Những nhầm tưởng về “điện thoại siêu xe”
Khi sở hữu một siêu xe, bạn chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi một món đồ "ton sur ton" với nó. Đánh vào tâm lý trên và lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, một loạt các sản phẩm "mượn danh" đã được tung ra.
Khi sở hữu một siêu xe, bạn chắc chắn sẽ bị hấp dẫn bởi một món đồ "ton sur ton" với nó như một chiếc điện thoại, máy tính bảng hay đồng hồ cùng đẳng cấp. Đánh vào tâm lý trên và lợi dụng niềm tin của người tiêu dùng, một loạt các sản phẩm "mượn danh" đã được tung ra với các cái tên giống hay gần giống cái tên của những hãng nổi tiếng.
Điện thoại Aston Martin Racing không phải của Aston Martin sản xuất. Máy tính bảng hay điện thoại Torino Lamborghini không có xuất xứ từ hãng xe Lamborghini. Các sản phẩm móc chìa khoá, điện thoại, đồng hồ hay dây lưng mang cái tên Porsche Design chẳng hề liên quan tới hãng xe Porsche. Đây không phải là những sản phẩm giả mạo nhưng những cái tên được đặt cho chúng hoàn toàn có thể khiến cho khách hàng hiểu lầm và tưởng rằng chúng được tạo nên bởi chính những thương hiệu xe hơi nổi tiếng.Thời gian trước, hãng Aston Martin có kết hợp với Mobiado cho ra đời những chiếc điện thoại cao cấp mang cảm hứng từ những siêu xe Aston Martin. Grand Touch Aston Martin hay 350 Aston Martin là sản phẩm xứng tầm với sự tinh tế, trang nhã và lịch thiệp với thiết kế xe của Aston Martin. Thế nhưng gần đây lại thấy xuất hiện một loại điện thoại lạ được đặt cái tên Aston Martin Racing. Và tất nhiên, không ai biết Aston Martin Racing thực ra chỉ là thương hiệu của đội đua F1 - Aston Martin.
Hãng xe Aston Martin kết hợp với hãng điện thoại Mobiado cho ra đời những mẫu điện thoại cao cấp mang cảm hứng từ những siêu xe Aston Martin.
Riêng với chiếc điện thoại Racing được giới thiệu duy nhất ở thị trường Hồng Kông một cách rất cẩu thả.
Thông tin về điện thoại Aston Martin Racing xuất hiện đầu tiên trên một trang công nghệ của Đài Loan (http://www.eprice.com.tw/mobile/talk/124/4809628/1#ystfuv) sau đó được các trang thông tin về điện thoại lấy lại mà không kiểm chứng. Tìm mỏi mắt trên trang tin của chính Aston Martin thì không có tên chiếc điện thoại nào như vậy. Aston Martin Racing được bán với cái giá lên tới 1.300$. Máy chạy HĐH Android và có cấu hình thua xa các loại điện thoại phổ biến hiện nay. Thông tin về nhà sản xuất máy điện thoại cũng không được cụ thể. Chỉ vài diễn đàn về công nghệ nói điện thoại "có thể" do Acer sản xuất.
Những lầm tưởng như vậy cũng xảy ra với thương hiệu Porsche Design. Không thể phủ nhận những thiết kế ấn tượng và phong cách của Porsche Design, nhưng cái tên của thương hiệu này cũng làm người tiêu dùng lầm tưởng khi sở hữu một sản phẩm của họ cũng đồng nghĩa với việc đang sử dụng một sản phẩm do chính Porsche thiết kế. Thực ra, Porsche Design là thương hiệu do ông Ferdinand Alexdander Porsche cháu nội của nhà sáng lập Porsche tạo nên vào năm 1972 và thương hiệu này hoàn toàn không liên quan đến hãng sản xuất xe hơi Porsche.
Logo của 2 thương hiệu cũng đã chứng minh được sự khác biệt.
Năm 1974, trụ sở của Porsche Design được đặt tại Zell am See, Áo. Họ sản xuất các sản phẩm phụ kiện cho nam dựa trên cảm hứng từ phong cách cổ điển của mẫu xe nổi tiếng 911 do Ferdinand A. Porsche thiết kế. Các sản phẩm của Porsche Design rất phong phú bao gồm điện thoại, đồng hồ, kính mắt, các loại bút… Những đồ vật này đều được mang nhãn hiệu "Porsche Design". Mới đây người sử dụng tại Việt Nam biết đến những chiếc điện thoại của Porsche Design như Porsche Design P'9522 hay BlackBerry Porsche Design P'9981. Tuy nhiên, rất nhiều người tiêu dùng sử dụng các loại điện thoại trên vẫn lầm tưởng mình đang sở hữu một sản phẩm do chính hãng xe hơi Porsche sản xuất.
Câu chuyện tương tự như vậy cũng xảy ra với bò tót Lamborghini. Người sáng lập ra hãng xe hơi nổi tiếng là ông Ferruccio Lamborghini. Còn con trai ông - Tonino chuyên thiết kế các bộ sưu tập về quần áo, phụ kiện, các sản phẩm như điện thoại, máy tính bảng… Tất cả các sản phẩm này đều được mang cái nhãn "Tonino Lamborghini". Tất nhiên, phần lớn những chủ nhân của các sản phẩm "Tonino Lamborghini" đều có thể lầm tưởng mình đang sở hữu đứa con của chính hãng xe "bò tót" nổi tiếng. Những lầm tưởng này cũng một phần do Tonino sử dụng cái tên thương hiệu có hậu tố "Lamborghini" còn logo của thương hiệu này thì cũng "nhang nhác" của hãng "bò tót".
Logo Lamborghini có biểu tượng sức mạnh của chú bò tót với 2 màu chủ đạo vàng và đen.
Với logo của Tonino Lamborghini có sự khác biệt rất rõ với chú bò tót nhỏ hơn và màu chủ đạo trong logo là đỏ, trắng và đen.
Tìm kiếm trên mạng ta có thể thấy hình ảnh của "những chiếc điện thoại Lamborghini" hay gần đây nhất là chiếc máy tính bảng của Tonino Lamborghini. Hình ảnh chiếc máy tính bảng này xuất hiện lần đầu trên một trang web của Nga. Nó có giá lên tới hơn 2.000$ nhưng trang bị cấu hình yếu kém của chiếc máy này có vẻ đi ngược lại với biểu tượng của chú bò tót mạnh mẽ và hiện đại. "Những chiếc điện thoại Lamborghini" thì được giới thiết kế đánh giá là trông có vẻ giống như điều khiển ti-vi hơn.
Vô tình hay hữu ý, thì những cái tên thương hiệu kể trên đôi khi là nguyên nhân chính khiến cho người tiêu dùng hiểu lầm và chi tiền cho những sản phẩm mà họ tưởng rằng chính là do hãng sản xuất mà mình muốn có chế tạo. Lỗi một phần cũng là của các "thượng đế" khi họ không tìm hiểu trước về những sản phẩm mình sẽ mua. Và người tiêu dùng nên cố gắng tránh đi cách chi tiêu theo tâm lý để tránh những điều đáng tiếc khi sở hữu một sản phẩm của sự lầm tưởng.
PV