Người dùng phản ứng vì Viettel khống chế thời gian khuyến mại
(Dân trí) - Trong khi các nhà mạng khác giữ nguyên chính sách duy trì tài khoản khuyến mại, thì riêng Viettel áp dụng “luật” riêng với lý do kích cầu và áp theo luật. Khách hàng phản ứng cho rằng đã bị ảnh hưởng đến quyền lợi.
Tại Hội nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra, ông Hoàng Sơn, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel đã kiến nghị giới hạn thời gian sử dụng của tài khoản khuyến mại của khách hàng.
Theo đại diện của Viettel, việc người dùng cứ đợi dịp khuyến mại để nạp tiền, cộng dồn tài khoản khuyến mại sẽ khiến cho nhà mạng khó phát triển, lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường viễn thông.
Trên thực tế, dù vừa mới đưa ra kiến nghị nhưng quy định thời gian sử dụng khuyến mại đã được nhà mạng này áp dụng gần 5 tháng trước đó. Cụ thể, theo thông báo của nhân viên Viettel việc giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại của khách hàng bắt đầu thực hiện từ 14/11/2014.
Gọi điện lên tổng đài của Viettel, PV được xác nhận, thời gian qua, Viettel đã áp dụng chính sách giới hạn thời gian nạp thẻ với chính sách: Thẻ nạp dưới 50.000 đồng có 7 ngày sử dụng, nạp từ 50.000 đồng đến dưới 100.000 đồng có 10 ngày sử dụng, từ 100.000 đồng đến dưới 200.000 đồng có 15 ngày sử dụng và trên 200.000 đồng có 20 ngày sử dụng… Quá thời hạn sử dụng, số tiền trong tài khoản khuyến mại (nếu còn) sẽ không được bảo lưu.
Chị Thanh, chủ số thuê bao 0983426xxx cho biết, cuối tháng 3 vừa rồi nhận được tin nhắn Viettel đang có khuyến mãi 50% chị vội nạp 1 triệu đồng vào tài khoản. Tuy nhiên, chỉ sau 20 ngày, tài khoản khuyến mại vẫn còn 35.000 đồng đã tự biến mất. "Gọi lên tổng đài tôi mới ngã ngửa về chính sách của mạng này. Nếu biết trước thì tôi đã không bao giờ nạp nhiều tiền như vậy. Bởi với tính chất công việc của tôi việc sử dụng hết 500.000 đồng trong 20 ngày là không thể…", chị Thanh nói.
Thực tế, trên thị trường, hiện chỉ có Viettel áp dụng chính sách này. Đại diện phía hai nhà MobiFone, Vinaphone cho biết không dùng bất cứ chính sách hạn chế nào đối với tài khoản khuyến mại.
Theo số liệu thống kê, hiện Viettel đang giữ vai trò DN khống chế thị trường với lượng thuê bao di động lớn khoảng 55 triệu thuê bao, chiếm khoảng 45% thị phần thị trường; số còn lại chia cho MobiFone chiếm 31,7%, Vinaphone (thuộc VNPT) có 17,4% thị phần. Như vậy, với 55 triệu thuê bao (trong đó chỉ có khoảng 2 triệu là thuê bao trả sau, còn lại là thuê bao trả trước), có thể thấy rõ về mặt số lượng Viettel hiện không có đối thủ cạnh tranh. Mọi điều chỉnh của nhà mạng này ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của khách hàng.
Lý giải về chính sách này, lãnh đạo Viettel cho rằng, tài khoản khuyến mại không giới hạn thời gian sử dụng dẫn tới tồn tiền khuyến mại lâu năm, như vậy là không thực hiện đúng quy định về thời gian khuyến mại theo khoản 4 điều 9 Nghị định 37/2006/NĐ-CP và khoản 8 điều 8 thông tư 11/2010/TT-BTTTT (chỉ được khuyến mại tối đa 90 ngày trong một năm)…
Theo lãnh đạo Viettel, việc giới hạn thời gian sử dụng tài khoản khuyến mại sẽ giúp các mạng có điều kiện để tăng tần suất chương trình khuyến mại. Các mạng có thể tăng khuyến mại từ 2 lần/tháng lên 3 lần/tháng để những khách hàng có nhu cầu thực sự dễ tiếp cận khuyến mại và được hưởng khuyến mại nhiều hơn.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế cho rằng, thực tế trên thị trường viễn thông đang diễn ra hiện tượng nhà mạng dùng sức mạnh “ông lớn” để điều chỉnh thị trường. Bởi nếu đã theo quy định thì thời điểm Viettel thực hiện phải sớm hơn chứ không phải bây giờ. Cùng đó, nếu là luật thì cần có sự thống nhất giữa các doanh nghiệp để tránh thiệt thòi cho khách hàng lựa chọn mạng di động - đối tượng ảnh hưởng quyền lợi trực tiếp.
Phạm Thanh