Ngành game tại Việt Nam đang rất "khát" nhân lực
(Dân trí) - Bất chấp một số hạn chế về pháp lý, nhân lực, ngành game tại Việt Nam được đánh giá là còn rất nhiều tiềm năng để phát triển trong tương lai.
"Với vô vàn lợi thế và tiềm năng chưa được khai sáng, ngành công nghiệp game tại Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ", ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (Bộ TT&TT), chia sẻ tại Hội nghị kết nối mở rộng thị trường ngành game Việt Nam.
Các thống kê cho biết Việt Nam hiện có 28,4 triệu người chơi game online. Thị trường game của Việt Nam xếp thứ 5 khu vực Đông Nam Á về doanh thu. Doanh thu của các game sản xuất tại Việt Nam phát hành ở thị trường toàn cầu ước tính đạt 200 triệu USD/năm.
Có thể nói, game là ngành công nghiệp không khói, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, ngành công nghiệp game gặp rất nhiều biến động mạnh mẽ, ảnh hưởng đến thị trường chung. Các doanh nghiệp game tại Việt Nam vẫn đang sản xuất, phát hành trò chơi điện tử trên cơ sở hoạt động độc lập, chưa có sự gắn kết.
Ông Tự Do đánh giá thị trường game tại Việt Nam có số lượng người chơi lớn, số lượng game phát hành toàn cầu cũng thuộc top cao. Tuy nhiên, một thực trạng đáng buồn là doanh thu ngành game trực tuyến lại đang chảy ra nước ngoài.
Theo số liệu, tổng doanh thu game online tại thị trường Việt Nam trong năm 2021 đạt 665 triệu USD. Trong đó, chỉ khoảng một nửa có đóng thuế trong nước. Phần còn lại đóng thuế cho nước ngoài, chủ yếu là Singapore.
"Ngành game tại Việt Nam cũng đang rất "khát" nhân lực. Do một số nguyên nhân khách quan như định kiến xã hội về ngành game, số lượng nhân sự hoạt động trong mảng này hiện chưa nhiều", ông Tự Do nhận định.
Bất chấp những khó khăn trên, ngành game vẫn đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Việc gỡ bỏ các rào cản pháp lý và đưa ra chính sách mới sẽ là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp này. Từ đó, ngành game có thể trở thành ngành công nghiệp trọng điểm, góp phần phục hồi nền kinh tế trong và sau đại dịch.