Nước Úc bắt Facebook trả tiền cho báo chí, bài học cho Việt Nam

Úc đã đi đầu trong cuộc chiến gian nan chống lại những gã khổng lồ công nghệ xấu tính, dù mọi chuyện vẫn còn ở điểm khởi đầu.

"Các công ty công nghệ toàn cầu không được nằm ngoài vòng pháp luật , đặc biệt khi có quá nhiều thứ đang bị đe dọa", ông Rod Sims, chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh và Tiêu dùng Úc (ACCC) nhận định.

Đó là vào một ngày mùa hè năm 2019, ACCC đã đệ trình Thủ tướng Úc một bản báo cáo dày 623 trang toàn những biểu đồ và số liệu cho thấy sự suy giảm mạnh mẽ của báo chí địa phương. 

Báo cáo này chính là phát súng báo hiệu sự mở đầu cho một cuộc chiến tưởng như không cân sức giữa các cơ quan báo chí với những gã khổng lồ công nghệ xuyên biên giới hay còn gọi là Big Tech. 

Dự luật mang tính cách mạng

Hồi tháng 2 năm nay, dự luật Đàm phán truyền thông tin tức của Úc đã chính thức đi vào hiệu lực, tạo ra một đòn giáng mạnh vào đế chế mạng xã hội Facebook và gã khổng lồ tìm kiếm Google.

Đạo luật này là kết quả của một quá trình chuẩn bị kéo dài tới ba năm, được thúc đẩy bởi chính phủ Úc và soạn thảo bởi ACCC. 

Trong giai đoạn từ 2017-2019, cơ quan này đã soạn ra tám báo cáo khác nhau để phân tích về mối tương quan giữa báo chí với các nền tảng kỹ thuật số như Facebook và Google. 

Nước Úc bắt Facebook trả tiền cho báo chí, bài học cho Việt Nam - 1

Facebook từng đáp trả dự luật của Úc bằng việc chặn mọi tin tức của Úc trên mạng xã hội này.

Tháng 4/2020, chính phủ Úc yêu cầu ACCC phải soạn ra một dự luật bắt buộc, lần đầu tiên và chưa từng có tiền lệ trên thế giới. Từ đó, một dự luật đã được trình lên Thượng viện và Hạ viện Úc lần đầu vào cuối năm 2020, được lưỡng viện nước này thông qua và có hiệu lực ngay lập tức kể từ ngày 25/2/2021. 

Đây có thể xem là một tốc độ làm việc vô cùng khẩn trương trong bối cảnh Big Tech đang ngày càng bành trướng và nuốt hết thị phần của báo chí. Bằng những thuật toán riêng, Facebook hay Google đã gom những miếng bánh ngon nhất, lấy nội dung báo chí mà không có sự chia sẻ doanh thu công bằng.

Khi đó, rất ít người nghĩ đến chuyện đòi lại tiền từ Facebook hay Google. Các quốc gia đều không đạt được những nỗ lực đáng kể nào để đem lại sự công bằng giữa báo chí và các nền tảng số. 

Cuối cùng, Úc đã làm nên lịch sử với một dự luật nhắm thẳng vào bất cứ công ty công nghệ nào cạnh tranh không lành mạnh và xâm phạm bản quyền nội dung tin tức. 

Có gì ở đạo luật của Úc?

Đạo luật Đàm phán truyền thông tin tức không phải công cụ trực tiếp để thu tiền của Facebook hay Google, mà nó đóng vai trò trọng tài và gây sức ép cho các nền tảng số. 

Các điều khoản trong đạo luật này nhìn chung là có lợi cho cơ quan báo chí, bao gồm cả các tờ báo giấy rất nhỏ ở địa phương cho đến các hãng thông tấn có sự hiện diện ở Úc như các ấn bản điện tử do tập đoàn News Corp của Mỹ vận hành hay The Guardian và Daily Mail của Anh.

Facebook đương nhiên chính là kẻ phản ứng dữ dội nhất khi dự luật được thông qua hôm 25/2. Dù đã 'làm mình làm mẩy' với chính phủ Úc, Facebook cuối cùng cũng chịu nhượng bộ.

Dự luật cũng được sửa đổi vào phút chót khi trao quyền đàm phán lại cho các cơ quan báo chí và chính phủ sẽ chỉ định cơ quan đóng vai trò trọng tài khi đàm phán thất bại.

