Những biện pháp đơn giản giúp phát hiện “trò lừa” trên mạng xã hội

(Dân trí) - Nhằm mục đích “câu like” trên mạng xã hội, không ít người đã bịa ra những câu chuyện “gây sốt” bằng những hình ảnh hay đoạn clip có nội dung “giật gân” nhằm lôi kéo nhiều người. Dưới đây là một vài giải pháp để không mắc phải những trò lừa này và tìm sự thật đằng sau câu chuyện.

Với sự phát triển của mạng xã hội, những câu chuyện được được lan truyền một cách nhanh chóng, đặc biệt là những hình ảnh, clip mang tính chất “giật gân” và “câu khách”. Lợi dụng sự tò mò của nhiều người, không ít người đã bịa ra những câu chuyện giả mạo sau đó chia sẻ chúng lên mạng xã hội. Những câu chuyện này cũng đã được lan truyền nhanh chóng, bất chấp chúng không phải là sự thật.

Vậy làm sao để không mắc lừa những âu chuyện này cũng như phát hiện sự thật đằng sau những trò lừa này? Dưới đây là một vài giải pháp đơn giản mà bạn có thể thử áp dụng.

Sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google

 


Hình ảnh một người cầm cờ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đang xung đột với cảnh sát Đức khiến nhiều người “sốc”, tuy nhiên thực tế đây là hình ảnh được chia sẻ từ năm 2012

Hình ảnh một người cầm cờ của Nhà nước Hồi giáo tự xưng (ISIS) đang xung đột với cảnh sát Đức khiến nhiều người “sốc”, tuy nhiên thực tế đây là hình ảnh được chia sẻ từ năm 2012

 

Một hình ảnh “gây sốt” trên mạng nhưng nguồn gốc không rõ ràng? Vậy làm sao biết được nguồn gốc cũng như câu chuyện thực sự đằng sau hình ảnh đó? Sử dụng công cụ tìm kiếm hình ảnh của Google sẽ là một giải pháp.

Đây là công cụ mà Google sẽ cho phép người dùng tìm kiếm trang web bằng hình ảnh, thay vì bằng từ khóa như thông thường. Công cụ này sẽ giúp người dùng tìm kiếm những trang web có đăng tải hình ảnh mà bạn quan tâm, từ đó có thể biết được thêm thông tin về hình ảnh đó. Bạn có thể sử dụng công cụ này tại địa chỉ http://image.google.com.

Ngoài Google, bạn cũng có thể sử dụng công cụ TinEye (truy cập tại http://tineye.com/) để tìm kiếm thông tin về hình ảnh.

Những công cụ này sẽ giúp bạn biết được những hình ảnh chia sẻ trên Internet có thực sự đúng với câu chuyện mà nó đang gắn liền hay không, hay chỉ đơn giản là một hình ảnh sao chép từ đâu đó, kết nối với một câu chuyện “hư cấu” để lừa dối người xem.

Xem thông tin video trên Youtube

Trong trường hợp câu chuyện đang lan truyền trên Internet không phải là một hình ảnh mà là một đoạn video Youtube, vậy làm sao để tìm kiếm sự thật về đoạn video đó? Khi xem một đoạn video đang “gây sốt” trên Youtube, điều quan trọng là người dùng cần phải phát hiện ra đây là một đoạn clip mới quay, hay là một đoạn clip đã được chia sẻ lên Youtube trước đó nhưng được tải về và upload ngược lại lên Youtube rồi mới “gây sốt” trong thời gian gần đây.

 

Youtube DataViewer sẽ hiển thị các hình ảnh thumbnail của đoạn video để người dùng có thể tìm kiếm thêm thông tin về chúng
Youtube DataViewer sẽ hiển thị các hình ảnh thumbnail của đoạn video để người dùng có thể tìm kiếm thêm thông tin về chúng

 

Để có thể tìm câu trả lời cho vấn đề này, người dùng có thể nhờ đến công cụ Youtube DataViewer (truy cập tại http://www.amnestyusa.org/citizenevidence/), dán đường link của clip Youtube cần tìm hiểu thông tin vào khung trống rồi nhấn “Go”, công cụ này sẽ hiển thị thông tin chi tiết về thời gian đoạn clip được upload và một vài hình ảnh thumbnail của đoạn clip. Người dùng có thể sử dụng những hình ảnh thumbnail này để tìm kiếm trên Google để biết được những trang web nào đã đăng tải đoạn video, nhằm có thêm thông tin về đoạn clip.

