Những "rắc rối" từ robot dọn phòng và cách khắc phục
(Dân trí) - Sử dụng robot Roomba tại các hộ gia đình người Việt vẫn còn nảy sinh khá nhiều bất cập và thường phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng do điều kiện, môi trường, thiết kế căn phòng tại Việt Nam không giống như tại Mỹ.
Mặc dù đa số gia đình Việt vẫn giữ cho mình thói quen tự dọn phòng và lau quét nhà, nhưng cũng có không ít người đã giao nhiệm vụ này cho các chú robot.
Trong số đó, robot dọn phòng Roomba của hãng iRobot (Mỹ) là một trong sự lựa chọn phổ biến nhất tại thời điểm hiện nay, bên cạnh các robot đến từ Nhật, Trung Quốc,... Hiện các robot Roomba chưa được bán chính thức ở Việt Nam, mà chỉ được phân phối dưới dạng xách tay trực tiếp từ Mỹ, hoặc các thị trường lân cận.
Mức giá của một con robot Roomba dao động thấp nhất từ 6-7 triệu đồng cho tới hơn hàng chục triệu, tuỳ mẫu mã. Những robot cũ và đã qua sử dụng thì có mức giá thấp hơn từ 2-3 triệu đồng.
Dẫu vậy, không phải cứ bỏ tiền mua thương hiệu Mỹ là sẽ hoàn hảo. Trái lại, việc sử dụng robot Roomba tại các hộ gia đình người Việt vẫn còn nảy sinh khá nhiều bất cập và thường phát sinh lỗi trong quá trình sử dụng do điều kiện, môi trường, thiết kế căn phòng tại Việt Nam không giống như tại Mỹ.
Dưới đây là một vài nhược điểm và cách khắc phục của một số dòng robot Roomba phổ biến trên thị trường với giá thành hợp lý và công năng phù hợp với đông đảo người dùng như Roomba 860, 870,...
Lỗi robot không trở về dock sạc
Robot không trở về dock sạc có thể do nhiều nguyên nhân, trong đó tiêu biểu nhất là do người dùng đặt dock ở vị trí quá kín, hoặc bị ngăn cách bởi nhiều vật chắn sóng như ghế sofa, giường, tủ.
Cũng có trường hợp robot không trở về dock sạc có thể do hết pin trong quá trình mải mê làm việc trong một phòng hay một khu vực khác, và không kịp trở về để sạc pin.
Để khắc phục các lỗi này, người dùng nên đặt dock ở vị trí thoáng nhất trong căn nhà (thường là giữa phòng).
Bên cạnh đó, việc đặt dock sạc không chắc chắn gây ra kênh/đổ cũng có thể khiến robot gặp lỗi không trở về dock. Do đó, dock sạc nên được gắn cố định xuống sàn bằng băng dính hai mặt, đảm bảo chắc chắn và không bị xê dịch nếu bị đụng phải.
Robot không dọn rác ở trước mặt, đi loanh quanh chân bàn
Nếu dành thời gian theo dõi robot Roomba khi hoạt động, người dùng nếu tinh ý có thể nhận ra rằng đôi khi robot dường như “ham mê” chui vào các ngóc ngách, đi quanh chân bàn, ghế,... còn rác ở ngay trước mặt thì không thèm dọn. Trên thực tế, đây là cơ chế hoạch động của máy.
Cụ thể, robot Roomba sẽ xác định khu vực nào có nhiều bụi thông qua cảm biến, và sẽ dành thời gian ở đó nhiều hơn. Mà gầm bàn, gầm ghế, dưới chân ghế, thì thường nhiều bụi hơn các khu vực khác.
Robot cũng sẽ vẽ ra một “tuyến đường” cụ thể để dọn rác sao cho hợp lý, rồi quay lại với dock sạc, chứ không đi toàn bộ bề mặt căn phòng. Do đó sẽ có những trường hợp rác ở gần nhưng robot “chưa thích” hút, vì không nằm trên lộ trình xác định từ trước.
Robot hút bụi không sạch, bị quấn tóc, không hút được rác to
Robot bị quấn tóc, bám bụi làm giảm công suất hoạt động.
Robot hút bụi không sạch, kém hơn so với thời kỳ đầu khi mới mua có thể do thùng rác đầy và màng hepa bị phủ kín bụi. Điều này làm cho động cơ không thể duy trì lực hút mạnh.
Giải pháp đó là chúng ta cần vệ sinh thùng rác, vệ sinh màng hepa bằng bàn chải khô thường xuyên và tuyệt đối không dùng nước.
Đối với trường hợp bị quấn tóc, không hút được rác to,... là điểm yếu “cố hữu” của các dòng Roomba, và nhiều robot dọn phòng khác. Cách duy nhất để khắc phục đó là dùng tay nhặt bớt những cục rác quá to so với khả năng của robot, và thường xuyên vệ sinh màng lọc để tránh quấn tóc.
Nguyễn Nguyễn