Những tính năng mới ấn tượng trên nền tảng Android L

(Dân trí) - Phiên bản Android L mới được giới thiệu của Google được xem là phiên bản “lột xác” cả về thiết kế lẫn hiệu suất cho nền tảng Android. Dưới đây là những thay đổi và tính năng mới nổi bật nhất được Google trang bị cho phiên bản Android mới nhất của mình.

Thiết kế hoàn toàn mới

Những tính năng mới ấn tượng trên nền tảng Android L

Thay đổi lớn nhất trong phiên bản Android L so với các phiên bản Android trước đây chính là về mặt thiết kế, mà theo Google hãng đã sử dụng ngôn ngữ thiết kế Material Design dành cho nền tảng của mình. 

Giống với nền tảng Windows Phone của Microsoft và iOS 7 của Apple, Google cũng đã áp dụng triệt để phong cách thiết kế phẳng trên Android L. Các biểu tượng được thiết kế lại đơn giản nhưng không kém phần tinh tế. Đặc biệt, 3 phím điều hướng quen thuộc trên Android cũng được Google thiết kế lại để trở nên đơn giản hơn với 3 hình tam giác (nút quay lại), hình tròn (nút Home) và hình vuông (phím các ứng dụng gần đây).

Màn hình khởi động của Android cũng được thiết kế lại đẹp và nhiều màu sắc hơn.

Màn hình khởi động trên Android L
Màn hình khởi động trên Android L

Hỗ trợ chuẩn Bluetooth 4.1

Màn hình khởi động trên Android L

Android hỗ trợ chuẩn kết nối Bluetooth 4.1, điều này giúp các thiết bị chạy Android L có thể kết nối tốt hơn với các thiết bị thông minh đeo trên người, như đồng hồ thông minh, vòng đeo theo dõi sức khỏe...

Ngoài ra, Bluetooth 4.1 sẽ không làm nhiễu tín hiệu mạng 4G LTE giống như trên Bluetooth 4.0, điều này cho phép các nhà sản xuất có thể quản lý tốt hơn thời gian chờ đợi để kết nối giữa các thiết bị. Bluetooth 4.1 cũng cải thiện hiệu quả kết nối, cho phép các thiết bị tìm thấy nhau và kết nối dễ dàng hơn.

Chức năng thông báo mới

Màn hình khởi động trên Android L

Android L cho phép hiển thị hộp thoại thông báo ngay trên giao diện ứng dụng đang chạy, để người dùng có thể biết được nội dung thông báo (tin nhắn đến, cập nhật trên mạng xã hội, nâng cấp ứng dụng...) mà không phải thoát ra khỏi ứng dụng đang chạy như các phiên bản Android trước đây, cho phép người dùng bỏ qua hoặc phản hồi thông báo đó một cách kịp thời.

Ngoài ra, các thông báo cũng sẽ được hiển thị trên màn hình khóa của thiết bị, nhưng theo một cách ngăn nắp và chỉ những nội dung quan trọng mới được hiển thị trên màn hình khóa. Mỗi thông báo sẽ chỉ hiển thị dưới dạng một thanh nhỏ trên màn hình khóa, với những màu sắc tương phản nhau giúp người dùng có thể nắm bắt được những thông báo một cách dễ dàng hơn mà không cần mở khóa thiết bị.

Chế độ tiết kiệm pin

Màn hình khởi động trên Android L

Google đã rất quan tâm đến khả năng sử dụng pin trên thiết bị chạy Android L, do vậy đã trang bị thêm chế độ tiết kiệm pin (Battery Saver mode) trên nền tảng di động này, cho phép hạ thấp xung nhịp của vi xử lý và tần số quét của màn hình để kéo dài thời lượng pin sử dụng. Người dùng có thể kích hoạt chế độ này khi cần hoặc chế độ sẽ tự kích hoạt khi nhận thấy pin trên sản phẩm bắt đầu yếu đi.

Ngoài ra, Google còn cho phép các nhà phát triển dễ dàng quan tâm đến chế độ sử dụng pin hơn khi xây dựng các ứng dụng của mình, giúp họ có thể tối ưu ứng dụng và tiết kiệm năng lượng hơn khi các ứng dụng này được chạy.

