Mới "chân ướt, chân ráo" vào Việt Nam, Spotify đã bị người dùng "ghẻ lạnh"?
(Dân trí) - Chỉ sau vài ngày râm ran thì hầu như chẳng còn nhiều người còn nhắc đến gã khổng lồ stream nhạc Spotify ở Việt Nam. Phải chăng ứng dụng này không thực sự phù hợp với người Việt?
Khó dùng!
Đó là chia sẻ của khá nhiều người vốn đã quen với các sản phẩm nội địa trong nước như Zing Mp3 hay Nhaccuatui... Họ nói rằng, ứng dụng này thực tế khó dùng và nó chỉ phù hợp với những bạn khá trẻ, có thể tiếp cận công nghệ nhanh.
Bạn L. Khánh (quận 8, TPHCM) cho biết, đã xóa ứng dụng này sau vài ngày sử dụng. Thực tế nó vẫn khó dùng hơn so với ứng dụng trong nước nếu chỉ sử dụng phiên bản miễn phí.
Bạn P. Mai (ngụ quận Tân Bình) cũng cho biết tương tự, việc lựa chọn bài để nghe vấp phải rất nhiều khó khăn đối với phiên bản miễn phí. Thay vì bấm vào nghe sau khi đã tìm kiếm bài trên Zing Mp3, Nhaccuatui thì ở đây phải qua vài bước để có thể nghe được bài hát yêu thích.
Chưa kể, ứng dụng này sau khi nghe một bài hát thì xuất hiện quảng cáo, khiến cho người dùng cảm thấy không thích như các ứng dụng nội địa. Bạn K. Ngân chia sẻ.
Thực tế trải nghiệm đối với các phiên bản miễn phí cho thấy, ứng dụng Spotify mang đến một giao diện đầy bắt mắt và có vẻ rất chuyên nghiệp. Nhưng thực tế sử dụng, nó không thực sự tiện lợi và nhanh chóng đối với các ứng dụng nội địa.
Trên giao diện ứng dụng trong nước dù không quá nổi bật nhưng các thanh công cụ đơn giản, phù hợp mọi lứa tuổi để nghe nhạc. Họ chỉ cần chọn, tìm kiếm bài hát là có thể nghe ngay lập tức. Các ứng dụng nội địa cũng đưa ra danh sách nhạc hàng ngày và phù hợp với từng thời điểm, ngày lễ Việt Nam.
Riêng với Spotify, thì ngược lại, tìm kiếm, sau đó phải nghe nguyên 1 album trước khi đến với bài hát bạn yêu thích. Thậm chí, việc bấm qua bài đối với tài khoản miễn phí chỉ được 6 lần và người dùng không thể qua nhanh từng đoạn.
Theo bạn L. Khánh, ứng dụng này thực tế chỉ phù hợp với những bạn trẻ, có khả năng tiếp cận lẫn tiếp nhận công nghệ. Đối với người dùng bình thường và thế hệ 8X thì thực sự rất khó sử dụng.
Không chỉ khó dùng trong các thao tác thì Spotify còn quá nhiều quảng cáo và luôn xuất hiện việc yêu cầu người dùng nâng cấp lên tài khoản Premium để nhận được nhiều tính năng hơn. Nhưng thực tế, nếu so với các ứng dụng nhạc nội địa, dù xài phiên bản miễn phí cũng chẳng hề thua kém một tài khoản Premium của Spotify là bao.
Bạn K. Ngân nói rằng, khi sử dụng ứng dụng nội địa quen rồi, bạn có thể tải về nhạc yêu thích để có thể chép vào ô tô để nghe hay mang sử dụng cho các thiết bị khác. Nhưng từ khi xài thử Spotify, bạn không thể tải nhạc được và bất tiện hơn trong các cách sử dụng đã quen trước đây.
Không chỉ vậy, bạn M. Tuấn cũng cho biết ứng dụng này cũng không có nhiều dòng nhạc đa dạng của các ca sĩ tự do, chẳng hạn như hiện tượng mạng Hoa Vinh.
Một điểm mà nhiều người dùng cũng chỉ ra rằng, các ứng dụng nghe nhạc trong nước còn mang đến tính năng music video, cho người dùng nhiều tùy chọn thưởng thức âm nhạc, dù vẫn là tài khoản miễn phí. Và thực tế ứng dụng Spotify ở Việt Nam vẫn chưa có tính năng này, dù đây cũng chẳng phải là thế mạnh của hãng này.
