Nhìn lại kỷ nguyên lên ngôi và sụp đổ của Marissa Mayer trên "con tàu chìm" Yahoo
(Dân trí) - Từng có một khởi đầu "đẹp như mơ" cùng Google và Yahoo trong giai đoạn đầu, tuy nhiên Marissa Mayer đã có một kết thúc đáng buồn khi bị buộc phải rời ghế CEO, còn Yahoo chỉ còn được biết đến với một scandal gây rúng động và chấp nhận bán mình do thua lỗ.
Thỏa thuận "bán mình" trị giá 4,48 tỉ USD giữa Yahooo và Verizon chính thức được áp dụng vào ngày 15/6/2017. Đi kèm với đó, kỷ nguyên lên ngôi và sụp đổ của Marissa Mayer đã hoàn tất.
"Tia sáng hy vọng" là điều được nhắc đến khi Marissa Mayer - "người dàn bà đẹp", nữ lãnh đạo tài năng và một trong những nhân viên đầu tiên của Google - tới nhậm chức CEO Yahoo vào năm 2012.
Bất cứ ai thuộc biên chế của Yahoo lúc bấy giờ đều tin tưởng Yahoo sẽ sớm quay trở lại thời kỳ hoàng kim trước đó. Trong khi những người khác thì chỉ trích quyết định của Marissa Mayer, cho rằng Yahoo không phải là một công ty xứng tầm với đẳng cấp, kinh nghiệm và tài năng của bà.
Năm năm sau, khoảng thời gian êm đẹp của Marissa Mayer tại Yahoo đã bị phá hỏng bởi sự tăng trưởng "chậm dần đều" và những bất đồng nội ngày một dấy lên mạnh mẽ bên trong nội bộ công ty.
Mọi thứ đều có cái kết của nó. Hôm nay (15/6), kỷ nguyên đầy thăng trầm và biến động của bà Marissa Mayer tại Yahoo chính thức chấm dứt với việc Yahoo bán mình cho Verizon với giá 4,48 tỉ USD. Công ty đổi tên thành Altaba, còn Mayer rời ghế Giám đốc.
Thế nhưng câu chuyện về một trong những nhân vật quyền lực nhất tại Thung lũng Silicon, đặc biệt là cái cách mà Marissa Mayer rớt xuống từ cánh cổng của thiên đường, vẫn sẽ được người ta nhắc đến trong nhiều năm tới.
Marissa Mayer sinh năm 1975 tại một thị trấn nhỏ ở Wisconsin có tên gọi là Wausau. Cha của cô làm kỹ sư, và mẹ là giáo viên dạy vẽ. Mayer sớm được thầy cô phát hiện ra tài năng ở Toán học và các môn khoa học. Cô cũng rất giỏi thuyết trình. Khi đủ tuổi, Mayer đăng ký 10 trường Đại học và đủ điều kiện vào cả 10, trong đó bao gồm nhiều trường danh tiếng như Harvard, Yale, Stanford,.. Cuối cùng cô chọn Stanford và định hướng để trở thành một bác sĩ.Mọi thứ thay đổi khi Mayer tham gia lớp học máy tính có tên gọi là CS105. Cô nhận thấy niềm đam mê đích thực, và chuyển sang Symbolic Systems - cũng là một ngành được nhiều nhân vật nổi tiếng trong lĩnh vực như Reid Hoffman, Scott Forstall hay Mark Zuckerberg lựa chọn.Sau khi tốt nghiệp, Mayer đã có sẵn trong tay 12 công việc đang chờ cô khi ra trường, nhưng lại quyết định tham gia Google, một công ty startup nhỏ vào thời điểm bấy giờ - vốn được chuyên gia nhận định chỉ có 2% cơ hội sống sót. Tuy nhiên bằng một cách nào đó, Mayer vẫn nhiệt tình tham gia và trở thành nhân viên xuất sắc tại đây trong suốt 13 năm làm việc.Lúc bấy giờ, Mayer dành khoảng 100 giờ để làm việc mỗi tuần, và vẫn duy trì công việc giảng dạy thêm tại trường Đại học Stanford trong một vài năm đầu. Đến năm 2003, cô chính thức nhậm chức phụ trách quản lý mảng sản phẩm của Google, bao gồm cả công cụ tìm kiếm cốt lõi của công ty.Mayer được cho là đã có khoảng thời gian "hẹn hò" ngắn ngủi cùng đồng sáng lập Larry Page của Google. Tuy nhiên mối quan hệ này rất kín và hầu như không có một nhân viên nào hay biết. Sang đến năm 2005, Mayer được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách sản phẩm và trải nghiệm người dùng."Người đàn bà đẹp" cũng giữ mối quan hệ tốt với báo chí và các phương tiện truyền