Microsoft cam kết đồng hành cùng Việt Nam chuyển đổi số
(Dân trí) - Microsoft cho biết đang hợp tác chặt chẽ với chính phủ Việt Nam trong tiến trình chuyển đổi số để trở thành một quốc gia thông minh, an toàn và bền vững hơn.
Chuyển đổi số không chỉ là xu thế công nghệ của các doanh nghiệp, mà còn mang đến cơ hội phát triển hùng cường cho cả quốc gia. Trên lộ trình này, Microsoft đã và đang thực hiện cam kết đồng hành cùng các chính phủ tiến vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.
Tại Việt Nam, Microsoft cho biết đang hợp tác chặt chẽ với Chính phủ triển khai mô hình 3 yếu tố cốt lõi “Xây dựng - Bảo vệ - Giáo dục” nhằm đưa Việt Nam trở thành một quốc gia thông minh, an toàn và bền vững hơn. Tập đoàn đã lên lộ trình chuyển đổi số sáng tạo và dài hạn, không chỉ mang lại sự ổn định kinh tế và bền vững xã hội cho đất nước mà còn đem tới nhiều dịch vụ cải tiến cho công dân.
Xây dựng quốc gia thông minh
Theo ông Anthony Salcito - Phó chủ tịch khối Giáo dục và Hành chính công của Microsoft Toàn cầu, xây dựng quốc gia thông minh bao gồm việc số hóa các dịch vụ công nhằm mang lại trải nghiệm tiện lợi hơn cho người dân. Để đạt được điều này, Microsoft đã chia sẻ bộ giải pháp “CityNext” cho các đô thị thông minh. Đây có thể coi là “xương sống” để Việt Nam số hóa các thành phố, xây dựng chính phủ điện tử, giải quyết bài toán giấy tờ hành chính, xử lý vấn nạn kẹt xe... thông qua đám mây công cộng.
Microsoft CityNext giúp các tổ chức chuyển đổi hầu hết hạ tầng công nghệ sang hệ thống mới. Giải pháp nắm vai trò chiến lược trong việc chuyển đổi thành công các “đô thị thông minh” ở New York, Mexico, London, Amsterdam, Barcelona, Singapore.. Trong nước, Microsoft đang tư vấn triển khai CityNext cho các thành phố lớn như TPHCM, Nha Trang, Đà Nẵng, Phú Quốc...
“Sứ mệnh của Microsoft là trao quyền cho mọi cá nhân và tổ chức trên toàn cầu đạt được nhiều thành tựu hơn. Để công nghệ phát huy sức mạnh giải phóng tiềm năng con người, chúng tôi bắt đầu từ những điều nhỏ giúp các sinh viên nâng cao kỹ năng số giải quyết các vấn đề thời đại, giúp các doanh nghiệp phân tích và kết nối dữ liệu để giải quyết các thách thức thị trường, và cuối cùng giúp chính phủ mang các dịch vụ số đến với mọi công dân”, ông Anthony nhấn mạnh.
Bảo vệ dữ liệu công dân, chính phủ
Theo Microsoft, Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia có tỷ lệ nhiễm mã độc cao nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương. Mã độc gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho công dân, doanh nghiệp cũng như quốc gia. Để ngăn chặn nguy cơ này, Việt Nam mới đây đã tham gia vào Chương trình An ninh Chính phủ (GSP) của Microsoft cùng với hơn 45 quốc gia khác.
Trong thỏa thuận, Microsoft cam kết hỗ trợ Việt Nam bảo vệ các cơ quan chính phủ, doanh nghiệp và công dân. Các chuyên gia an ninh mạng của Chính phủ sẽ nhận được thông tin độc quyền về việc lây nhiễm mã độc, hành động kịp thời nhằm ngăn chặn các rủi ro và hợp tác với đội an ninh bảo mật Microsoft vá lỗ hổng thông tin...
Ông Anthony cũng cho biết thêm: “Mục tiêu bảo vệ công dân cần bắt đầu từ trẻ nhỏ cho đến mọi công dân tiến bộ khắp đất nước. Chúng tôi không chỉ ra sức bảo vệ khối dữ liệu mà chính phủ đang xử lý, mà còn nỗ lực đảm bảo an toàn cho từng công dân”.
