Những vụ hack bí ẩn nhất lịch sử
(Dân trí) - Những tên tội phạm giỏi nhất chưa bao giờ bị pháp luật "sờ gáy". Định nghĩa này cũng có thể áp dụng cho các hacker dưới đây: hoàn toàn mất dạng sau khi gây không ít "sóng gió" trong thế giới ảo.
Hack là chuyện thường ngày trong thế giới ảo, nhưng không phải vụ tấn công nào cũng được phổ biến rộng rãi. Những vụ hack dưới đây ít được người ngoài biết tới nhưng lại rất đáng chú ý nhờ các nạn nhân khá nổi tiếng, đó là: NASA, bộ quốc phòng Anh, Microsoft, hay vì động cơ tranh cử tổng thống đầy ấn tượng. Và tất nhiên cả vì chúng chưa bao giờ bị pháp luật "sờ gáy".
WANK worm: virus "vì môi trường"
Có lẽ là vụ hack "đấu tranh vì môi trường" đầu tiên trong lịch sử, sâu WANK tấn công trụ sở NASA ở Greenbelt, Marryland vào tháng 10/1989, chạy banner trên tất cả màn hình máy tính của NASA nhằm phản đối việc phóng tàu Galileo thăm dò sao Mộc do sử dụng động cơ đẩy Plutonium có thể gây thảm hoạ hạt nhân. NASA tốn khoảng nửa triệu đô ngày công và nhân lực để xử lý "thành tích" này. Cho tới tận ngày nay, vẫn không ai biết nguồn gốc của vụ hack, mặc dù nhiều người cho rằng "nhà hoạt động hacker" này sống tại Melbourne, Úc.
Hack vệ tinh quốc phòng suýt gây "chiến tranh thông tin"
Tống tiền không thành, "trưng" con tin lên mạng
Tháng 1/2000, một tin tặc với biệt danh Maxim vượt qua được hệ thống bảo mật của website CDUniverse.com, ăn trộm thông tin toàn bộ khách hàng của website và đòi tiền chuộc 100 ngàn đô. Khi bị từ chối, hắn tung toàn bộ 300 ngàn số thẻ tín dụng lên website cá nhân có tên "Maxus Credit Card Pipeline" cho... cả thế giới cùng xem. Tên hacker Đông Âu này hiện vẫn mất dạng.
Trộm cả mã nguồn phần mềm điều khiển tên lửa
Điều gì sẽ xảy ra nếu phần mềm điều khiển... tên lửa hành trình bị đánh cắp? Rất may, các hacker đột nhập vào hệ thống của Exigent Software Technology, nhà thầu phụ trách thiết kế phần mềm điều khiển tên lửa hành trình lẫn vệ tính dẫn đường tên lửa cho bộ quốc phòng Mĩ chỉ kịp "vơ vét" được 2/3 tổng số mã nguồn. Cơ quan chức năng chỉ theo dấu được tên hacker có nick "Leaf" này đến đại học Kaiserslautern ở Đức, và hắn vẫn yên vị từ tháng 12/2000 đến ngày nay.
Hack mã bảo vệ bản quyền số
Không phải mọi hacker đều xấu xa, nhất là những người "hi sinh thân mình" sửa chữa "lỗi lầm" của các hãng độc quyền. Hacker có nickname Beale Screamer là một người như vậy: phần mềm FreeMe tung ra tháng 10/2001 của anh ta cho phép người dùng Windows xoá các đoạn mã bảo vệ bản quyền số (DRM) trên các file nhạc và video, giúp họ trao đổi nhạc phim tự do không còn bị giới hạn bởi luật "3 lần tối đa". Microsoft đã bỏ cuộc săn đuổi Beale từ lâu, trong khi người dùng lại tung hô anh ta như người hùng, người truyền "cảm hứng" để lớp hậu sinh tiếp tục con đường .. bẻ khoá.
Hack để vận động tranh cử
Tháng 10 năm 2003, khi cuộc vận động tranh cử cho nhiệm kì tổng thống Mĩ 2004-2008 đang diễn ra hết sức quyết liệt, một hacker cũng tham gia vận động cho ứng cử viên của mình theo cách rất "độc": hack hẳn trang chủ của tập đoàn truyền thông CBSnews.com, thay vào đó logo của ứng viên Dennis Kucinich, sau đó tự động dẫn người xem đến một đoạn video diễn thuyết dài 30 phút cũng của Kucinich. Tất nhiên ứng cử viên này chối bỏ mọi liên quan tới tiết mục vận động tranh cử đầy "sáng tạo" nói trên. Hacker đến nay vẫn chưa lộ mặt.
Hoàng Hải
Theo PCmag