Ngán ngẩm những “chiêu trò” của học sinh Việt để phá hoại lớp học online

(Dân trí) - Đánh giá ứng dụng dạy học online một sao, văng tục hay thậm chí kêu gọi người lạ vào các lớp học trực tuyến để quậy phá... là những “chiêu trò” của nhiều học sinh Việt để phá hoại các lớp học online.

Kể từ khi dịch bệnh do Covid-19 gây ra có những diễn biến phức tạp trên toàn cầu, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chủ động cho các trường học trên cả nước nghỉ học để phòng tránh sự lây lan của dịch bệnh, nhiều trường đã chuyển sang hình thức dạy và học trực tuyến để truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Tuy nhiên, nhiều “chiêu trò” cũng đã được các học sinh bày ra để quậy phá các lớp học trực tuyến khiến nhiều người phải ngán ngẩm.

Từ kéo nhau đánh giá ứng dụng dạy học trực tuyến “một sao”...

“Tại App mà nhà trường bắt học online”; “Học bù thì còn bắt học online làm gì”; “App phá tan hạnh phúc gia đình”; “Tự nhiên đang nghỉ dịch còn phải làm bài tập”,... Đây chỉ là số ít trong số hàng loạt những bình luận tiêu cực nhằm vào các ứng dụng dạy và học trực tuyến như Zoom, Google Classroom... trên kho ứng dụng Google Play và App Store, kèm theo đó là hàng loạt đánh giá “một sao”, mức đánh giá thấp nhất, dành cho các ứng dụng này.

Ngán ngẩm những “chiêu trò” của học sinh Việt để phá hoại lớp học online - 1

Nhiều bình luận tiêu cực từ các học sinh nhằm vào các ứng dụng dạy học trực tuyến

Đây là một trong những “chiêu trò” được các học sinh tại Việt Nam áp dụng, vì cho rằng những đánh giá và bình luận tiêu cực này sẽ làm ảnh hưởng đến danh tiếng của các ứng dụng dạy và học trực tuyến, từ đó khiến các ứng dụng này sẽ bị xóa bỏ khỏi các kho ứng dụng. Nhờ đó học sinh sẽ không còn phải tiếp tục chương trình học trực tuyến hay phải làm bài tập về nhà từ xa.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc các ứng dụng bị đánh giá thấp rồi bị xóa bỏ khỏi các kho ứng dụng là điều không thể xảy ra, mà chỉ khi các nhà phát triển tự xóa bỏ các ứng dụng của mình để giữ gìn hình ảnh và danh tiếng của công ty.

Trên thực tế, ngoài các bình luận và đánh giá tiêu cực một cách cố ý từ các học sinh, các ứng dụng dạy và học trực tuyến vẫn được nhiều người dùng đánh giá cao về lợi ích mà nó mang lại, do vậy việc các ứng dụng này bị xóa bỏ bởi chính các nhà phát triển là điều khó có thể xảy ra.

Điều đáng nói hành động kéo nhau bình luận và đánh giá tiêu cực của các học sinh Việt đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hình ảnh của các nhà phát triển ứng dụng cũng như các sản phẩm của họ.

... đến văng tục và kêu gọi người lạ vào phá hoại các lớp học trực tuyến

Ngoài việc đánh giá tiêu cực nhằm vào các ứng dụng dạy học trực tuyến, nhiều học sinh cũng đã thể hiện thái độ bất hợp tác khi tham gia các lớp học trực tuyến vì cho rằng sự tương tác giữa giáo viên và học sinh qua hình thức học này là không cao nên có thể thoải mái làm điều mình thích.

Ngán ngẩm những “chiêu trò” của học sinh Việt để phá hoại lớp học online - 2
Ngán ngẩm những “chiêu trò” của học sinh Việt để phá hoại lớp học online - 3

Nhiều học sinh đưa thông tin lớp học online để kêu gọi người lạ vào quậy phá

Theo phản ánh của nhiều giáo viên, trong quá trình dạy học trực tuyến, nhiều học sinh đã có những bình luận tục tĩu, văng tục hoặc cố ý phá hoại bằng cách cách chèn nhạc khi lớp học trực tuyến đang diễn ra. Tuy nhiên, giáo viên đôi khi khó có thể xác định được những những lời bình luận tục tĩu hoặc hành động phá hoại này bắt nguồn từ học sinh nào trong lớp khiến các hành động phá hoại này vẫn tiếp tục diễn ra trong nhiều buổi học.

