Những câu chuyện di động không thể quên trong năm 2012
(Dân trí) - Thị trường di động trong năm 2012 đã chứng kiến nhiều câu chuyện mà chúng ta sẽ không thể nào quên, đó là sự thống trị của hệ điều hành Android và Samsung, sự trì hoãn ra mắt của nền tảng BlackBerry 10, sự kiện công bố điện thoại Lumia 900 hoành tráng của Nokia...
Google cùng với nền tảng Android và đối tác phần cứng lớn nhất của họ là Samsung đã có một năm thắng lợi khi vượt lên dẫn trước Apple và chiếc điện thoại iPhone đình đám. Trong khi đó, những tên tuổi khác trên thị trường di động chẳng hạn như Microsoft, Nokia và RIM vẫn khá chật vật để cạnh tranh với Google và Apple. Giới công nghệ tin rằng trong năm 2013, Android sẽ tiếp tục mạnh mẽ hơn nhưng sẽ có một "kẻ thách thức thứ ba" thực sự nổi lên.
Và đây là những câu chuyện không thể nào quên trong lĩnh vực di động năm 2012:
1. Android vượt mặt iOS của Apple để nắm lấy vị thế thống trị
Theo hãng nghiên cứu IDC, trong quý 3/2012, số lượng smartphone sử dụng hệ điều hành Android của Google đã chiếm tới 75% thị trường smartphone toàn thế giới. Bất chấp sự phổ biến của iPhone ở Mỹ và trên khắp thế giới, nền tảng iOS của Apple chỉ chiếm 14,9% tổng số smartphone.
Ramon Llamas, nhà phân tích cao cấp tại IDC cho biết "Android đã trở thành một trong những động lực tăng trưởng chính của thị trường smartphone kể từ khi nền tảng này được trình làng trong năm 2008. Cứ mỗi năm, Android lại tiến nhanh hơn trên thị trường và giành được nhiều thị phần hơn từ các đối thủ cạnh tranh".
Thị trường lớn nhất của Android là Trung Quốc, nơi có khoảng 786 triệu smartphone Android dự kiến sẽ được bán ra tính đến cuối năm nay, theo hãng nghiên cứu thị trường Informa. Doanh số bán hàng của Android đã tăng tới 45% so với năm 2011.
Không còn gì phải nghi ngờ về việc Android đã giành được vị trí thống trị trên thị trường thế giới. Tuy nhiên, tại Mỹ, cuộc đua này vẫn còn chưa phân thắng bại và khoảng cách giữa các đối thủ có khả năng sẽ còn thu hẹp hơn nữa nếu Apple báo cáo về doanh số bán ra điện thoại iPhone 5 trong quý 4. Apple hiện đang chứng kiến sự tăng trưởng của thị phần của hãng tại Mỹ. Trong quý 3/2012, iOS chiếm 38% doanh số smartphone, tăng so với 21,5% hồi năm ngoái. Trong khi đó, Android lại đang đánh mất thị phần, chỉ chiếm 57,5% thị phần thị trường trong quý 3/2012, giảm so với 66% hồi năm ngoái, theo một báo cáo từ Kantar Worldpanel ComTech.
2. RIM lại trì hoãn ra mắt BlackBerry 10
RIM được cho là sẽ trình làng các thiết bị BlackBerry 10 đầu tiên của hãng vào năm 2011. Tuy nhiên, vào thời điểm này năm ngoái, Mike Lazaridis, đồng CEO của RIM cho biết các thiết bị mới sẽ sẵn sàng trình diện vào giữa năm 2012. Tuy nhiên, mùa hè năm 2012 đã trôi qua và không có thiết bị BlackBerry 10 nào được tìm thấy. Khi năm 2013 sắp đến, RIM một lần nữa lại tuyên bố năm 2013 sẽ là năm của BlackBerry 10. Trong khi đó, doanh số bán hàng của các thiết bị BlackBerry đang tiếp tục sụt giảm và thị phần thị trường của RIM cũng mất rất nhanh vào tay các đối thủ. Hiện tại, RIM cũng đã phát thư mời giới truyền thông đến tham dự lễ ra mắt BlackBerry vào ngày 30/1 tới. Dù sao thì trong tình huống này, câu ngạn ngữ "muộn còn hơn không" có vẻ vẫn đúng.
