Nga yêu cầu tất cả smartphone, smartTV phải cài đặt sẵn phần mềm "nội"
(Dân trí) - Một quy định mới được thông qua tại Nga yêu cầu các thiết bị thông minh đều phải cài đặt sẵn phần mềm, như một động thái chống lại sự độc quyền từ các công ty công nghệ Mỹ.
Theo Reuters đưa tin, Nga coi đây là một cách để giúp các công ty phần mềm tại đây cạnh tranh với các tập đoàn quốc tế. Các thiết bị được yêu cầu bao gồm tất cả các thiết bị thông minh như smartphone, laptop, TV,...
Cơ quan này nói cho biết thêm luật này đặc biệt hướng tới các "ông lớn" như Google, và đặc biệt là Apple trước sự độc quyền về ứng dụng được phép - và không được phép cài sẵn trên thiết bị. Trên một số diễn đàn lớn về công nghệ, một số người còn thẳng thắn gọi đây là "luật chống lại Apple."
Trước động thái cứng rắn từ Nga, Apple đã có phản ứng nhượng bộ. Cụ thể là từ tháng trước, Apple đã bắt đầu cho phép người dùng cài sẵn phần mềm của Nga khi mua iPhone.
Dẫu vậy, tất cả các ứng dụng này đều phải được kiểm tra để đảm bảo rằng chúng đáp ứng các chính sách bảo mật và quyền riêng tư của Apple.
Điều này có thể mở ra một cơ hội lớn cho các nhà phát triển ứng dụng tại các địa phương, khi người dùng giờ đây được phép chọn cài đặt các ứng dụng 'nội' thay vì các ứng dụng nước ngoài khi thiết lập iPhone, iPad của họ.
Hiện vẫn chưa rõ rằng ngoài ứng dụng của Nga, Apple có cho phép một ngoại lệ nào khác hay không. Nếu như đây là điều lệ được áp dụng tại đa quốc gia, các nhà phát triển phần mềm ở nước ta chắc chắn sẽ vui mừng khi có thêm nhiều cơ hội để quảng bá giải pháp 'Make in Vietnam', cũng như tiếp cận người tiêu dùng trong nước.
Trong một đoạn tweet đăng tải hôm thứ Năm, 1/4, một nhà phát triển iOS là Tian Zhang đã chia sẻ một đoạn video về quá trình thiết lập mới trên iPhone.
Trong màn hình khởi tạo, một thông báo hiện lên cho biết: "Tuân thủ các yêu cầu pháp lý của Nga, hãy tiếp tục xem các ứng dụng có sẵn để tải xuống."
Nhấn vào "tiếp tục" sẽ đưa người dùng đến một danh sách các phần mềm do Nga sản xuất, điển hình như ứng dụng từ gã khổng lồ tìm kiếm Yandex, mạng xã hội VKontakte,…
Theo một nguồn tin chưa xác định, Nga đang cố gắng trấn áp các công ty công nghệ của Mỹ tại nước này và tăng cường sự phụ thuộc vào "Internet có chủ quyền" do chính phủ kiểm soát.
Tháng trước, Nga đã công khai giảm tốc độ truy cập mạng xã hội Twitter để đáp trả việc công ty từ chối xóa nhiều nội dung bị cấm theo quy định. Tuy nhiên, động thái này dẫn tới nhiều tên miền bị chặn, bao gồm cả trang web chính thức của Điện Kremlin.