Không dừng lại ở đó, nhiều học sinh còn kêu gọi người lạ truy cập vào các lớp học trực tuyến để phá hoại buổi học bằng cách đăng tải thông tin của các lớp học trực tuyến lên các nhóm Facebook, như số ID và mật khẩu đăng nhập của các buổi học trực tuyến trên phần mềm Zoom để bất kỳ ai cũng có thể truy cập vào các lớp học trực tuyến này, từ đó nhiều người lạ đã cố ý xâm nhập vào các lớp học để gây gián đoạn cho quá trình dạy và học của lớp.

Một số học sinh còn sử dụng nhiều thiết bị khác nhau với nhiều tên khác nhau để truy cập vào các lớp học trực tuyến nhằm qua mặt giáo viên và bắt đầu hành vi quậy phá lớp học. Chẳng hạn truy cập vào lớp học trực tuyến trên máy tính bằng tên thật của mình, sau đó bí mật truy cập vào lớp này trên smartphone bằng tên giả, sau đó sử dụng tên giả này để phát những đoạn video với nội dung bậy bạ hoặc nhạy cảm... trước sự chứng kiến của cả lớp và khiến nhiều giáo viên bối rối và không biết cách xử lý.

Một học sinh chèn video “Khá Bảnh” vào lớp online khiến giáo viên bối rối

“Sự bất lực” của các giáo viên trước những học sinh “cứng đầu”

Trước những “chiêu trò” quậy phá của các học sinh, nhiều giáo viên đã không biết cách phải xử lý đúng cách để ngăn chặn tình trạng này, chẳng hạn khóa hoặc “đá” những tài khoản lạ mặt ra khỏi lớp học trực tuyến, bởi lẽ với nhiều giáo việc, đặc biệt những giáo viên lớn tuổi, việc dạy và học trực tuyến cũng là một thử thách khó khăn đối với họ.

“Làm quen với phần mềm dạy học trực tuyến đã khó khăn lắm rồi nên khi có các em học sinh quậy phá hoặc người lạ bất ngờ xâm nhập vào lớp, tôi cũng không biết phải làm thế nào để xử lý”, cô Thuận, một giáo viên cấp 3 môn Vật Lý tại Tp.HCM, cho biết.

Ngán ngẩm những “chiêu trò” của học sinh Việt để phá hoại lớp học online - 4

Việc dạy online gây không ít khó khăn và áp lực cho giáo viên, nhất là khi các học sinh không chịu hợp tác (Ảnh minh họa)

Nhiều giáo viên cho biết họ đã phải rất vất vả để chuẩn bị các giáo án phù hợp với việc dạy học trực tuyến cũng như làm quen với phần mềm dạy trực tuyến, tuy nhiên, nhiều học sinh bày tỏ thái độ bất hợp tác hoặc thậm chí quậy phá các lớp học khiến họ cảm thấy rất thất vọng. Nhiều người hy vọng các học sinh sẽ hiểu và thông cảm cho nỗi vất vả của giáo viên để hợp tác hơn trong việc học trực tuyến và mong dịch bệnh sẽ sớm qua đi để quay trở lại với hình thức dạy học trực tiếp tại trường.

Đối với các học sinh bày ra những “chiêu trò” để quậy phá các lớp học trực tuyến thì đây là hành vi không thể chấp nhận được, không chỉ bởi vì đó là hành động xem thường các giáo viên đang trực tiếp giảng dạy cho mình mà còn làm ảnh hưởng đến các học sinh khác của lớp, những người đang mong muốn tiếp thu kiến thức trong thời gian dịch bệnh diễn ra.

T.Thủy