Những công nghệ giúp xã hội duy trì hoạt động trong đại dịch Covid-19

Trong đại dịch Covid-19, công nghệ đóng một vai trò quan trọng giúp xã hội duy trì hoạt động khi phải phong tỏa giãn cách để chống dịch bệnh.

Những công nghệ này có thể sẽ tác động lâu dài và trở thành xu hướng trong tương lai, ngay cả khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát hay chấm dứt. Dưới đây là những xu hướng công nghệ giúp xã hội duy trì hoạt động bình thường ở mức nhiều nhất có thể trên nhiều lĩnh vực từ hoạt động kinh doanh, sản xuất hàng hóa đến chăm sóc y tế, giải trí…

Những công nghệ giúp xã hội duy trì hoạt động trong đại dịch Covid-19 - 1

Robot được sử dụng để chăm sóc bệnh nhân nhiễm Covid-19

Mua sắm trực tuyến và giao hàng bằng robot

Covid-19 đã làm chuyển đổi phương thức mua hàng trực tuyến từ một hình thức “khuyến  khích” sang hình thức “bắt buộc” tại hầu hết khắp nơi trên thế giới. Mua sắm trực tuyến cần có một hệ thống hậu cần mạnh mẽ hỗ trợ. Nhiều công ty giao hàng và nhà hàng ở Mỹ và Trung Quốc vẫn đang tiếp tục triển khai các dịch vụ giao hàng không tiếp xúc. Hàng hóa được lấy và giao tại một địa điểm được định sẵn thay vì giao tận tay. Ngành thương mại điện tử khổng lồ của Trung Quốc cũng đang tăng cường phát triển việc giao hàng bằng robot. 

Thanh toán kỹ thuật số và không tiếp xúc 

Tiền mặt chứa nhiều vi khuẩn và có thể khiến virus lây lan, do vậy, nhiều ngân hàng trung ương như Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc đã thực hiện nhiều biện pháp để đảm bảo đồng tiền được làm sạch trước khi đưa vào lưu hành. Thanh toán kỹ thuật số không tiếp xúc dưới dạng thẻ hay ví điện tử, là những phương thức thanh toán hữu hiện để tránh sự lây lan của Covid-19.

Thanh toán kỹ thuật số cho phép mọi người thực hiện mua hàng trực tuyến và trả tiền hàng hóa, dịch vụ, thậm chí thanh toán các tiện ích cũng như nhận được tiền nhanh hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể sử dụng hình thức thanh toán này. Theo Ngân hàng thế giới, hơn 1,7 tỷ người không thể dễ dàng tiếp cận hình thức thanh toán kỹ thuật số. Tính khả dụng của hình thức thanh toán này cũng phụ thuộc vào Internet, thiết bị mạng…

Khám chữa bệnh từ xa bằng công nghệ (Telehealth)

Dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe từ xa là cách hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 trong khi vẫn cung cấp được các dịch vụ chăm sóc thiết yếu. Các thiết bị chăm sóc sức khỏe cá nhân đeo trên người giúp theo dõi các dấu hiệu sức khỏe quan trọng.

Ngoài ra, công cụ trò chuyện tự động Chatbot có thể giúp đưa ra các chẩn đoán ban đầu dựa trên các triệu chứng do chính bệnh nhân cung cấp. Tuy nhiên, ở các quốc gia có chi phí y tế cao, vấn đề quan tâm là việc chi trả bảo hiểm với dịch vụ này. Telehealth cũng đòi hỏi trình độ hiểu biết về công nghệ nhất định để thực hành, cũng như đảm bảo kết nối internet.

Giải trí trực tuyến

Mặc dù các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã làm giảm đáng kể tương tác giữa các cá nhân, tuy nhiên, giải trí trực tuyến được sáng tạo để khắc phục điều này. Các buổi biểu diễn ca nhạc, hòa nhạc trực tuyến đã thu hút được người hâm mộ trên khắp thế giới. Các công ty sản xuất phim Trung Quốc cũng phát hành phim trực tuyến.

