Muôn kiểu lừa đảo online mùa dịch Covid-19

Thế Anh

(Dân trí) - Những chiêu trò lừa đảo này sử dụng kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy.

Ứng dụng lừa đảo mạo danh đầu tư vắc xin

Giữa tháng 7, hàng loạt hội nhóm trên Facebook xuất hiện các bài đăng về một ứng dụng có tên R383. Đây được quảng cáo là nền tảng đầu tư uy tín, mỗi gói đầu tư được đặt theo tên của một loại vắc xin.

Theo quảng cáo, ứng dụng này có thể đem về lãi suất khoảng 5-8%/ngày. Số tiền đầu tư càng cao, tiền lãi mà người dùng được hứa hẹn nhận về sẽ càng lớn. Nếu nhà đầu tư bỏ ra một triệu đồng, sau một ngày có thể thu lãi gần 100.000 đồng.

Muôn kiểu lừa đảo online mùa dịch Covid-19 - 1

Ứng dụng đầu tư vắc xin được quảng cáo là có thể đem về lãi suất khoảng 5-8%/ngày.

Với những hứa hẹn về số tiền đầu tư nhỏ trong khi lợi nhuận thu về lại tương đối cao, nhóm đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ được không ít nhà đầu tư "tay mơ". Nhà đầu tư sẽ được nhóm đối tượng "tư vấn" thông qua các ứng dụng nhắn tin phổ biến như Zalo hay Telegram.

Tuy nhiên, chỉ khoảng 2 tuần sau khi xuất hiện, ứng dụng này đã bị sập, cùng với đó là "thổi bay" toàn bộ số tiền mà các nhà đầu tư đã đổ vào. Nhiều người cho biết họ đã đầu tư vào đây hàng chục triệu đồng nhưng không có cách nào lấy lại được số vốn đó.

Theo Trung tâm Giám sát An toàn không gian mạng quốc gia (NCSC), chiêu trò lừa đảo này sử dụng những kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy.

"Người dân không nên nhấn các đường link lạ, không nên tham gia vào bất kỳ hoạt động kêu gọi đầu tư tiền ảo, sàn giao dịch nhị phân nào. Đồng thời, cũng cần thận trọng với những lời kêu gọi với giá hời để tiêm thuốc vắc xin, mua bộ kit test Covid-19 hoặc mua giấy thông hành âm tính Covid-19", Hiếu PC chia sẻ về tình trạng lừa đảo trên không gian mạng tại Việt Nam trong thời gian qua.

Giả mạo trang web Bộ Y tế, lừa đảo đăng ký trợ cấp Covid-19

Ngày 29/7, trên các hội nhóm mạng xã hội Facebook, một số người dùng cho biết đã nhận được tin nhắn với nội dung: "Bộ Y tế xin thông báo: Bạn đã đủ điều kiện đăng ký xin trợ cấp. Vui lòng hoàn thành thủ tục đăng ký trực tuyến ngay bây giờ".

Tin nhắn này được gửi từ một đầu số di động thông thường. Đồng thời, nội dung tin nhắn cũng đính kèm đường link dẫn tới các trang web có giao diện giống với Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Khi truy cập vào đường link này, trang web sẽ hiển thị thông báo đề nghị người dân bấm vào để làm thủ tục nhận trợ cấp. Ở bước này, người dân được yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân bao gồm họ tên, số CMND, số điện thoại, tài khoản ngân hàng cùng mật khẩu đăng nhập.

Muôn kiểu lừa đảo online mùa dịch Covid-19 - 2

Trang web giả mạo cổng thông tin của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, theo NCSC, những trang web này được lập ra với mục đích lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

"Trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cảnh báo một số trang web đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vắc xin Covid-19 và lừa tiền cứu trợ. Trong đó, có 2 tên miền chính đang được các đối tượng lợi dụng như sau: honapply.vn và miniboon.vn", đại diện NCSC đưa ra thông báo.

NCSC cũng cho biết thêm rằng ngay khi phát hiện các trang web này có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Trung tâm đã phối hợp xử lý để gỡ bỏ. Qua vụ việc này, NCSC khuyến cáo người dân nên hết sức cảnh giác trước các thông tin có nội dung tương tự.

Trung tâm cũng khuyến nghị người dùng Internet Việt Nam cần nâng cao cảnh giác, đề phòng cao độ để bảo vệ mình và người thân trước những nguy cơ lừa đảo đang ngày càng gia tăng. Một số thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, giả mạo trang web liên quan đến Covid-19, lừa đảo liên quan đến nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, đến hoạt động từ thiện, hoạt động đầu tư…

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm