Nhiều tỉnh Nam Bộ muốn sớm triển khai số hóa truyền hình
(Dân trí) - Tại Hội thảo - Tọa đàm về kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất do Bộ TT&TT tổ chức vào chiều ngày 21/3/2017 cho thấy, hiện nay có khá nhiều tỉnh tại đồng bằng Nam Bộ thuộc nhóm 3 của Đề án số hóa truyền hình muốn được thực hiện sớm số hóa truyền hình ngay từ giai đoạn 2 trong năm 2017.
Thông tin đưa ra tại Hội thảo - Tọa đàm về kinh nghiệm và giải pháp triển khai số hóa truyền hình mặt đất do Bộ TT&TT tổ chức vào chiều ngày 21/3/2017 cho thấy, hiện nay có khá nhiều tỉnh tại đồng bằng Nam Bộ thuộc nhóm 3 của Đề án số hóa truyền hình muốn được thực hiện sớm số hóa truyền hình ngay từ giai đoạn 2 trong năm 2017.
Tại hội nghị, đồng chí Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến cho biết theo quyết định 2451/QĐ-TTg, Đề án số hóa truyền hình với tổng cộng 4 giai đoạn, thì nay chúng ta đã hoàn thành triển khai giai đoạn I bao gồm triển khai số hóa truyền hình tại 5 thành phố trực thuộc Trung ương bao gồm: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và 8 tỉnh thành thuộc giai đoạn II.
Theo ước tính, dân số thuộc địa bàn chuyển đổi theo Giai đoạn I và một phần giai đoạn II đã chiếm gần 50% tổng dân số cả nước. Theo kế hoạch, 15 tỉnh còn lại của giai đoạn hai sẽ tắt sóng truyền hình analog (tương tự mặt đất) từ ngày 1/7/2017. 7 tỉnh khu vực Nam Bộ thuộc giai đoạn ba sẽ tắt sóng analog từ ngày 31/12/2017.
Ông Hoan cũng cho biết thêm, hiện nay đang có xu hướng từ các tỉnh thuộc giai đoạn 3 yêu cầu đẩy nhanh quá trình triển khai số hóa truyền hình để có thể kết thúc trước thời hạn năm 2020. Lý do để các tỉnh này muốn sớm triển khai số hóa truyền hình chính là do tác dụng tích cực của số hóa truyền hinh trong giai đoạn 1 và 2.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết thêm, qua khảo sát một số địa phương ở Nam Bộ thuộc nhóm 3 đang muốn được đẩy lên số hóa truyền hình ngay từ giai đoạn 2 kết thúc nào 12/2017. Nhóm địa phương sẵn sàng số hóa truyền hình sớm có: Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Tây Ninh…
Tuy nhiên, cũng có địa phương thuộc nhóm 2 lại muốn chuyển sang số hóa truyền hình giai đoạn 3, trong đó có Phú Thọ. Viện Chiến lược TT&TT được giao nghiên cứu, sửa đổi Quyết định 2451, dự kiến sau khi báo cáo lãnh đạo Bộ về nội dung cần sửa đổi, sau đó sẽ xin ý kiến các địa phương trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
Nhiều vấn đề phải đối mặt trong công tác triển khai...
Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai số hóa truyền hình, ông Cao Anh Minh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình TPHCM cho biết, TPHCM tạo thuận lợi cho Đài khi triển khai số hóa truyền hình. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn, có tới hơn 99% dân số dùng truyền hình cáp và truyền hình trả tiền, các hộ gia đình dùng truyền hình analog rất ít trên dưới 1% khoảng 20.000 hộ, đây cũng là số các hộ nghèo theo chuẩn của TPHCM.
Từ kinh nghiệm triểm khai thực tế, ông Minh cho hay, thách thức lớn nhất mà các đài truyền hình số hóa giai đoạn 2 và 3 chắc chắn sẽ gặp phải đó là, tính đến thời điểm 2016, sóng truyền hình analog vẫn là sóng có tính phổ cập cao nhất trên địa bàn TPHCM hay các tỉnh khác cũng vậy.
Tuy dân cư ở TPHCM ít xem truyền hình qua sóng analog nhưng với phạm vi phủ sóng rộng, dân các tỉnh xem kênh của TPHCM rất nhiều. Bên cạnh đó, Đài Truyền hình TPHCM đã xây dựng nhiều phương án để bù đắp lại vùng phủ sóng trong thời điểm quá độ, khi sóng analog bị tắt. Đài Truyền hình TPHCM đã đa dạng hóa phương thức truyền dẫn kênh của mình trên nhiều hạ tầng như số mặt đất, cáp, vệ tinh, các hệ thống Internet và OTT.
Theo ông Minh, OTT là lĩnh vực mới nhưng đã tạo điều kiện quảng bá thương hiệu kênh HTV, lôi kéo người xem đến với tivi truyền thống. Sau khi Đài Truyền hình TPHCM tích cực quảng bá thì rating tăng lên 10-15% ở khu vực miền Tây. Trước khi số hóa nhiều ý kiến lo sẽ làm xáo trộn thị trường, nhưng thực tế sau khi tắt sóng truyền hình analog không nhận được 1 phản hồi tiêu cực nào về việc triển khai số hóa truyền hình.
Kết luận tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho rằng, Đề án số hóa truyền hình đã đi được hơn nửa chặng đường, hơn một nửa dân số Việt Nam được hưởng lợi ích của số hóa truyền hình, việc triển khai thành công số hóa truyền hình tại 13 tỉnh được xã hội đánh giá cao. Trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 còn gần 3 năm nữa, thách thức khó khăn ở phía trước còn rất nhiều, trong đó nổi lên là những khó khăn về kinh tế và lựa chọn phương thức phủ sóng cho phù hợp với địa hình để phủ sóng số một cách hiệu quả nhất.
Nguyễn Nguyễn