thông. Lý do là vì Mayer là một trong số những phụ nữ ưa nhìn nhất trong thế hệ của mình tại Thung lũng Silicon, lại sở hữu tài năng và nhiều câu chuyện thú vị. Cô cũng rất "chịu chơi" khi sắm căn hộ penthouse trị giá 5 triệu USD tại Four Seasons, San Francisco và một căn nhà khác gần khuôn viên Mountain View của Google, đồng thời thường xuyên mặc các trang phục thời trang đắt tiền. Mayer cũng là gương mặt thường xuất hiện trên các tạp chí nổi tiếng.Tuy nhiên, việc quá chú trọng đến tiểu tiết và định hướng quản lý của Mayer khiến nhiều nhân viên tại Google không phục. Doug Bowman, một nhà thiết kế nổi tiếng tại Google thậm chí xin nghỉ việc vì không thể làm việc chung với bà. Những rắc rối sau đó tiếp tục kéo dài, cho tới khi một nhân vật quan trọng khác tại Google là Amit Singhal đích thân tới gặp Larry Page và yêu cầu cho Mayer rời đội phụ trách mảng tìm kiếm.Mayer sau đó chuyển sang đội phát triển Google Maps và các sản phẩm nội bộ. Mặc dù vẫn nằm trong số những nhân vật quyền lực nhất tại Google, nhưng nhiều người coi đây là một sự "xuống chức" với Marissa Mayer, bởi cô đã không nằm trong đội mạnh nhất của Google - đó là tìm kiếm. Sang đến năm 2011, mọi sự chấm dứt khi Mayer quyết định rời sang Yahoo để đảm nhiệm chức Giám đốc điều hành, đồngthời mang theo hy vọng phục hưng cho công ty bị chính Google vượt qua tại nhiều mảng kinh doanh.Mayer nhanh chóng tạo ra thay đổi bằng việc bố trí bộ máy quản lý hoàn toàn mới, nhân sự mới. Trong năm đầu tiên dưới quyền của Marissa Mayer, cổ phiếu của Yahoo tăng từ 15.74 USD lên tới 28 USD vào tháng 8/2013.Vào năm 2014, Yahoo đón nhận tin vui khi công ty Alibaba tiến gần cột mốc quan trọng trong đợt phát hành cổ phiếu đầu tiên, với hy vọng sẽ bán ra số cổ phiếu trị giá hơn 15 tỉ USD. Yahoo lúc bấy giờ sở hữu đến 24% số cổ phiếu của Alibaba và dự định sẽ bán ra 40% trong số đó để thu lại ít nhất 10 tỉ USD làm "đòn bẩy" trong hy vọng hồi sinh Yahoo.Tuy nhiên mọi thứ không nằm trong dự tính của Marissa Mayer khi các khoản doanh thu năm của Yahoo vẫn liên tục giảm, khiến cô gặp sức ép vô cùng lớn từ các nhà đầu tư. Mayer dần đánh mất những "cánh tay phải" như CMO Kathy Savitt hay CDO Jackie Reses, khi họ phản đối quyết định chi tới 3 tỷ đô la để mua những công ty mới thành lập như Tumblr hay Polyvore - mà không ai trong số đó ghi nhận khả năng tăng trưởng đáng chú ý.Vào năm 2016, Eric Jackson, một nhà quản lý quỹ đầu cơ, thậm chí đã gửi một trang trình bày dài 99 trang giải thích tại sao Yahoo cần quản lý mới. Ông đề nghị cắt giảm đáng kể quy mô của công ty vứt bỏ các mảng kinh doanh "kém lời" như tìm kiếm. Nhiều nhà đầu tư sau đó cũng đã gửi thư yêu cầu công ty thay đổi trong khâu quản lý, hội đồng quản trị và chiến lược kinh doanh. Những tin đồn Yahoo sắp bán mình bắt đầu rộ lên.Vào Q3/2016, Yahoo tiết lộ 2 vụ tấn công mạng "chấn động" gây ảnh hưởng lần lượt hơn 500 triệu và 1 tỷ tài khoản người dùng trên toàn thế giới chỉ vài tháng sau khi ký kết hợp đồng bán lại cho nhà mạng Verizon.
Ảnh hưởng của scandal đánh mất thông tin sau đó khiến mức giá bị giảm xuống chỉ còn 4,48 tỷ USD, và thỏa thuận được chính thức áp dụng vào ngày 15/6/2017. Nhưng điều quan trọng nhất đó là Mayer sẽ bước xuống khỏi chiếc ghế CEO của Yahoo. Thỏa thuận đã được thực hiện, kỷ nguyên mang tên Mayer của Yahoo đã qua, và kỷ nguyên của Verizon chính thức bắt đầu. Đi kèm với đó, kỷ nguyên lên ngôi và sụp đổ của Marissa Mayer đã hoàn tất.