Nối mạng truyền hình trực tuyến cho 40 trường ĐH VN
Tại hội thảo về truyền hình trực tuyến (Video Conference) theo công nghệ Polycom do Visco và Trung tâm tin học - Bộ Giáo dục và đào tạo vừa tổ chức tại Hà Nội, TS. Quách Tuấn Ngọc, Giám đốc Trung tâm đã cho biết về thông tin trên.
Bộ GD&ĐT vừa tổ chức một cuộc hội thảo trực tuyến về tuyển sinh rất thành công. Trong thời gian tới, Bộ có tính đến việc ứng dụng công nghệ này để tiết kiệm nhiều tỷ đồng cho việc họp hành và nâng cao hiệu quả hội họp?
Trong những hội nghị, hội thảo đông người, đại biểu ở nhiều địa phương khác nhau, công nghệ này sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức và tiền bạc. Ngoài ra, nó còn có thể ứng dụng rất hiệu quả cho công tác giáo dục, đào tạo qua truyền hình trực tuyến. Một giáo viên giảng bài ở Lạng Sơn thì các học sinh ở Cà Mau cũng có thể tiếp nhận và trao đổi với thầy một cách trực tiếp, nhanh chóng. Khoảng cách địa lý trở nên vô nghĩa với công nghệ này.
Ứng dụng thứ ba cũng rất quan trọng cho các lớp tập huấn. Hiện nay, Bộ muốn tập huấn là phải qua mấy cấp: Bộ xuống sở, sở xuống phòng; phòng xuống trường. Mặt khác, một chuyên gia có thể cùng một lúc tập huấn cho nhiều người ở nhiều địa phương, nếu các địa phương cùng nối mạng trong hệ thống truyền hình trực tuyến.
Việc đưa công nghệ này vào hệ thống giáo dục là chủ trương và ngân sách từ Bộ hay chỉ là khuyến khích các cơ sở tự trang bị hệ thống?
- Đích thân Bộ trưởng chỉ đạo khẩn trương triển khai dự án này, nhằm tạo bước đi đầu tiên trong khi họp hành nhiều, tốn kém là tình trạng chung của các ngành. Bước một, dự án sẽ trang bị hệ thống để nối mạng truyền hình trực tuyến giữa Bộ và các trường ĐH, giữa 40 trường ĐH với nhau. Ngoài ra, sẽ tìm nguồn kinh phí khác để mở rộng diện thụ hưởng dự án, và mạng này sẽ được nối đến các cơ sở và trường cao đẳng trên phạm vi cả nước.
Tổng kinh phí dự án và thời gian thực hiện là bao nhiêu?
1,2 triệu USD. Từ nay đến cuối năm sẽ thực hiện xong bước 1. Rất nhanh thôi vì chúng tôi đã diễn tập rồi. Nói chung, một dự án thiết thực thì sẽ được mọi người hưởng ứng.
Khó khăn lớn nhất trong việc triển khai công nghệ này là gì?
Công nghệ này liên quan đến thiết bị trình chiếu và đường truyền. Thực tế, khó khăn lớn nhất bây giờ là đường truyền để kết nối các đơn vị giáo dục với nhau. Còn thiết bị trình chiếu thì Polycom có thiết bị rất hiện đại.
Loại hình đào tạo từ xa hiện nay có những bất cập gì?
Hiện nay chúng ta đang đào tạo qua video, TV… Bất tiện nhất là người học phải học đúng giờ, hạn chế không gian. việc giáo viên lên giảng trên truyền hình cũng qua nhiều công đoạn… Còn công nghệ này ở bất cứ đâu cũng có thể giảng được.
Có một bài toán nào về sự tiết kiệm trong họp hành, tập huấn… khi dự án hoàn thành?
- Những cuộc họp hành nghìn người thì chỉ tính riêng việc tiết kiệm tiền vé máy bay đi lại cũng đã rất lớn rồi. Cái tiết kiệm nữa là nhân lực: một giáo viên giỏi sẽ giảng một lúc cho hàng nghìn học sinh khắp nơi nghe. Tôi nghĩ, nếu công nghệ này được áp dụng mạnh mẽ thì các lò luyện thi tư nhân sẽ tự xoá sổ. Nhiều lò hiện nay treo biển GS nọ, GS kia dạy, nhưng thực chất là treo đầu dê bán thịt chó. Với Video Conference, thì chỉ cần mời đích danh giáo sư ấy là nhiều ngàn học sinh cùng được học thầy giỏi.
Trong thời gian tới, bên cạnh việc áp dụng công nghệ này, Bộ còn có hướng đi nào để tiếp tục đưa công nghệ tiên tiến vào giáo dục?
- Ngoài công nghệ này, còn một khái niệm nữa là Web Conference. Chỉ cần một webcam là hình ảnh được tải lên, lưu giữ trên mạng và những người cần thông tin có thể truy cập trang web này. Công nghệ này áp dụng cho những cuộc họp, hội nghị có quy mô nhỏ, ít người.
Theo VietNamNet