Người Việt không thiếu sức sáng tạo

“Người Việt Nam chúng ta vốn có tính sáng tạo và trong lĩnh vực CNTT, các nhà phát triển Việt Nam không thiếu sức sáng tạo”, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Minh Hồng nói.

LTS: Tuần Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng xoay quanh vấn đề làm thế nào để Việt Nam có sản phẩm công nghệ thông tin mang tầm cỡ quốc tế, đồng thời cũng là câu trả lời kết thúc mạch bài Khi nào Việt Nam sáng tạo ra sản phẩm CNTT ra toàn cầu.

Vẫn tâm lý chuộng ngoại

Thưa Thứ trưởng, ông nhận định gì về chất lượng cũng như tốc độ phát triển của các sản phẩm CNTT trong nước gần đây?

- Ngày nay, CNTT đang không ngừng phát triển, thể hiện vai trò quan trọng của mình. Nhu cầu ứng dụng CNTT trong nước ngày một tăng, với đòi hỏi lớn về các sản phẩm có tính bản địa hóa, phù hợp với thói quen, nhu cầu sử dụng của người Việt. Điều này đã tạo ra lợi thế không nhỏ cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam.

Những năm qua, cùng với sự phát triển về doanh thu và lợi nhuận, nhiều doanh nghiệp CNTT nước ta đã mạnh dạn đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mua hoặc chuyển giao các công nghệ mới. Điều kiện thuận lợi của thị trường trong nước cộng thêm sự chuẩn bị sẵn sàng để nắm bắt thời cơ đã khiến thị trường CNTT Việt Nam đã xuất hiện  thêm nhiều các sản phẩm và dịch vụ thương hiệu Việt với chất lượng  tốt hơn.

Trong lĩnh vực phần mềm, các sản phẩm thương hiệu Việt bao gồm từ các sản phẩm tiện ích, sản phẩm văn phòng như diệt virus, quản lý văn bản, hồ sơ, tới các gói sản phẩm phục vụ công tác quản lý, điều hành của DN, tập đoàn hay các sản phẩm chuyên dụng phục vụ riêng cho các tác vụ đòi hỏi tính chuyên môn cao.

Trong lĩnh vực  phần cứng bên cạnh các sản phẩm lắp ráp như máy tính, máy trạm,… đã xuất hiện nhiều sản phẩm có tỉ lệ nội địa hóa cao từ các bộ nguồn máy tính, tới điện thoại thông minh. Thị trường phần cứng trong nước còn chứng kiến sự xuất hiện của các sản phẩm mang tính đột phá, đón đầu thị trường như các thiết bị cho văn phòng và nhà ở thông minh.

Các sản phẩm nội dung số và dịch vụ vẫn là thế mạnh của các DN Việt Nam, do khả năng đáp ứng phù hợp nhất và nhanh nhất các nhu cầu của người tiêu dùng và DN trong nước.

Mặc dù các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt ngày một đa dạng hơn, chất lượng ngày một cao hơn, nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn có xu hướng lựa chọn sản phẩm ngoại nhập. Khảo sát người tiêu dùng tham dự Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt hàng năm cho thấy lý do chủ yếu là do sản phẩm VN có chất lượng chưa cao, ít tính năng hơn. Tuy nhiên, người được khảo sát lại không chỉ ra được các tính năng người tiêu dùng cần mà sản phẩm VN không có, hoặc yêu cầu về chất lượng mà người tiêu dùng thấy sản phẩm Việt chưa đạt.

Nguyên nhân từ đâu, thưa ông?

- Qua nghiên cứu, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy, ngoài các sản phẩm có yêu cầu kỹ thuật cao mà chúng ta chưa sản xuất được, hầu hết các sản phẩm CNTT thương hiệu Việt đều có thể đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng trong nước một cách tương đương hoặc tốt hơn so với sản phẩm ngoại nhập. Tuy nhiên, rào cản lớn đối với các sản phẩm CNTT VN là do tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng và hạn chế về kinh phí đầu tư cho quảng bá sản phẩm.

Hưởng ứng Cuộc vận động ưu tiên dùng hàng VN hàng năm Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Chương trình Sản phẩm và dịch vụ CNTT thương hiệu Việt.

Hiện Bộ đang phối hợp với các Bộ ngành liên quan, các hiệp hội và DN nhằm đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng.

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng. Ảnh: Lê Anh Dũng 

Thiếu đầu tư đúng mức

Trong thời gian qua, các Tập đoàn, DN CNTT nước ta cũng đã có nhiều nỗ lực sáng tạo để đổi mới, cải tiến. Theo ông, chúng ta có tiềm năng, cơ hội đến đâu trong việc đưa các sản phẩm, dịch vụ CNTT thương hiệu Việt vươn ra toàn cầu?

-  Ngành CNTT nước ta đang đứng trước rất nhiều cơ hội thuận lợi.