Cuối cùng, Facebook đã đạt được dàn xếp với News Corp và Nine Entertainment trong một thỏa thuận không được tiết lộ lên tới nhiều triệu USD mỗi năm. Theo nhà phân tích ở Morningstar, mô hình của Úc có thể đem về khoảng 150 triệu USD mỗi năm mà các nước khác có thể học hỏi.

Gần hơn, Facebook tiếp tục nhượng bộ và trả tiền cho các cơ quan báo chí nhỏ hơn dưới dạng tài trợ quỹ. Số tiền ở thỏa thuận này không được tiết lộ, nhưng Facebook và Country Press Australia (CPA) đã ký một thư ngỏ dẫn tới thỏa thuận chung trong nhiều năm tới. 

CPA là tổ chức đại diện cho 81 nhà xuất bản tin tức với 160 ấn bản địa phương trải khắp nước Úc. CPA đã được ACCC ủy quyền đại diện làm việc với Facebook và Google trong việc đòi lại tiền từ các nền tảng số.

Cơ hội nào cho các nước khác?

Phát súng khai hỏa của Úc đã mở đường cho các nước như Mỹ, Anh hay Pháp tìm ra cách thu tiền từ Facebook và Google hoặc ít nhất là gây sức ép để Big Tech chia lại miếng bánh cân bằng hơn.

Sức ép này phần nào đã có hiệu quả ở bên ngoài nước Úc. Theo đó, Google đang phải triển khai News Showcase như một cách để trả tiền bản quyền nội dung cho báo chí với cam kết con số ban đầu khoảng 1 tỷ USD. Tính năng này hiện đã có mặt ở tám nước là Anh, Úc, Đức, Brazil, Argentina, Ý, CH Séc và Ấn Độ.

Facebook cũng đang triển khai mục News ở Anh với chi phí bản quyền tin tức phải trả không được tiết lộ. Nhưng mạng xã hội này đang lên kế hoạch đầu tư 1 tỷ USD trong vòng ba năm tới để hỗ trợ báo chí trên toàn cầu. 

Nước Úc bắt Facebook trả tiền cho báo chí, bài học cho Việt Nam - 2

Facebook sau cùng cũng phải nhượng bộ, ngồi vào bàn đàm phán với các hãng tin ở Úc. (trong ảnh: CEO Mark Zuckerberg của Facebook và CEO Robert Thomson của News Corp.)

Điều này đồng nghĩa với việc, các cơ quan báo chí ở Việt Nam cũng sẽ nằm trong kế hoạch của Facebook và Google mà vấn đề chỉ còn là thời gian. Nhưng nếu muốn nhanh hơn, một dự thảo luật buộc các nền tảng xuyên biên giới phải trả tiền cho cơ quan báo chí là điều cần được tính đến. 

Hoặc ít nhất cơ quan quản lý cần siết chặt hoạt động của Facebook và Google ở Việt Nam theo các quy định đã có về thuế, Luật An ninh mạng và Luật Cạnh tranh. Có như vậy, Big Tech mới chịu ngồi vào bàn đàm phán để đi đến một thỏa thuận đem lại sự công bằng cho ngành xuất bản nội dung nói chung và báo chí nói riêng. 

Ông Nguyễn Trường Sơn, Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam cho biết: "Hơn 80% doanh thu quảng cáo hiện nay rơi vào tay Facebook, Google". Miếng bánh quảng cáo của các báo điện tử của Việt Nam đang bị các nền tảng xuyên biên giới như Facebook và Google xâm lấn ngày càng mạnh. Trong khi các nền tảng này lại sống dựa rất nhiều trên các thông tin của các báo điện tử qua hình thức người dùng chia sẻ.

Lãnh đạo một tờ báo chia sẻ có vẻ như Google có chính sách nới lỏng việc chi trả cho các báo điện tử của Việt Nam, nhưng Facebook là "gã" keo kiệt đang kiếm tiền trên lưng các báo điện tử của Việt Nam mà số tiền họ chi trả thấp đến mức mà các báo không còn quan tâm đến. Đây là điều không thể chấp nhận được. Thế nhưng, nếu các báo điện tử Việt Nam không chung sức đồng lòng như các nước khác thì Facebook vẫn cứ nhởn nhơ kiếm tiền trên lưng họ. 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm