1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Những bí mật bên trong dự án phát triển Surface

(Dân trí) - Microsoft đã "âm thầm" qua mặt các đối tác của mình để phát triển Surface trong vòng ba năm qua. Càng bất ngờ hơn khi rất ít nhân viên Microsoft được biết về sự tồn tại của chiếc máy tính bảng này trước khi sản phẩm được công bố chính thức.

Một ngày trước khi mở cửa nhận đặt hàng Surface, Microsoft đã cho phép một số phóng viên tham quan nơi mà chiếc máy tính bảng đáng chú ý của hãng được hình thành và thử nghiệm. Hơn hai chục nhà báo được đưa vào một khán phòng nhỏ trong trụ sở chính của Microsoft đặt tại Redmond. Steven Sinofsky, trưởng bộ phận Windows và Panos Panay, trưởng nhóm phát triển Surface lần lượt xuất hiện trên sân khấu và mỗi người đều cầm một chiếc máy tính bảng trong tay. 

Nhiều người sẽ nghĩ rằng các phòng thử nghiệm và xưởng thiết kế của Microsoft sẽ cấm cửa những người không phải nhân viên của công ty bước vào. Tuy nhiên, để đảm bảo bí mật cho dự án, rất ít nhân viên của Microsoft biết về sự tồn tại của Surface trước khi Microsoft chính thức công bố thiết bị này. 

Những bí mật bên trong dự án phát triển Surface
Rất ít nhân viên Microsoft được biết về sự tồn tại của chiếc máy tính bảng này trước khi sản phẩm được công bố chính thức

Steven Sinofsky tiết lộ Surface đã được phát triển trong vòng ba năm trước khi mẫu máy tính bảng này được chính thức trình làng tại một sự kiện diễn ra ở Los Angeles (Mỹ) hồi tháng 6 vừa qua. Đó là vào mùa hè năm 2009 khi Microsoft đã hoàn thiện Windows 7 và mới bắt đầu tập trung mọi nỗ lực phát triển Windows 8. Tại thời điểm đó, chưa có sự xuất hiện của máy tính bảng đình đám iPad, thế nên, việc so sánh là điều không thể. Còn Microsoft hiểu rằng Windows 8 phải là một hệ điều hành hỗ trợ cảm ứng và họ cần một chiếc máy tính bảng thực sự để thể hiện hết khả năng của hệ điều hành thế hệ mới này.

Và nhóm phát triển Surface bắt đầu bước vào quá trình "sàng lọc" các ý tưởng. Trước khi quyết định chọn kích cỡ màn hình 10,6 inch, Microsoft đã thử nghiệm các model kích cỡ 10,1 inch và 11,1 inch. Họ thấy rằng một chiếc máy tính bảng 11 inch là quá to còn loại 10,1 inch sẽ phù hợp hơn với phần lớn người dùng và sự "bùng nổ" của netbook đã chứng minh được điều đó. Vấn đề là loại màn hình 10,1 inch sẽ trở nên quá chật chội khi người dùng thực hiện các thao tác đa nhiệm một khi phải dành một phần diện tích cho menu điều khiển ở cạnh màn hình. Màn hình 10,6 inch tỷ lệ 16:9 được đánh giá là hợp lý nhất cho cửa sổ 4:3 và để ứng dụng thứ hai cùng chạy được trên màn hình một lúc. Ngoài ra, việc tăng thêm 0,5 inch cũng giúp bàn phím ảo trở nên rộng hơn, cùng với một trackpad. Tuy nhiên, 10,6 inch không phải là kích cỡ chuẩn do đó Microsoft không thể đặt hàng loại màn hình này với số lượng lớn từ các nhà cung cấp. Vì vậy, họ phải tự sản xuất màn hình cho Surface. 

Đại diện của Microsoft khẳng định sản phẩm cuối cùng bao gồm hơn 200 thành phần, linh kiện, tất cả đều do Microsoft tự tùy chỉnh cho phù hợp, từ chân đế cho đến ăng-ten MIMO kép.

Surface đã được nghiên cứu và phát triển ở một trong những căn phòng này
Surface đã được nghiên cứu và phát triển ở một trong những căn phòng này
 
Bộ khung của Surface là phần tiêu tốn nhiều công sức nhất của nhóm phát triển chiếc máy tính bảng này. Mặc dù Surface đã được hoàn chỉnh và sắp sửa lên kệ nhưng căn phòng thiết kế của nhóm vẫn tràn ngập nhiều bản vẽ, các vật dụng để tạo cảm hứng "sáng tác" như cuốn sổ Moleskine. Nhiều bản mẫu sở hữu những góc sắc nét hơn so với phiên bản cuối cùng. Trên thực tế, Microsoft cho biết đã thực hiện một vài thay đổi nhỏ cho Surface ngay cả sau khi đã công bố chiếc máy tính bảng này vào đầu mùa hè. Microsoft cũng tiến hành thử nghiệm với nhiều loại chất liệu khác nhau. Trước khi chọn hợp kim magie, Microsoft đã cân nhắc sử dụng nhôm trong số các chất liệu khác sau khi đã tính toán đến chi phí, tính linh hoạt và khâu sản xuất. Bộ khung hợp kim magie được sản xuất thông qua quy trình VaporMg của riêng Microsoft. Quy trình này sẽ đẩy hết các khí dư ra ngoài, giúp giảm thiểu độ dày của thiết bị. 

Với trọng lượng 680 gram và mỏng 9,3mm, Surface không phải là chiếc máy tính bảng 10 inch nhẹ nhất hay mỏng nhất. Tuy nhiên, Surface lại được trang bị cổng USB kích cỡ chuẩn thay vì micro USB mà chúng ta vẫn thấy trên hầu hết các tablet ARM hiện nay.

Phần chân đế của Surface cũng được chăm chút kĩ lưỡng, đặc biệt là phần bản lề nam châm được sử dụng để gắn vỏ bảo vệ kiêm bàn phím của máy. Theo Panay, bản lề máy phải được thiết kế để khi bàn phím Touch Cover lắp vào đảm bảo được độ chắc chắn nhưng người dùng vẫn có thể dễ dàng nhanh chóng tháo rời chúng, đồng thời tạo ra một loại âm thanh vui tai. Microsoft đặc biệt tự hào về chi tiết này trong đoạn quảng cáo đầu tiên về Surface được đăng tải mới đây.

Quay lại thời điểm khi Microsoft lần đầu công bố Surface, có một chi tiết mà hãng này kiên quyết từ chối làm rõ, đó là độ phân giải màn hình. Nguyên nhân là phiên bản RT có độ phân giải khá khiêm tốn 1366 x 768 pixel, trong khi iPad có độ phân giải màn hình là 2048 x 1536 pixel và một số máy tính bảng Android đã có màn hình độ phân giải 1920 x 1200 pixel. 

Sau 3 năm miệt mài nghiên cứu, phát triển, cuối cùng, Surface, chiếc máy tính bảng đầu tiên của Microsoft, kẻ được mệnh danh là gã khổng lồ phần mềm Mỹ đã hoàn thiện và chỉ chờ ngày phát hành ra thị trường. 

Võ Hiền
Theo Engadget