Thứ nhất, CNTT là một ngành đặc thù, có vòng đời chuyển giao công nghệ ngắn. Do đó, trong xu thế toàn cầu hóa, các nước có nền CNTT đang phát triển như Việt Nam hoàn toàn có cơ hội để bắt kịp về công nghệ so với các nước đã phát triển.

Thứ hai, về nội lực, chúng ta đang trong thời kỳ dân số vàng, với nguồn nhân lực trẻ, năng động. Nguồn nhân lực CNTT Việt Nam được đánh giá là có khả năng sáng tạo cao, nhanh tiếp thu kiến thức mới về khoa học và kỹ thuật.

Thứ ba, ngành CNTT đang dành được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước với các cơ chế chính sách ưu đãi, hành lang pháp lý thuận lợi, ổn định, đây là tiền đề vững chắc cho sự phát triển của DN trong nước.

Thứ tư, thị trường CNTT trong nước đang phát triển mạnh mẽ với những yêu cầu đặc thù mà chỉ có các doanh nghiệp CNTT trong nước mới đáp ứng được. Đây chính là vườn ươm cho các doanh nghiệp CNTT trước khi tiến ra thế giới.

Thứ năm, thị trường CNTT thế giới thay đổi rất năng động, đặc biệt trong phân khúc người dùng cá nhân. Chúng ta đang chứng kiến thời kỳ mà các sản phẩm đến từ các nhà phát triển nhỏ, lẻ với sức sáng tạo cao hoàn toàn có cơ hội trở thành người dẫn đầu cho các xu thế công nghệ chứ không phải chỉ là các tập đoàn CNTT. Đây chính là cơ hội cho các DN Việt Nam.

Chúng ta đã tận dụng được các cơ hội và khai thác được các tiềm năng đó chưa?

- Với những thuận lợi trên, một số DN Việt Nam đã tranh thủ, tận dụng được cơ hội tham gia thị trường quốc tế.

Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel đã tham gia đầu tư, phát triển dịch vụ viễn thông, cung cấp dịch vụ quản lý dự án CNTT, phát triển phần mềm trong lĩnh vực điện tử, viễn thông, internet,.. tại các thị trường đang phát triển như: Campuchia, Cameroon, Haiti, Mozambique,…

Dịch vụ gia công phần mềm Việt Nam được đánh giá cao trên trường quốc tế, chúng ta là đối tác quan trọng của Nhật Bản và các quốc gia khu vực Bắc Mỹ. Hay gần đây nhất, Tập đoàn FPT cũng đã tiến hành mua lại một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ CNTT ở châu Âu.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, sự tham gia của sản phẩm CNTT Việt Nam vào thị trường quốc tế còn rất hạn chế.

Còn đối với phân khúc người dùng cá nhân, thị trường đỏi hỏi tính năng động và sáng tạo cao, đã xuất hiện một số sản phẩm CNTT do các cá nhân hoặc nhóm nhỏ người Việt phát triển đã dành được thứ hạng cao trên các bảng xếp hạng ứng dụng tải về (ví dụ Flappy bird).

Chúng ta có tiềm năng, cơ hội và trong nhiều trường hợp đã tận dụng được như đã trao đổi ở trên. Tuy nhiên, cũng cần phải nói rằng, để có được một sản phẩm, dịch vụ có thương hiệu toàn cầu là một nhiệm vụ hết sức thách thức, không chỉ đối với ngành CNTT của Việt Nam, mà còn đối với nhiều nước có ngành CNTT phát triển khác. Chúng ta cùng hy vọng trong thời gian tới cộng đồng CNTT nước nhà sẽ có thêm nhiều sản phẩm, dịch vụ CNTT có thương hiệu trên thị trường quốc tế.

Thưa ông, tại một số diễn đàn, hội thảo về CNTT, có nhiều ý kiến cho rằng các sản phẩm CNTT Việt Nam hiện nay chủ yếu đang ở dạng bắt chước, thiếu tính dẫn dắt, phụ thuộc vào nước ngoài nên khó xây dựng được sản phẩm có thương hiệu ở các nước có sức mua lớn. Trong khi đó ở nhiều quốc gia tuy không lớn khác nhưng họ đã sáng tạo ra những sản phẩm đang được thế giới sử dụng nhiều như Skype, Samsung, Nokia… Ông nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ, người Việt Nam chúng ta vốn có tính sáng tạo và trong lĩnh vực CNTT, các nhà phát triển Việt Nam không thiếu sức sáng tạo.

Trong công nghệ, người ta đã tổng kết rằng: Một ngành công nghệ, trước khi có thể đạt đến mức sáng tạo, đổi mới (creative & innovative), thường phải trải qua một quá trình tích lũy công nghệ từ những bước thấp hơn trong chu trình công nghệ như gia công, bắt chước (copycat) v.v… Chẳng hạn, trong lĩnh vực công nghiệp điện tử với Samsung Hàn Quốc mà bạn nêu ra, chúng ta thấy Samsung cũng phải trải qua một vài thập kỷ đi sau, bắt chước các doanh nghiệp Mỹ và Nhật Bản. Các doanh nghiệp lớn cũng phải trải qua quá trình này. Trong một số trường hợp, họ thực hiện các vụ mua bán & sát nhập để rút ngắn nó.

