Ngôn ngữ của... ngón tay cái

Thật ra, chuyện vui buồn xung quanh việc “dịch” những dòng chữ tiếng Việt không có dấu đã có từ thời máy nhắn tin (pager), rồi thăng trầm với e-mail, nhưng phổ biến rộng rãi thì phải đến ĐTDĐ. Nếu là người cẩn thận, bạn cần phải suy nghĩ kỹ khi soạn tin nhắn và đọc lại trước khi gửi, để tránh chuyện “ông nói gà, bà nói vịt”.

Có dấu và không dấu   

 

Một trong những ví dụ kinh điển về chuyện thận trọng này: thay vì nhắn đơn giản “Anh cu den - Anh cứ đến” bạn phải sửa thành “Anh hay den di nhe - Anh hãy đến đi nhé” hoặc “Anh toi di, anh nhe - Anh tới đi, anh nhé”.

 

Một cô gái vừa tan trường, nhắn tin khi chờ người yêu đến đón “Em dang o truong, anh toi gap - Em đang ở truồng, anh tới gấp”, có thể làm anh chàng giật mình hốt hoảng.

 

Có vô số những ví dụ “tế nhị” kiểu này, mà người nhắn quá “vô tư”, gây hiểu lầm đánh đố người đọc (như câu “Tao dung tai nha may co khi cho may - Tao đứng tại nhà máy cơ khí chờ mày”).

 

Ảnh hưởng của e-mail

 

Một số quy tắc của giới online đã được vận dụng vào kỹ năng “bấm bấm” của ngón tay cái. Một trong những quy ước thông dụng trong e-mail nhưng khá nhiều người dùng ĐTDĐ không biết là viết hoa - viết thường.

 

Một người “nhắn tin chuyên nghiệp” phải luôn dùng chữ thường, chỉ viết hoa đầu câu hoặc những trường hợp đặc biệt như muốn nhấn mạnh hoặc chữ viết tắt. Nếu bạn nhắn “CO CHUYEN GI KHONG?”, nghĩa là bạn đang giận dữ quát vào mặt người nhận, vì chữ hoa tượng trưng cho “la hét”.

 

Ảnh hưởng khác từ e-mail là cách dùng những ký tự để diễn tả cảm xúc. Những bạn trẻ rất thích dùng những kiểu đại loại như “Anh nho em muon chet luon: P”, trong đó : P là biểu hiện của “lè lưỡi”; nếu cô gái trả lời “Vay anh... chet di: D” thì : D tượng trưng cho “nụ cười toe toét”. Chàng trai hồi âm chỉ bằng mấy dấu hiệu: (... nghĩa là chàng đang... khóc ròng.

 

Những dạng quy ước như vậy khá nhiều, nếu bạn chưa biết thì cứ vào bất kỳ tiệm dịch vụ Internet nào đó, và hỏi những bạn trẻ đang chat  chắc sẽ được hướng dẫn khá đủ. Họ chính là một trong những đại diện của thời đại “nhắn tin”.

 

Cảm xúc dào dạt nhưng ký tự thì hạn chế

 

Một trong những yêu cầu của “đẳng cấp” nhắn tin là phải nhanh. Muốn nhanh không chỉ luyện “nhất chỉ thần công” tức kỹ năng bấm phím, mà còn phải biết cách diễn đạt những xúc cảm dâng tràn như nước lũ bằng những câu chữ càng ngắn càng tốt. Và không gì bằng phương pháp viết tắt.

 

Tất nhiên, viết tắt cũng có những quy ước, mà đôi khi lần đầu nhận được, bạn sẽ bối rối. Ngoài những kiểu viết tắt tiếng Anh như b4 là trước (before) hay 2nite là tối nay (tonight), bạn còn thấy những thể hiện mới của tiếng Việt như "TY cua n danh cho m ko bao h chet" (n = anh, m = em, ko = không và h = giờ).

 

Chưa hết, cón một “hỗn hợp” ngôn ngữ tin nhắn, như ví dụ sau: “B h we phai lam j? U co y kien o?”, được hiểu là “Bi giờ chúng ta phải làm gì? Bạn có ý kiến không?” (?!).

 

Ngày mai không phải là hôm nay

 

Vậy đó, công nghệ thay đổi từng ngày. Và ngôn ngữ cũng không bất biến. Khi ngôn ngữ kết hợp với công nghệ thì chúng càng sản sinh ra nhiều điều mới lạ. Có thể chúng sẽ biến mất, có thể chúng làm các nhà ngôn ngữ học phải nhăn mặt, có thể chúng có vài điểm tiêu cực; song có thể nói rằng, những điều này vẫn đang diễn ra quanh chúng ta, và chúng góp phần làm cho chúng ta gần nhau hơn.

 

Theo Echip M!