Spotify hay nhưng...
Tất nhiên, chất lượng âm nhạc mà dịch vụ stream lớn nhất toàn cầu mang đến là điều không bàn cãi. Hầu như nhiều người dùng trên đều cho rằng, chất lượng âm nhạc của Spotify được kiểm duyệt rất tốt, chất lượng hơn cùng việc stream nhanh chóng. Tuy nhiên, ứng dụng này thực tế chỉ dành cho một phân khúc đối tượng khá nhỏ tại Việt Nam.
Thực tế bao năm qua tại Việt Nam, các dịch vụ stream âm nhạc chỉ sống được nhờ vào quảng cáo thay vì thu tiền dịch vụ như các thị trường khác trên thế giới. Hành vi tiêu dùng của người Việt đối với việc trả tiền để nghe nhạc trực tuyến được thể hiện rất rõ trong sự phát triển của mô hình kinh doanh dịch vụ này tại Việt Nam. Nhiều dịch vụ không sống nổi phải đóng cửa! Một chuyên gia trong ngành này cũng tiết lộ, số người dùng Việt mua tài khoản vip trả phí để nghe nhạc chiếm cực thấp và vô cùng nhỏ.
Đồng thời, một ứng dụng không có quá nhiều khác biệt thì việc kích cầu, móc hầu bao để chi tiêu sử dụng đều rất khó khăn tại Việt Nam. Chưa kể đối với người dùng trẻ, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên - những người có thể tiếp cận công nghệ nhanh chóng thì việc chi tiêu này cũng không hề đơn giản.
Có nhiều ý kiến cũng cho rằng, không chỉ người trẻ, người dùng Việt đã quá quen với việc miễn phí và thu nhập vẫn còn thấp nên họ ưu tiên hơn cho việc chi trả các hóa đơn nhu yếu phẩm phục vụ cuộc sống thay vì là dịch vụ nghe nhạc. Mặc dù mức độ chi tiêu của người trẻ Việt đã tăng lên rõ rệt cho những năm qua, theo bảng nghiên cứu thị trường của Nielsen, người dùng trẻ ở độ tuổi 21-34 tuổi ở Việt Nam chiếm 34% và trong 76% số đó có mức thu nhập cao họ có xu hướng mua sắm để nâng cấp cuộc sống hơn. Nhưng họ hầu như chỉ chi vào việc du lịch, mua sắm thời trang, mua sắm mặt hàng công nghệ...
Khảo sát nhanh trên Google Play, ứng dụng Spotify đã nhận rất ít sự quan tâm của người dùng Việt trong 1 tuần trở lại đây. Số lượng người đặt câu hỏi cũng như quan tâm về sản phẩm trong mục đánh giá rất ít và lác đác vài câu hỏi liên quan đến việc mong ít gặp quảng cáo hơn, thanh toán khó khăn với các thẻ ghi nợ... Trong khi chiều ngược lại tại các ứng dụng trong nước như Zing MP3, Nhaccuatui, mục đánh giá nhận rất nhiều bình luận của người dùng hàng ngày.
Bức tranh nhỏ như vậy cũng phần nào cho thấy, gã khổng lồ Spotify cũng rất chật vật khi về thị trường này và cũng thể hiện rõ nét hành vi tiêu dùng của người Việt cho các loại hình dịch vụ trực tuyến mới. Khi tháng đầu cho dùng thử, số lượng tăng theo cấp số nhân nhưng bắt đầu thu phí thì số lượng người dùng tụt không phanh, minh chứng thể hiện rất rõ qua các dịch vụ như Apple Music hay Netflix... khi lần đầu về Việt Nam.
Thiết nghĩ, Spotify cần có thêm nhiều thay đổi hơn để phù hợp với người dùng nơi đây nếu mong muốn chiếm lĩnh thị trường này. dù sao để thành công, gã khổng lồ Spotify cần rất nhiều thời gian và cả sự thay đổi nhưng sự xuất hiện của Spotify cũng là một dấu hiệu đáng mừng, để kích thích sự tăng trưởng cũng như nâng cao ý thức cho người dùng về lợi ích và trách nhiệm trong việc "Nghe có ý thức".
Gia Hưng