Bên cạnh quá trình tích lũy công nghệ, một trong số yếu tố khác mà chúng ta đang thiếu là sự đầu tư đúng mức để đưa các ý tưởng sáng tạo thành các sản phẩm hoàn chỉnh có khả năng thương mại hóa cao.

Vậy theo ông, trách nhiệm của các tập đoàn, doanh nghiệp cũng như các chuyên gia xây dựng sản phẩm  CNTT Việt Nam đến đâu… trong việc tạo dựng các sản phẩm thương hiệu VN giá trị toàn cầu?

- Thị trường CNTT là thị trường mang tính toàn cầu, yếu tố rào cản về địa lý thường rất nhỏ. Do đó, việc cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước đối với các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trước các tập đoàn CNTT quốc tế với lợi thế không thể san lấp trong thời gian ngắn về tài chính, kinh nghiệm và công nghệ là vô cùng khó khăn.

Khích lệ các DN công nghệ thông tin đầu tư vào sáng tạo

Khích lệ các DN công nghệ thông tin đầu tư vào sáng tạo

Tuy nhiên, các doanh nghiệp CNTT nước ta đã làm rất tốt việc tận dụng các lợi thế cạnh tranh về nhu cầu, thói quen sử dụng của người Việt để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ CNTT dần chiếm lĩnh được thị trường trong nước.

Có thể nói, với những điều kiện về năng lực, tài chính hiện có, những thành tựu mà doanh nghiệp CNTT đạt được là hết sức đáng ghi nhận.

Bên cạnh đó, nếu các doanh nghiệp CNTT Việt Nam chú trọng, say mê, đầu tư hơn nữa cho sáng tạo trong xây dựng phát triển sản phẩm, sáng tạo trong thương mại sản phẩm, tăng cường kết nối, hợp tác với những trung tâm trí tuệ và sáng tạo CNTT của thế giới thì có thể sẽ có những đột phá và đi nhanh hơn ra thị trường toàn cầu.

Nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ gì để giúp phát huy cao nhất khả năng sáng tạo có tính đột phá trong thị trường CNTT hiện nay?

- Đảng và Nhà nước đã quan tâm tới việc đưa ra các chủ trương, chính sách phát triển CNTT Việt Nam, thể hiện bằng việc ban hành nhiều văn bản quan trọng. Gần đây nhất, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT đáp ứng yêu cầu phất triển bên vững và hội nhập quốc tế; Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT được thành lập do Thủ tướng đứng đầu, đã một lần nữa thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc thúc đẩy ứng dụng CNTT, tạo thị trường cho doanh nghiệp CNTT Việt Nam phát triển.

Hiện nay, Bộ đang chủ trì triển khai Đề án Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT-TT. Bộ đang tham mưu với Chính phủ, thực hiện nhiều giải pháp nhằm tăng cường năng lực nghiên cứu trong lĩnh vực CNTT-TT, làm chủ và từng bước sáng tạo ra công nghệ cho chế tạo sản phẩm mới.

Nhà nước ưu tiên đầu tư nghiên cứu sáng tạo, mua hoặc chuyển giao công nghệ mới nhằm tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang thương hiệu Việt Nam có khả năng cạnh tranh và xuất khẩu cao như các thiết bị thông minh, các phần mềm nhúng, các thiết bị tiết kiệm điện.… Có cơ chế hỗ trợ, đầu tư cho các doanh nghiệp.

Hàng loạt các giải pháp khác như xây dựng các văn bản pháp luật, hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý đầu tư phù hợp với đặc thù của lĩnh vực CNTT và truyền thông.  Có chính sách bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ của các sản phẩm công nghệ thông tin để bảo vệ quyền lợi và khuyến khích các doanh nghiệp tạo ra các sản phẩm mới. Có chính sách hỗ trợ, tiếp thị, sử dụng các sản phẩm của Việt Nam trong các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, Bộ TTTT sẽ nghiên cứu, tìm giải pháp để tăng cường kết nối các nguồn lực trí tuệ, sáng tạo từ các trung tâm CNTT lớn của nước ngoài, chẳng hạn Silicon Valley (California), Boston (Massachusetts) với cộng đồng CNTT Việt Nam.... Đồng thời khuyến khích, khích lệ các doanh nghiệp CNTT đầu tư thích đáng vào sáng tạo, xây dựng khát vọng chinh phục thị trường công nghệ thông tin ở các nước phát triển cho các bạn trẻ Việt Nam. Truyền thông có thể hỗ trợ đắc lực trong việc cung cấp thông tin, dẫn dắt tâm lý, dư luận xã hội trong vấn đề này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Lan Anh- Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm