Ngày sáng tạo Châu Á: Cơ hội cho Việt Nam trước cú nhảy vọt thế kỷ
(Dân trí) - Sự kiện Huawei Innovation Day 2018 tổ chức tại Thái Lan giới thiệu nhiều công nghệ kết nối, tập trung vào ứng dụng 5G, IoT, VR,... nhằm hiện thực hoá giấc mơ "kết nối mọi thứ" với mục tiêu thúc đẩy sự sáng tạo và giúp nuôi dưỡng một hệ sinh thái cùng chia sẻ thành công.
Hôm qua (6/6) tại Băng Cốc, Thái Lan, đã diễn ra sự kiện Innovation Day 2018 dành cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 4. Tại chương trình được đồng tổ chức bởi Huawei và Bộ KH-CN Thái Lan, hơn 300 khách mời đã cùng thảo luận, khám phá cách thức hạ tầng kỹ thuật số đang ngày một thâm nhập mạnh mẽ, đóng vai trò thúc đẩy và làm thay đổi cuộc sống của mỗi chúng ta.
Với chủ đề "Sáng tạo cho một Châu Á - Thái Bình Dương kỹ thuật số", sự kiện khiến khách mời bất ngờ trước hình ảnh một con bò sữa và một con voi đang nói chuyện với nhau. Bằng thông điệp này, Huawei cho biết họ luôn tin tưởng rằng tương lai của xã hội giao tiếp thông minh sẽ đạt tới một nấc thang mới, giúp cho tất cả mọi thứ đều có thể được nhận biết, được kết nối, và trở nên "thông minh".
Công nghệ kỹ thuật số theo đó sẽ trở thành một thứ có thể cảm nhận bằng tay, nhìn thấy bằng mắt thường, và thậm chí giao tiếp được với con người. Để hiện thực hoá điều này, Huawei khẳng định hệ sinh thái công nghệ giữa các sản phẩm IoT sẽ là chìa khoá để tạo nên thành công.
Tiềm năng khổng lồ tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương
Là một trong những thị trường mới nổi sôi động nhất trên thế giới, khu vực châu Á - Thái Bình Dương hiện đối mặt với làn sóng số hóa các ngành, các lĩnh vực, với một nền kinh tế số đang phát triển theo bước nhảy vọt mỗi ngày. Trong đó, Thái Lan là một trong những quốc gia đi đầu cả về mạng lưới phổ cập viễn thông, lẫn cơ sở hạ tầng ICT.
Tại sự kiện, TS. Somkid Jatusripitak, Phó Thủ tướng Thái Lan, đã có một bài phát biểu quan trọng, trong đó ông chia sẻ về chiến lược "tiến tới kỹ thuật số" của Thái Lan và làm thế nào để thúc đẩy quá trình chuyển đổi và hiện đại hóa nền kinh tế Thái Lan. Trong đó, ông nhấn mạnh vai trò của Huawei như là một nhân tố đóng góp quan trọng cho sự phát triển của ngành công nghiệp ICT tại đây.
Được biết, hệ thống cơ sở hạ tầng thông minh tại Thái Lan trong những năm qua đã ghi nhận những thành công vượt bậc. Đánh dấu cho sự thành công đó là việc hợp tác cùng Huawei xây dựng thành công một hệ thống mang tên OpenLab tại Băng Cốc với mục đích phát triển phần mềm, nuôi dưỡng tài năng, là nơi thúc đẩy trao đổi, nghiên cứu các lý thuyết cơ bản về CNTT. Từ tháng 6/2017 tới nay, khu vực đã thu hút hơn 800 khách thăm quan và hơn 200 hợp tác phát triển, cùng với 25 công ty phát triển phần mềm, dịch vụ.
Cũng tại sự kiện, Giáo sư Mirko Draca đã thay mặt Huawei và Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London (LSE) công bố báo cáo “Vai trò phát triển của ICT trong nền kinh tế”.
Theo báo cáo, đầu tư hạ tầng kỹ thuật số sẽ thúc đẩy gia tăng năng suất mạnh mẽ, và trong 10 đến 15 năm tới, con người có thể tận hưởng đầy đủ các lợi ích của 5G, Cloud, Internet of Things (IoT), dữ liệu lớn và trí tuệ nhân tạo (AI). Trung bình, các công nghệ ICT tạo ra sự lan truyền kiến thức lớn hơn đáng kể so với các công nghệ khác. Không có bằng chứng nào cho thấy AI sẽ tác động rất lớn đến công ăn việc làm. Thay vào đó, suy thoái kinh tế và hậu quả của chúng sẽ có tác động lớn hơn AI.
Cơ hội cho Việt Nam trước cú nhảy vọt thế kỷ
Từ một vài năm gần đây, Cách mạng 4.0 đã được đánh giá là bước tiến không thể chờ đợi tại Việt Nam, và đang có tác động mạnh mẽ đến mọi ngành, lĩnh vực, mọi doanh nghiệp và người dân.
Qua đó, những công nghệ như Smart Home, Smart City, AI, IoT,... và ứng dụng của nó trong cách ngành nghề đã bắt đầu được nhắc đến nhiều hơn, thay vì chỉ tồn tại dưới dạng "vĩ mô". Tuy nhiên, để đưa chúng trở thành hiện thực, cần có sự đồng tâm, vào cuộc quyết liệt từ chính phủ và các doanh nghiệp từ vừa, nhỏ, cho đến các tập đoàn kinh tế hàng đầu.
Do nằm trong khu vực trọng tâm của kế hoạch phát triển hệ sinh thái ICT mở rộng, Việt Nam cũng sẽ đứng trước nhiều cơ hội cùng tham gia với các nước trong khu vực nhằm nuôi dưỡng, phát triển giải pháp công nghiệp phù hợp với mục tiêu hướng đến Cách mạng Công nghiệp 4.0, từ đó xây dựng một mạng lưới sinh thái IoT kết nối.
Tại sự kiện Ngày sáng tạo 2018, Huawei cho biết trong vòng 3 năm tới sẽ đầu tư trên 81 triệu USD để xây dựng các hệ thống OpenLab, tạo điều kiện cho các nhà phát triển điện toán đám mây, và phát triển tài năng ICT tại nhiều quốc gia thuộc khu vực Đông Nam châu Á.
"Chúng tôi hướng tới việc trao quyền cho các nhà phát triển và các tài năng trẻ ở Đông Nam châu Á với trong tay là hơn 30 năm kinh nghiệm và năng lực về ICT", James Wu, Chủ tịch Huawei khu vực Đông Nam châu Á cho biết.
"Thông qua các APIs và các nền tảng phát triển, chúng tôi sẽ mở rộng khả năng của mình cho các đối tác phát triển. Đây là một cơ hội lớn cho các nhà phát triển để tạo ra các giải pháp mục tiêu cho số hóa các ngành và phát triển kinh doanh của riêng họ. Làm việc cùng nhau, chúng ta có thể mơ ước lớn hơn và bay cao hơn".
Nguyễn Nguyễn
Từ Bangkok