Nở rộ dịch vụ “bạn trai ảo” để nhắn tin với những người phụ nữ độc thân

(Dân trí) - Ngày càng nhiều người phụ nữ tại Trung Quốc lựa chọn công việc và sự nghiệp thay vì hẹn hò hay kết hôn, do vậy, họ đã tìm đến với dịch vụ “bạn trai ảo”, những người sẵn sàng nhắn tin và nghe họ tâm sự bất kỳ lúc nào.

Robin, một thiếu nữ 19 tuổi người Trung Quốc với danh tính thực đã được thay đổi, dành hàng giờ mỗi ngày để nhắn tin trực tuyến với một chàng trai mà cô chưa từng gặp mặt. Chàng trai này sẵn sàng nghe cô tâm sự bất kỳ lúc nào để an ủi và chia sẻ mọi việc, miễn sao cô trả tiền cho anh ấy.

Robin, hiện đang theo học ngành y, đã bỏ ra hơn 1.000 tệ (tương đương 3,3 triệu đồng) để thuê dịch vụ “bạn trai ảo”, một dịch vụ đang nở rộ tại Trung Quốc. Những “bạn trai ảo” này sẽ thường xuyên nhắn tin tán tỉnh các cô gái, là những người sử dụng dịch vụ, sẵn sàng bỏ ra hàng giờ để nghe họ tâm sự, gọi điện báo thức mỗi buổi sáng hoặc chúc ngủ ngon vào hằng đêm. Họ cũng sẵn sàng gọi điện video để tâm sự với các khách hàng của mình, nhưng cả hai chỉ giao tiếp với nhau qua mạng và không gặp mặt nhau thực sự ở ngoài đời.

Nở rộ dịch vụ “bạn trai ảo” để nhắn tin với những người phụ nữ độc thân - 1

Nhiều cô gái trẻ tại Trung Quốc tìm đến dịch vụ “bạn trai ảo” để có cảm giác được quan tâm và chăm sóc (Ảnh minh họa)

“Nếu ai đó sẵn sàng bầu bạn và tán gẫu với tôi, tôi rất sẵn lòng trả tiền cho họ”, Robin cho biết.

Dịch vụ “bạn trai ảo” đang dần trở nên phổ biến ở những phụ nữ trẻ có mức thu nhập trung bình và khá tại Trung Quốc, những người thường tập trung vào sự nghiệp, công việc hoặc học tập, hơn là có kế hoạch hẹn hò nghiêm túc để kết hôn và lập gia đình.

Các nhà cung cấp dịch vụ “bạn trai ảo” có thể được tìm thấy trên các ứng dụng nhắn tin WeChat hoặc trang thương mại điện tử Taobao của Trung Quốc.

Vào ban ngày, chàng trai 22 tuổi họ Từ là một nhân viên giao dịch ngoại hối ở Bắc Kinh, nhưng đến tối, Từ lại vào vai một người “bạn trai ảo” để nói chuyện, lắng nghe tâm sự của những khách hàng nữ trả tiền cho anh. Từ đã đóng vai “bạn trai ảo” được hơn một năm qua.

Các cô gái tìm đến dịch vụ của Từ với nhiều mục đích khác nhau. Một số muốn tâm sự, một số muốn có những lời khuyên trong cuộc sống và một số thì lại muốn nhận được những tin nhắn lãng mạn...

“Khi chúng tôi giao tiếp với nhau, tôi đã tự hỏi bản thân mình: Nếu tôi thực sự là bạn trai của cô ấy, liệu tôi có đối xử tốt với họ? Nhưng sau khi chúng tôi xong việc, tôi đã ngừng suy nghĩ theo kiểu đó”, Từ chia sẻ.

Lisa, 28 tuổi, một giám đốc với danh tính đã được thay đổi, hiện đang sống tại Thượng Hải, đã thuê dịch vụ “bạn trai ảo” để nhận được những tin nhắn lãng mạn hàng ngày. Cô cho biết bản thân mình đã có cảm giác được yêu khi sử dụng dịch vụ này.

Nở rộ dịch vụ “bạn trai ảo” để nhắn tin với những người phụ nữ độc thân - 2

Chàng trai họ Từ hóa thân thành “bạn trai ảo” mỗi đêm để nhắn tin với những nữ khách hàng của mình

“Dĩ nhiên, dịch vụ này giúp tôi có cảm giác như được yêu và được quan tâm, chăm sóc”, Lisa cho biết. “Vì tôi đang sử dụng dịch vụ nên tôi không cảm thấy tội lỗi gì với những người khác ở ngoài đời thật”.

Giá dịch vụ “bạn trai ảo” cũng có nhiều mức khác nhau, tùy thuộc vào thời gian và nhu cầu của khách hàng, từ mức vài nhân dân tệ cho nửa tiếng nhắn tin cùng nhau qua mạng, đến vài ngàn nhân dân tệ để giữ mối quan hệ hẹn hò qua mạng và gọi điện thoại trực tiếp để nói chuyện với nhau trong vòng một tháng...

“Con người đã tìm ra cách để thương mại hóa tình cảm. Đây là một hình thức thương mại mới nhắm vào phái nữ chưa từng có tại Trung Quốc”, Chris KK Tan, một giáo sư tại đại học Nam Kinh (Trung Quốc), người đang nghiên cứu về hiện tượng này, cho biết.

Trong quá khứ, nhiều phụ nữ Trung Quốc không được theo đuổi sự lãng mạn mà phải tuân theo những mối quan hệ được sắp đặt sẵn từ gia đình. Nhưng kể từ khi chính sách “một con” bắt đầu có hiệu lực tại Trung Quốc từ năm 1979 khiến quy mô các hộ gia đình bị giới hạn, nhiều bé gái được sinh ra và dạy dỗ như những bé trai đã giúp tạo ra một thế hệ phụ nữ tự tin và năng động hơn.

Tuy nhiên, sự phát triển của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến cho nhiều cô gái thuộc giới trẻ không muốn kết hôn mà muốn tập trung vào phát triển sự nghiệp và kiếm tiền. Số lượng những cuộc hôn nhân hàng năm tại Trung Quốc đã bị sụt giảm trong suốt 5 năm qua. Theo Cục Thống kê Quốc gia, tỷ lệ hôn nhân vào năm ngoái tại Trung Quốc chỉ đạt 7,2/1.000 người.

Dù không muốn kết hôn, nhiều phụ nữ trẻ vẫn mong muốn có được cảm giác của tình yêu và đó là một trong những lý do để ra đời của dịch vụ “bạn trai ảo”. Không ít người trong số đó cho biết họ cảm thấy hài lòng với mối quan hệ “mua bán” thông qua dịch vụ “bạn trai ảo” nên không còn có nhu cầu tìm kiếm một mối quan hệ ngoài đời thực, bởi lẽ theo họ những người bạn trai thực sự chắc chắn không thể chiều chuộng và quan tâm họ nhiều như những người bạn trai ảo họ quen qua mạng.

T.Thủy
Theo SCMP/Yahoo