Tăng hiệu suất với trình xử lý phần mềm mới

Màn hình khởi động trên Android L

Android L là phiên bản Android đầu tiên được trang bị trình xử lý phần mềm ART (Android Runtime) để thay thế cho trình xử lý Dalvik được sử dụng trên các phiên bản Android trước đây. Trên thực tế Google đã trang bị ART từ phiên bản Android 4.4 KitKat, tuy nhiên vì những hạn chế của phiên bản này nên Google không cho phép ART hoạt động mặc định, chỉ đến phiên bản Android L, ART mới được sử dụng một cách mặc định.

Theo Google, trình biên dịch ART sẽ giúp tăng hiệu suất của Android lên gấp nhiều lần so với các phiên bản Android trước đây và cải thiện được thời lượng sử dụng pin trên sản phẩm, do các ứng dụng được xử lý nhanh và tối ưu hơn nên tiết kiệm được năng lượng tiêu thụ.

Hỗ trợ vi xử lý cấu trúc 64-bit

Màn hình khởi động trên Android L

Android L sẽ là phiên bản Android đầu tiên tương thích với bộ vi xử lý cấu trúc 64-bit, tuy nhiên không chỉ là cấu trúc ARM của hãng ARM Holding (sử dụng trên những bộ vi xử lý của Qualcomm hay Nvidia...) mà còn hỗ trợ cấu trúc vi xử lý 64-bit x86-64 của Intel hay ADM. 

Đây không chỉ là một bước tiến quan trọng của Android trong cuộc đua hõ trợ chip 64-bit mà iOS của Apple đã đi trước một bước, mà điều này còn giúp các thiết bị Android phá vỡ rào cản về giới hạn bộ nhớ RAM trên thiết bị, khi sử dụng chip 32-bit chỉ hỗ trợ tối đa bộ nhớ RAM 4GB.

Tách biệt dữ liệu giữa cá nhân và công việc

Màn hình khởi động trên Android L

Một tính năng hữu ích trên Android L đó là cho phép người dùng có thể phân chia vùng dữ liệu trên cùng một thiết bị, một bên chứa những dữ liệu phục vụ cho công việc, một bên sử dụng cho cuộc sống hàng ngày. Điều này giúp người dùng không bị lẫn lộn giữa công việc và cuộc sống trên thiết bị chạy Android L.

Cơ chế bảo vệ thiết bị thông minh

Màn hình khởi động trên Android L

Android L được trang bị một cơ chế bảo vệ thông minh, cho phép bảo vệ thiết bị của người dùng theo từng trường hợp nhất định. Chẳng hạn với smartphone sử dụng Android L, thiết bị sẽ tự động phát hiện hiện tại người dùng đang sử dụng smartphone tại nhà hay tại nơi công cộng, từ đó có thể bỏ qua chức năng mật khẩu bảo vệ trên thiết bị để người dùng không phải mất công mở khóa thiết bị khi cần.

Tương tự, người dùng cũng có thể sử dụng smartwatch chạy trên nền tảng Android Wear để làm “chìa khóa thông minh” cho smartphone chạy Android L. Smartphone sẽ xác định xem người dùng có ở gần thiết bị hay không (thông qua tín hiệu từ smartwatch) để từ đó có thể vô hiệu hóa chức năng mật khẩu bảo mật trên thiết bị, và khi người dùng đi ra xa, thiết bị sẽ lại tự động kích hoạt mật khẩu bảo vệ.

Chức năng đa nhiệm với giao diện 3D

Màn hình khởi động trên Android L

Giao diện đa nhiệm và chuyển đổi giữa các ứng dụng trên Android L cũng được thiết kế lại dưới dạng 3D, thay cho dạng 2D với các hình ảnh thumbnail của các ứng dụng như trên Android phiên bản cũ.

Giao diện chuyển đổi giữa các ứng dụng trên Android L cũng tương tự như giao diện chuyển đổi các tab trên trình duyệt Chrome dành cho Android. Quá trình chuyển đổi ứng dụng diễn ra rất mượt mà và đặc biệt trở nên sinh động hơn so với các phiên bản Android trước đây.

Phạm Thế Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm