Một chip nhớ ra đời sau 38 năm trì hoãn
(Dân trí) - Numonyx, công ty sản xuất bộ nhớ máy tính liên doanh giữa STMicroelectronics và Intel, cuối cùng cũng “hoàn thành sứ mệnh” sau gần 40 trắc trở. Hôm qua, các mẫu chip nhớ "thay đổi theo giai đoạn" PCM (phase change memory) đã được trình diễn.
Theo dự kiến của Numonyx, PCM sẽ chính thức được thương mại hóa vào cuối năm nay, CEO Brian Harrison cho biết tại buổi họp báo tổ chức hôm qua. “Chúng tôi hy vọng sẽ thu được lợi nhuận từ công nghệ này. Một hoặc hai năm tới PCM sẽ được sử dụng phổ biến”.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, mục tiêu đặt ra của Numonyx không thể dễ dàng đạt được. Công nghệ PCM đã gặp gian truân ngay từ những ngày đầu được phát triển và đã bị trì hoãn một thời gian khá dài.
“Chip nhớ này có thể sẽ rẻ hơn công nghệ flash trong vài năm tới”, nhà phân tích Richard Doherty đã dự báo như vậy về PCM từ năm 2001, ông này dự đoán công nghệ này sẽ có mặt trên thị trường trong năm 2003.
Năm 2002, Stefan Lai, một trong những chuyên gia về bộ nhớ flash của Intel, rất tự tin nói về việc phát triển PCM: “Mọi việc diễn ra rất khả quan”.
Một điều đáng nói chính nhà đồng sáng lập Intel Gordon Moore, là người khai sinh định luật Moore, đã có một bài báo đăng ngày 28/9/1970 trên tờ Electronics, dự báo thẻ nhớ Ovonics Unified Memory - một cái tên khác của PCM - rất có thể sẽ tạo nên một hiện tượng trên thị trường trong một thập kỷ tới, tức năm 1980.
“Số phận” của PCM quá “gian truân” và mãi đến bây giờ, sau 38 năm được hứa hẹn, công nghệ mới của Intel và STMicroelectronics mới được lộ diện. Khó khăn trong khâu sản xuất đã được Intel và ST khắc phục trong vài năm gần đây, ông Harrison cho biết.
Numonyx quảng cáo thẻ nhớ PCM có tuổi thọ tốt sau 10 triệu lần ghi-chép, vượt trội so với công nghệ flash. Tốc độ đọc dữ liệu của chip PC dao động trong khoảng 70-100 ns (nano-giây) - nhanh hơn cả bộ nhớ NOR flash. Tốc độ ghi dữ liệu đạt 1 megabyte/giây, ngang bằng với NAND flash.
Công ty Numonyx cũng khẳng định giá th ành sản xuất bộ nhớ của họ sẽ giảm nhanh chóng.
T.Vũ
Theo CNet