Gần đây, Microsoft đã hợp tác cùng Bộ Công an tạo ra ứng dụng mang tên Hotline 111 trên Android và iOS, nơi công dân có thể phát giác các vụ việc lạm dụng trẻ em giống như cách quay số 111 truyền thống. Năm 2019, Microsoft cũng tài trợ Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện dự án ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý rủi ro thảm họa thiên tai các cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Giáo dục công nghệ cho thế hệ tương lai
Là tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới, Microsoft luôn đề cao các hoạt động đào tạo giảng dạy và nâng cao kỹ năng cho thế hệ tương lai để không ai bị bỏ lại phía sau trong kỷ nguyên số hóa. Để xây nền tảng cho tương lai chuyển đổi số của Việt Nam, tập đoàn này đã tích cực trao quyền cho hàng triệu giáo viên và sinh viên thúc đẩy niềm đam mê công nghệ, giải phóng tiếng nói cá nhân và phát triển kỹ năng lao động sẵn sàng cho thế kỷ 21.
Hiện, tập đoàn đang phối hợp với các trường đại học triển khai chương trình giảng dạy trên nền tảng Microsoft Learn, cung cấp miễn phí khóa học về Microsoft Cloud Data Analytics AI... Microsoft cũng vừa ra mắt cuộc thi “Imagine Cup Junior” khám phá sức mạnh của AI cho học sinh các trường cấp 1 và 2. Tuần trước, một sáng kiến tương tự “Hour of Code” đã thu hút 700 triệu sinh viên trên toàn cầu tham gia.
24 năm gia nhập Việt Nam, Microsoft đã đồng hành hỗ trợ kỹ thuật, phần mềm, điện toán đám mây với tổng trị giá hơn 20 triệu USD cho Việt Nam. Bên cạnh đó, hỗ trợ ngân sách lên đến hơn 3 triệu USD cho hơn 100 tổ chức phi lợi nhuận trong nước để triển khai và nâng cao phát triển các hoạt động đào tạo kỹ năng số cho các mầm non tương lai, từ đó tạo tác động lớn hơn cho xã hội.
Tiêu biểu là chuỗi dự án YouthSpark đào tạo kỹ năng số cho 200.000 thanh thiếu niên và 1.700 giáo viên vùng khó khăn. Microsoft cũng phối hợp với Bộ Giáo dục Đào tạo đưa các khóa học dành cho giáo viên lên cổng thông tin học tập trực tuyến. Hàng năm, tập đoàn còn tổ chức diễn đàn Microsoft Exchange Education nhằm khuyến khích cộng đồng giáo viên tiến bộ ứng dụng công nghệ vào đổi mới sáng tạo trong giáo dục.
“Chúng tôi biết chắc chắn rằng, giá trị của lực lượng lao động nằm ở giáo dục mới có thể thúc đẩy và thay đổi tương lai. Microsoft cũng thấy được lợi ích học hỏi kinh nghiệm từ những đổi mới đang diễn ra trên khắp Việt Nam, hoàn thiện bản thân hơn để hỗ trợ các quốc gia khác trên thế giới. Chúng tôi mong muốn hợp tác với các quốc gia năng động, các chính phủ theo đuổi đổi mới nhằm nâng cao các dịch vụ của Microsoft”.
Chia sẻ về tầm nhìn dài hạn, ông Anthony cho biết Microsoft sẽ tiếp tục triển khai hàng loạt các sáng kiến mới trên cả 3 lĩnh vực “Xây dựng - Bảo vệ - Đào tạo” trong những năm tới. Với bề dày kinh nghiệm chuyên sâu về giải pháp công nghệ, đặc biệt là năng lực hàng đầu về hạ tầng, ứng dụng, dịch vụ đám mây (Cloud), trí tuệ nhân tạo (AI) cũng như xử lý dữ liệu lớn (Big Data) của Microsoft, Việt Nam sẽ vượt qua được các thách thức của cách mạng công nghệ 4.0.