tối đa 30 phút. Nhân viên phục vụ kiểm tra đĩa mềm chứa dữ liệu rất cẩn thận để máy không bị dính virus.

Máy tính kết nối theo kiểu dial-up, tốc độ rùa bò, nên nhiều khi chỉ gửi 1 file văn bản qua email cũng tốn cả chục phút. Nhiều khi đang gửi thì hết thời gian, kết nối tự động ngắt, tôi lại phải lọ mọ đi mua thêm 15 phút nữa và xếp hàng để gửi nốt.

Cứ nhẫn nại làm thế cho đến hết vòng thi đấu đầu tiên. Nhân ngày nghỉ lần mò tới quán ăn của người Bắc Phi tại trung tâm thương mại cách nơi trọ khoảng 1 cây số, tôi tình cờ phát hiện ra anh chủ quán có Internet dial-up.

Lúc đó tôi liều hỏi anh có thể cho sử dụng Internet của quán mỗi ngày 30 phút không? Anh bảo: "Có, nhưng tôi không biết phải tính anh bao nhiêu tiền?".  Tôi liền đưa cái biên lai thu phí của quán cafe trên trung tâm ra, anh ta xem rồi bảo: "Tôi tính thêm 15% phí phục vụ nhé"? tôi Ok liền!.

Thế là từ đó trưa trưa tôi chỉ cần đi bộ tới quán ăn, được anh chủ quán tươi cười chào đón, kết nối Internet vào cái desktop khá mới của anh và thoải mái làm việc. Internet 1 mình một line nên tốc độ nhanh hơn, và nếu có bị lố vài ba phút thì anh chủ quán cũng không tính thêm tiền.

Một hôm thấy tôi xem lại những bức ảnh đã rửa, anh hỏi: "Anh có phải gửi những bức ảnh này về tòa soạn không?" Tôi bảo có. Nghe tôi kể cách gửi ảnh nhiêu khê, anh đề xuất: "Tôi có cái máy ảnh kỹ thuật số du lịch đấy, tôi cho anh mượn chụp lại những bức ảnh này, rồi gửi file ảnh về tòa soạn qua email sẽ tiện hơn".

Thế là việc gửi ảnh được hiện đại hóa. Anh chủ quán kiếm được nhiều tiền hơn, do thời gian "chiếm dụng" Internet để gửi ảnh tăng lên. Nhưng chất lượng ảnh thì mờ ảo như bức ảnh đăng kèm bài này…

Vũ Mạnh Cường