Nhức nhối “cơn lũ” hàng nhái
(Dân trí) - Khi các nhà phân phối săn lùng các thiết bị điện tử “rởm” thì “đại dịch” hàng nhái, như chip, router và máy tính... hàng năm đã thiêu rụi của ngành công nghiệp điện tử 100 tỷ USD.
Kiếm lợi từ những sản phẩm nhái.
Theo số liệu của Bộ thương mại Mỹ phát hành tháng 1/2010, số lượng thiết bị điện tử nhái bị phát giác chỉ riêng trong lĩnh vực quốc phòng đã tăng gấp đôi trong năm 2008, lên 9.356 từ con số 3.868 của năm 2005.
Hiệp hội phân phối thiết bị điện tử quốc gia Mỹ ghi nhận vấn nạn “ăn theo” này đã tiêu tốn gần 100 tỷ USD mỗi năm của ngành công nghiệp điện tử nước này.
Hàng rởm thường là những sản phẩm không đáng tin cậy, nếu có hoạt động được.
Năm 2007, router nối mạng bị hỏng tại Cục Hải quan và bảo vệ lãnh thổ Mỹ tại sân bay quốc tế Los Angeles đã khiến 17.000 hành khách trễ chuyến bay. Nguyên nhân chính là do tổ chức này đã mua phải router rởm.
Khó phân biệt hàng chính hãng, hàng nhái.
Theo báo cáo tháng 1 của Bộ thương mại Mỹ, Trung Quốc là ngọn nguồn sinh sôi các thiết bị giả mạo để “ăn theo” các sản phẩm nổi tiếng. Hầu hết các linh kiện này được thu thập từ rác thải điện tử chuyển về Trung Quốc để tái chế. Ví dụ, các công nhân tháo rời bo mạch chủ và sửa lại rồi sau đó in dập ngày sản xuất, tên hãng sản xuất, mã sản phẩm giả mạo. Những sản phẩm này cứ thế được xuất hiện trên thị trường điện tử và kênh trung gian trước khi được phân phối khắp toàn cầu. Theo Bộ thương mại Mỹ, Đài Loan, Singapore, Malaysia cũng là những nước sinh sôi nhiều hàng rởm.
Hàng nhái thậm chí còn có thể thâm nhập qua các kênh bán lẻ được ủy quyền. Anh Andrew Huang là một kỹ sư làm việc tại Chumby Industries - công ty sản xuất đồng hồ báo thức kết nối Internet. Trong khi làm việc trên một sản phẩm của Chumby hồi tháng 132 năm ngoái, anh đã phát hiện một lố thẻ nhớ Kingston đáng ngờ. Tất cả thẻ nhớ này đều được phân phối từ một đại lý Kingston được ủy quyền.
“Sự việc này khiến tôi đã đặt câu hỏi trong việc lựa chọn đối tác sản xuất ủy quyền”, Huang nói.
Đến tháng 1/2010, Kingston bắt đầu bán thẻ nhớ có tem chống giả để chống hàng nhái được bán bằng giá của hàng thật. Tuy nhiên, Kingston không thừa nhận động thái của mình liên quan đến phát hiện của ông Huang.
Để phát hiện ra hàng giả không phải là điều dễ dàng. Bằng mắt thường, các thiết bị đều như thật. Để kiểm tra chúng, giới công nghệ đã phải kiểm tra qua các chi tiết nhỏ nhặt, như vị trí đặt logo, độ chắc chắn của túi gói chân không...
Global IC Trading, nhà phân phối độc lập mua và bán các linh kiện điện tử, như bộ nhớ, vi xử lý, mạch tích hợp, đã kiếm được bộn tiền nhờ bán một thiết bị kiểm tra các sản phẩm điện tử công nghệ cao.
Trong khi đó, Intel, hãng sản xuất chip lớn nhất thế giới, vừa phát triển phần mềm giúp người dùng nhận diện chip bên trong máy tính để đảo bảo hiệu suất tối đa. Động thái của Intel giúp hãng kiểm soát được vấn nạn “không bao giờ biến mất nhưng không đáng lo ngại lắm” kể từ những năm 90.
N.H.
Theo BusinessWeek