Trong trường hợp công cụ này phát hiện thấy có nhiều clip giống như đoạn clip mà bạn đang tìm kiếm chứa trên Youtube, công cụ sẽ hiển thị thông tin chi tiết về thời gian upload của các đoạn clip đó để người dùng biết được đâu là đoạn clip được upload đầu tiên lên Youtube.

Xem thông tin chi tiết về file đa phương tiện

Những hình ảnh, video hay file âm thanh được thực hiện bằng máy quay kỹ thuật số hoặc smartphone đều chứa dữ liệu EXIF (Exchangeable Image File), chưa các thông tin về bức ảnh chụp như thời gian chụp, loại máy ảnh, các thiết lập máy ảnh, thậm chí có thể cả thông tin GPS về địa điểm chụp... những thông tin này rất hữu ích nếu bạn nghi ngờ về độ xác thực của những hình ảnh được chia sẻ trên Internet.

 

Các thông tin EXIF của một hình ảnh sẽ cho biết được nhiều thông tin đằng sau hình ảnh đó
Các thông tin EXIF của một hình ảnh sẽ cho biết được nhiều thông tin đằng sau hình ảnh đó

 

Để xác định thông tin EXIF trên một hình ảnh, bạn có thể nhờ đến công cụ Exif Viewer Jeffrey (truy cập tại http://regex.info/exif.cgi), cho phép người dùng tải lên một file hoặc địa chỉ trang web của file (hình ảnh hoặc video) để tìm kiếm dữ liệu EXIF của hình ảnh đó.

Tuy nhiên, công cụ này không hẳn lúc nào cũng hiển thị đúng thông tin các file đa phương tiện, bởi lẽ dữ liệu EXIF thường bị sửa đổi sau khi hình ảnh đã được chỉnh sửa và can thiệp bởi các phần mềm xử lý. Ngoài ra quá trình upload, chia sẻ hình ảnh cũng sẽ khiến dữ liệu EXIF bị sửa đổi và không còn chính xác.

Tìm hiểu xem một hình ảnh đã bị can thiệp bởi phần mềm chỉnh sửa hay chưa

Để tạo nên những câu chuyện “gây sốt” trên mạng, nhiều hình ảnh thậm chí còn được can thiệp bởi phần mềm chỉnh sửa (chủ yếu là Photoshop) để làm tăng thêm độ “kịch tính” và “câu khách”. Vậy làm sao để xác định được đâu là một hình ảnh thật và đâu là một hình ảnh đã được can thiệp bởi Photoshop?

 

Hình ảnh chiếc đĩa bay được xác định là có sự can thiệp của phần mềm chỉnh sửa ảnh
Hình ảnh chiếc đĩa bay được xác định là có sự can thiệp của phần mềm chỉnh sửa ảnh

 

FotoForensics (truy cập miễn phí tại http://fotoforensics.com/) là công cụ miễn phí, sử dụng thuật toán thông minh Error Level Analysis (ELA) - phân tích lỗi ảnh ở từng cấp độ khác nhau để xác định xem một hình ảnh đã có sự can thiệp của phần mềm chỉnh sửa hay chưa. Sau khi phân tích một hình ảnh, nếu trên hình ảnh xuất hiện nhiều khu vực có màu sáng, đó là những khu vực đã có sự can thiệp của phần mềm chỉnh sửa, còn những khu vực màu tối là những khu vực không có sự can thiệp này. Càng sáng màu nghĩa là càng có nhiều sự can thiệp. Dựa vào đây, bạn sẽ biết được một hình ảnh thật hay đơn giản chỉ là một sản phẩm của phần mềm xử lý ảnh.

Phạm Thế Quang Huy
(quanghuy@dantri.com.vn)