Các bảo tàng và các địa điểm di sản thế giới đưa ra các tour du lịch ảo… Cùng với đó là sự gia tăng đáng kể lưu lượng các trò chơi trực tuyến kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Ngoài ra, các giáo viên dạy khiêu vũ, dạy chơi nhạc cụ… cũng tổ chức các lớp học theo hình thức trực tuyến.

Chuỗi cung ứng 4.0

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, thậm chí nhiều nhà máy phải đóng cửa hoàn toàn. Khi nhu cầu về thực phẩm và thiết bị bảo vệ cá nhân tăng cao, một số quốc gia đã ban hành các lệnh cấm xuất khẩu với mức độ khác nhau đối với các mặt hàng này. Cùng với đó, sự phụ thuộc vào hồ sơ trên giấy tờ, thiếu tính đa dạng và linh hoạt đã khiến hệ chuỗi cung ứng hiện tại dễ bị tổn thương trước bất kỳ đại dịch nào.

Các công nghệ cốt lõi của Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, như Big Data, điện toán đám mây, Internet vạn vật (Internet IoT,) và công nghệ block chain đang xây dựng một hệ thống quản lý chuỗi cung ứng linh hoạt hơn cho tương lai, bằng cách tăng cường tính chính xác của dữ liệu và khuyến khích việc chia sẻ dữ liệu.

Công nghệ in 3D 

Công nghệ in 3D mang lại sự linh hoạt trong sản xuất khi cùng một máy in có thể tạo ra các sản phẩm khác nhau dựa vào thiết kế và vật liệu khác nhau, giúp thực hiện nhanh chóng các bộ phận đơn giản. Tuy nhiên, việc sản xuất số lượng lớn với công nghệ in 3D cũng gặp một số trở ngại liên quan đến vấn đề sở hữu trí tuệ đối với các thiết bị đã được cấp bằng sáng chế, liên quan đến quy định phê duyệt và các vấn đề khác như xuất xứ, thương mại…

Robot và máy bay không người lái

Covid-19 làm cho thế giới nhận ra việc hoạt động sản xuất dựa vào sự tương tác con người bị ảnh hưởng nhiều đến mức nào. Các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động như ngành bán lẻ, thực phẩm, sản xuất và hậu cần chịu tác động tồi tệ nhất. Covid-19 đã tạo một cú hích mạnh mẽ để triển khai việc sử dụng robot và nghiên cứu về robot.

Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, robot đã được sử dụng để khử trùng các khu vực và giao thức ăn cho những người bị cách ly. Máy bay không người lái được sử dụng để giao hàng và thậm chí là cả dắt chó đi dạo. Theo một số báo cáo dự đoán, nhiều công việc sản xuất sẽ được thay thế bằng robot trong tương lai, đồng thời, nhiều công việc liên quan đến robot cũng sẽ được tạo ra.  

5G và Công nghệ thông tin và truyền thông (ICT)

Tất cả các xu hướng công nghệ nói trên đều dựa vào mạng internet ổn định, tốc độ cao và giá cả phù hợp. Mạng 5G đã chứng minh tầm quan trọng trong việc theo dõi và tư vấn chăm sóc sức khỏe từ xa, tuy nhiên, tại một số nơi, việc triển khai 5G vẫn còn bị trì hoãn. Cùng với đó, việc áp dụng 5G sẽ làm gia tăng chi phí của các thiết bị tương thích cũng như chi phí cho các gói dữ liệu…

Covid-19 đã cho thấy tầm quan trọng của kỹ thuật số, cho phép các hoạt động kinh doanh và cuộc sống được tiếp tục như bình thường ở mức độ nhiều nhất có thể trong đại dịch. Việc xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ một thế giới số hóa và cập nhật những công nghệ mới nhất là điều cần thiết cho bất kỳ doanh nghiệp hay quốc gia, để duy trì khả năng cạnh tranh trong thế giới thời hậu Covid-19, cùng với nhân tố con người và quản trị công nghệ.

Theo ANTĐ