“Ngã ngửa” với ý nghĩa thực sự tên gọi của chip “A11 Bionic” trên iPhone X

(Dân trí) - Bộ 3 iPhone 8, 8 Plus và X mới trình làng của Apple đều được trang bị chip xử lý A11 Bionic. Vậy ý nghĩa thực sự của tên gọi “Bionic” là gì? Câu trả lời sẽ khiến không ít người phải bất ngờ.

Tại sự kiện ra mắt bộ 3 iPhone mới hôm 12/9 vừa qua, Apple cho biết cả 3 phiên bản iPhone 8/8 Plus và X đều được trang bị bộ vi xử lý A11 Bionic, mà “quả táo” khẳng định rằng đây là vi xử lý di động mạnh mẽ nhất hiện nay. Có vẻ như Apple không quá lời với tuyên bố này khi những thử nghiệm cho thấy điểm hiệu suất xử lý của A11 Bionic trên iPhone cao hơn các vi xử lý di động hàng đầu hiện nay như Snapdragon 835 của Qualcomm, Exynos 8895 của Samsung hay Kirin 960 của Huawei...

Apple A11 Bionic là vi xử lý di động mạnh mẽ nhất hiện nay và mang một cái tên khá “kiêu”, nhưng không có ý nghĩa gì
Apple A11 Bionic là vi xử lý di động mạnh mẽ nhất hiện nay và mang một cái tên khá “kiêu”, nhưng không có ý nghĩa gì

Dù sức mạnh thực sự của A11 Bionic đã phần nào được giải đáp, tuy nhiên một thắc mắc khác về thế hệ vi xử lý này vẫn chưa có câu trả lời, đó là tên gọi “Bionic” thực sự có ý nghĩa gì? Apple mới đây đã đưa ra câu trả lời khiến không ít người bất ngờ.

Theo chia sẻ của một đại diện Apple với trang công nghệ The Verge thì “Bionic” thực chất... không có ý nghĩa gì và Apple chỉ muốn đặt cho chip di động thế hệ mới của mình một cái tên nghe thật hay và “Bionic” là cái tên được lựa chọn.

“Thế hệ vi xử lý mới được gọi là Bionic vì Apple nhận ra rằng những cái tên như A8 và A9 trước đây không phải là một cái tên thực sự thú vị nếu so với tên gọi của các đối thủ cạnh tranh”, đại diện của Apple chia sẻ với trang công nghệ The Verge.

Người này cũng cho biết tên gọi “Fusion” của thế hệ chip di động “A10 Fusion” trang bị trên bộ đôi iPhone 7 và 7 Plus ra mắt vào năm ngoái cũng chỉ nhằm tạo một cái tên thật hay chứ tên gọi “Fusion” cũng không mang ý nghĩa nào.

Rõ ràng việc đặt tên gọi cho vi xử lý di động do Apple phát triển sẽ giúp tạo nên những thương hiệu riêng cho các thế hệ chip của hãng, thay vì những tên gọi một cách đơn thuần và khô khan.

Với giải thích này của Apple, hẳn giới công nghệ sẽ có dịp dự đoán tên gọi của các thế hệ chip di động trên các phiên bản iPhone tiếp theo của Apple mỗi khi sản phẩm sắp ra mắt.

Việc các hãng công nghệ lựa chọn những tên gọi thật “kêu” và độc đáo cho sản phẩm của mình là điều khá phổ biến. Google là một trong những hãng nổi tiếng nhất về điều này khi hãng lựa chọn tên gọi các món ngọt để đặt tên cho các phiên bản Android và đặc biệt tên gọi các phiên bản này tăng dần theo thứ tự trong bảng chữ cái. Do vậy mỗi khi một phiên bản Android mới sắp phát hành, giới công nghệ lại có dịp dự đoán xem tên gọi chính thức của phiên bản Android đó sẽ là gì.

T.Thủy
Theo PA/The Verge