Nhiều cơ quan báo chí của Mỹ bị hacker tấn công, FBI vào cuộc

(Dân trí) - Tờ The New York Times của Mỹ cùng nhiều cơ quan báo chí khác của Mỹ vừa được phát hiện bị hacker tấn công. Các tin tặc đến từ Nga được cho là thủ phạm đứng sau những vụ tấn công này.

Thông tin trên được chính tờ báo The New York Times xác nhận. Vụ tấn công được thực hiện trong tháng 8 này, nhằm vào văn phòng của tờ báo đặt tại thủ đô Moscow của Nga.

“Chúng tôi liên tục theo dõi các hệ thống của chúng tôi với các công cụ và kỹ năng tốt nhất”, Eileen Murphy, đại diện của tờ báo The New York Times cho biết. “Chúng tôi chưa phát hiện bằng chứng nào cho thấy bất kỳ thông tin nội bộ nào trong hệ thống của chúng tôi, bao gồm các hệ thống tại văn phòng ở Moscow, đã bị xâm nhập hoặc tổn thương”.

Murphy cho biết tờ báo The New York Times không thuê bất kỳ công ty bảo mật nào từ bên ngoài để tiến hành điều tra vụ tấn công mạng nhằm vào mình.

The New York Times là một trong những tờ báo của Mỹ thường xuyên bị tin tặc nước ngoài tấn công
The New York Times là một trong những tờ báo của Mỹ thường xuyên bị tin tặc nước ngoài tấn công

Trước đó, nhiều thông tin được truyền thông Mỹ dẫn nguồn các quan chức cho biết tờ báo The New York Times cùng với các cơ quan truyền thông khác không được tiết lộ danh tính đã trở thành nạn nhân của các vụ tấn công mạng, được cho là thực hiện bởi tình báo của Nga.

Các nguồn tin trên cho biết Cục điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đang xem xét âm mưu vụ tấn công nhằm vào The New York Times, nhưng không tiến hành điều tra các vụ tấn công nhằm vào các cơ quan truyền thông khác. FBI sau đó không đưa ra bình luận về thông tin này.

Đây không phải là lần đầu tiên tờ báo The New York Times trở thành mục tiêu tấn công của hacker nước ngoài. Trước đó vào năm 2013, một nhóm hacker đến từ Syria được biết đến với tên gọi “Quân đội điện tử Syria” đã thực hiện một loạt vụ tấn công nhằm vào The New York Times cũng như nhiều cơ quan báo chí khác của Mỹ. Cũng trong năm này, tờ báo The New York Times cũng đã trở thành mục tiêu tấn công của tin tặc Trung Quốc.

Vụ tấn công mạng được cho là từ các hacker Nga nhằm vào các cơ quan truyền thông của Mỹ được phát giác chỉ 2 tháng sau khi các nhà điều tra phát hiện thấy các dấu hiệu cho thấy tin tặc của Nga, có thể liên quan đến tình báo của quốc gia này, cũng đã đột nhập vào hệ thống của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ, cơ quan quản lý chính thức của Đảng Dân Chủ (Mỹ).

Cho đến nay, Chính quyền của Tổng thống Obama đã không công khai đổ lỗi cho chính phủ Nga về vụ tấn công mạng này, trong khi đó nhiều quan chức tình báo tại Mỹ “có độ tin cậy cao” rằng các cuộc tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia Đảng Dân Chủ là hành động của hai cơ quan tình báo F.S.B và G.R.U. của Nga.

Một khi các cuộc điều tra liên quan đến vụ tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân Chủ kết thúc, các quan chức cấp cao của chính quyền sẽ yêu cầu Tổng thống Obama phải quyết định xem nếu vụ tấn công mạng liên quan đến chính phủ Nga thì Mỹ sẽ phải có phản ứng mạnh mẽ như thế nào để đáp trả lại, bao gồm các hình thức cảnh báo, trừng phạt kinh tế hoặc thậm chí một hành động phản ứng đủ mạnh từ phía Mỹ.

Hiện Nga vẫn chưa lên tiếng về cáo buộc tấn công mạng nhằm vào Ủy ban Quốc gia của Đảng Dân Chủ cũng như vụ tấn công mạng mới đây nhằm vào các cơ quan truyền thông của Mỹ.

T.Thủy
Tổng hợp