Nếu như Samsung tiêu hủy tất cả máy Note7, đây có thể sẽ là thảm họa môi trường
(Dân trí) - Nếu như không có được phương thức hợp lý khi tiêu hủy hàng triệu chiếc Note7 bị thu hồi, đây có thể sẽ trở thành "thảm kịch" đối với môi trường, và sẽ lại khiến Samsung đối mặt với những vấn đề về mặt pháp lý trong tương lai.
Sau nhiều vụ việc dẫn tới cháy nổ mà chiếc Note7 là nguyên nhân chính, vào sáng sớm hôm qua, Samsung đã tuyên bố chính thức ngừng sản xuất và khai tử dòng sản phẩm này. Bên cạnh đó, Samsung cũng đã triển khai đợt hoàn trả lại tiền đối với người dùng Galaxy Note7, đi kèm một vài ưu đãi nhất định.
Samsung cũng tiếp tục khuyên mọi người trả lại máy cho hãng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Điều này giúp loại bỏ nguy cơ Note7 sẽ tiếp tục gây cháy và làm tổn hại đến những người vẫn còn đang sở hữu dòng điện thoại này.
Một phát ngôn viên cùa Samsung cho biết những chiếc điện thoại Note7 được thu hồi sẽ không được sửa chữa, tân trang, hoặc bán trở lại. "Chúng tôi có một quy trình để xử lý một cách an toàn những chiếc điện thoại không đạt tiêu chuẩn", đại diện này cho biết.
Điều này nghe thì có vẻ đơn giản, tuy nhiên theo giải thích của trang Motherboard, thì Samsung đang đứng trước 2 sự lựa chọn đối với những chiếc Note7 đã thu hồi, và cả 2 đều có thể sẽ mang đến những điều bất lợi cho họ.
Lựa chọn 1: Tái sử dụng linh kiện của Note7
Lựa chọn thứ nhất đó là Samsung sẽ sử dụng những linh kiện, chi tiết trên khoảng hơn 2 triệu chiếc Note7 được thu hồi để đưa vào dây chuyền sản xuất cho những thế hệ smartphone khác. Với sự lựa chọn này, Samsung có thể cắt giảm được một khoản khá lớn từ chi phí vật liệu, nhưng lại đối mặt với rủi ro trên những chiếc điện thoại trong tương lai khi sử dụng chính nguyên liệu trên một chiếc điện thoại lỗi.
Đáng chú ý, mặc dù có nhiều phân tích cho rằng pin chính là nguyên nhân dẫn tới các vụ cháy nổ trên Galaxy Note7 tuy nhiên theo ông Park Chul-wan, cựu Giám đốc của một công ty về pin cấp cao tại Viện Công nghệ Điện tử Hàn Quốc, thì vẫn còn quá sớm để đưa ra nhận định này.
"Tôi nghĩ pin trên Galaxy Note7 không gặp phải vấn đề gì nghiêm trọng, và có thể nó cũng không phải là nguyên nhân dẫn tới cháy nổ", ông Park phát biểu với tờ NYTimes. "Note 7 sở hữu nhiều tính năng và kiến trúc phức tạp hơn so với bất kỳ chiếc điện thoại nào đã được sản xuất. Trong một cuộc đua để vượt qua iPhone, Samsung dường như đã mang tới quá nhiều sự đổi mới, khiến cho kết cấu của nó dường như vượt qua sự kiểm soát của chính họ."
Điều đáng nói là sau một vụ "khủng hoảng" lớn như vậy cùng Note7, và các khoản lỗ lên tới hàng tỷ USD, liệu Samsung có dám liều lĩnh để tái sử dụng lại linh kiện trên Note7 hay không?
Lựa chọn 2: Tiêu hủy hoàn toàn Note7
Nếu như không thể tái sử dụng các linh kiện trên Note7, Samsung sẽ phải tiêu hủy chúng. Tuy nhiên việc tiêu hủy hoàn toàn một chiếc điện thoại thông minh lại không hề đơn giản. Cho tới nay, Samsung vẫn chưa đề cập gì tới tác động của quá trình tái chế Note 7 tới môi trường. Công ty cũng đã đưa ra báo cáo về phát triển bền vững và môi trường nhưng lại không bao gồm Note7 trong đó.
Tính đến nay, việc tái chế không hiệu quả của smartphone đã khiến những nguyên tố hiếm gần như không thể tái sử dụng được. Đây là các nguyên tố khó tìm chủ yếu được sử dụng để chế tạo ra linh kiện điện tử, và chúng không chỉ đắt về tiền mà còn về cả sức người đã bỏ ra để khai thác.
Chưa kể tới việc nếu như không có được phương thức hợp lý khi tiêu hủy hàng triệu chiếc Note7 bị thu hồi, đây có thể sẽ trở thành "thảm kịch" đối với môi trường, và sẽ lại khiến Samsung đối mặt với những vấn đề về mặt pháp lý trong tương lai.
Nếu như lựa chọn cách tiêu hủy toàn bộ "tàn dư" của Note7, Samsung cũng sẽ đứng trước việc chấp nhận mất đi nhiều hơn những con số trên giấy tờ. Hôm nay, công ty vừa đưa ra thông báo cắt giảm 1/3 dự tính lợi nhuận hàng quý của mình, có thể lên đến 2,3 tỷ USD, do hậu quả từ việc loại bỏ thế hệ smartphone flag-ship của mình.
Samsung liệu có thể đứng lên sau thất bại?
Cho đến nay, Galaxy Note 7 chắc chắn là một trong những thất bại gây tốn kém nhất trong lịch sử phát triển không chỉ của Samsung, mà cả trong lĩnh vực công nghệ. Nhiều nhà phân tích tin rằng thiệt hại đến thương hiệu và thu nhập tương lai của Samsung sẽ còn kéo dài hơn nữa, cho đến khi nguyên nhân dẫn đến cháy nổ của Note7 được làm sáng tỏ. Một số người khác còn dự đoán rằng số tiền thiệt hại do vấn đề này có thể lên đến 17 tỷ USD cho Samsung.
Ngoài các khoản thiệt hại về tiền, mảng di động của Samsung cũng đứng trước nguy cơ "mất trắng" trong đợt mua sắm cuối năm nay, đồng thời đánh mất thị phần vào tay các đối thủ khác như Apple, LG hoặc Google. Bên cạnh đó, "thất bại của Note7 có thể sẽ khiến Samsung phải khai tử cả dòng Note", một đại diện dấu tên của Samsung đang làm việc tại Nga cho biết.
Nếu đúng như vậy, thì đây sẽ là cái kết "cay đắng" dành cho một trong những dòng sản phẩm nổi tiếng và được ưa chuộng nhất trên thế giới từ nhiều năm. Đáng bất ngờ, quyết định dẫn tới khai tử dòng điện thoại Note7 lại được cộng đồng mạng đánh giá là "điểm sáng" của Samsung trong bối cảnh u ám hiện nay, và cho rằng họ đã dũng cảm để đưa ra quyết định trên. Đa số đều đồng ý rằng hành động này không chỉ giúp gã khổng lồ Hàn Quốc bảo vệ chữ tín mà còn cho thấy Samsung thực sự đặt sự an toàn của người dùng lên trên lợi ích của công ty.
Nguyễn Nguyễn
Tổng hợp