3. Nokia và màn ra mắt điện thoại Lumia 900 không thể ấn tượng hơn
Tiếp sau lễ trình làng của những mẫu smartphone Lumia sử dụng hệ điều hành Windows đầu tiên tại châu Âu vào cuối năm 2011, Nokia đã ra mắt Lumia 900, mẫu smartphone Windows Phone đầu tiên của hãng tại triển lãm CES được tổ chức ở Mỹ với sự đầu tư hoành tráng và đầy sôi động đúng phong cách của một "ông lớn". Hãng gọi đây là một trong những lần ra mắt sản phẩm lớn nhất và quan trọng nhất trong lịch sử của mình. Khi Lumia 900 "lên kệ" vào đầu tháng 4, AT&T, nhà mạng độc quyền phân phối chiếc điện thoại này từng hứa hẹn sẽ dành một sự ưu ái đặc biệt cho Lumia 900 của Nokia, thậm chí còn hơn cả iPhone. Tuy nhiên, doanh số của Lumia 900 vẫn còn rất khiêm tốn. Trong tháng 7, giá của Lumia 900 đã được cắt giảm xuống một nửa. Với mức giá mới chỉ 49,99 USD, AT&T và Nokia hy vọng sẽ thu hút được nhiều khách hàng hơn cho thiết bị này. Tuy nhiên, một bản cập nhật cho hệ điều hành của Lumia 900 và sự chờ đợi hệ điều hành Windows Phone 8 mới ra mắt một vài tháng sau đó đã làm tổn thương doanh số bán ra của chiếc điện thoại mà Nokia đặt rất nhiều kỳ vọng này.
4. Windows Phone 8 trình làng và mang theo hy vọng mới
Hơn ai hết, Microsoft đang rất muốn thành công trong lĩnh vực di động. Trên thực tế, gã khổng lồ phần mềm Mỹ cần làm được điều đó. Nhưng trong vòng hai năm qua, Microsoft lại trở nên quá chậm chạp và tụt hậu so với các đối thủ khác. Microsoft hy vọng nền tảng Windows Phone 8 mới sẽ thay đổi tất cả điều đó.
Vào đầu tháng 10, Microsoft đã chính thức ra mắt phiên bản mới nhất của hệ điều hành Windows Phone: Windows Phone 8. Nền tảng mới này trình làng chỉ vài ngày sau khi Microsoft công bố hệ điều hành Windows 8 dành cho máy tính để bàn, máy tính xách tay và máy tính bảng. Phần mềm di động mới này được hy vọng đến một ngày nào đó sẽ kết hợp chặt chẽ với Windows 8.
Với loạt sản phẩm ấn tượng từ HTC, Nokia và Samsung, cuối cùng Microsoft đã có thể có một cơ hội chiếm lấy vị trí thứ ba trên thị trường smartphone. Tuy nhiên, hiện tại, gã khổng lồ công nghệ Mỹ vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ Android và các thiết bị iOS của Apple. Trong khi đó, RIM được dự kiến sẽ trình làng các thiết bị mới sử dụng hệ điều hành BlackBerry 10 của hãng vào năm 2013 tới.
5. Samsung hấp cẳng Nokia để giành lấy vị trí nhà sản xuất điện thoại di động số 1 thế giới
Lần đầu tiên sau 14 năm, Samsung đã vượt mặt Nokia để trở thành thương hiệu điện thoại di động số 1 của năm 2012. Điều này đạt được một phần là nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của Galaxy S III. Theo IHS iSuppli cho biết, dự kiến Samsung sẽ chiếm 29% doanh số điện thoại di động bán ra trên toàn thế giới vào cuối năm nay, tăng từ 24% trong năm 2011. Trong khi đó, Nokia sẽ giảm từ 30% của năm ngoái xuống chỉ còn 24% vào cuối năm nay. Trong năm 2012, ngoài chiếc smartphone "bom tấn" Galaxy S III, Samsung còn trình làng hai mẫu điện thoại lai máy tính bảng đáng chú ý khác là Galaxy Note và Galaxy Note 2.
Võ Hiền