Máy tính xách tay tăng tốc

Ở Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, chiếc máy tính xách tay đang dần thay thế máy tính để bàn. Đó chính là lý do các nhà sản xuất máy tính xách tay đang gia tăng hoạt động của mình trên thị trường đang ngày càng trở nên nóng bỏng này.

Khi mà cả thế giới đang cuốn theo trào lưu di động, thì hầu hết các sản phẩm kỹ thuật số di động đều tỏ ra chiếm ưu thế trên thị trường. Lấy ví dụ, trong ngành viễn thông chẳng hạn, ĐTDĐ chỉ cần 10 năm đã có số lượng bán ra bằng 100 năm của điện thoại cố định và hiện ở hầu hết các nước trên thế giới, số lượng thuê bao ĐTDĐ đang cao hơn số lượng thuê bao điện thoại cố định. Trường hợp của điện thoại cũng đang diễn ra với máy tính.

 

Tương lai sáng

 

Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC (International Data Corporation), doanh số bán ra của máy tính xách tay trên toàn cầu đạt mức kỷ lục trong quý II. Thị trường máy tính đã tăng trưởng 18% trong quý II/2005, đạt 47,5 triệu chiếc. Trong đó, laptop chiếm 30%, khoảng 14,3 triệu chiếc, máy tính để bàn 31,6 triệu chiếc, còn lại là các thiết bị khác. IDC dự đoán số lượng máy tính xách tay sẽ đạt ngưỡng 50% trên tổng số máy tính cá nhân bán ra vào năm 2008.

 

Tại Việt Nam, trường hợp này chưa diễn ra, nhưng các chuyên gia cũng cho rằng việc máy tính xách tay sẽ thay thế máy tính để bàn tại Việt Nam là không tránh khỏi. Theo thống kê của GFK, 6 tháng đầu năm 2005, lượng máy tính xách tay tiêu thụ tại Việt Nam ước đạt 28.500 chiếc, tăng đến 92% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, máy tính để bàn chỉ tăng 32% (khoảng 232.000 chiếc), nhưng nhìn vào mức độ tăng trưởng giữa laptop và máy tính để bàn thì rõ ràng tương lai của máy tính xách tay tại Việt Nam đang rất sáng sủa.

 

Ngoài nhu cầu sử dụng máy tính khi di chuyển ngày càng cao của người dùng, thì một trong những nguyên nhân đã và sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường máy tính xách tay tại Việt Nam là hầu hết các nhãn hiệu máy tính xách tay lớn trên thế giới đều đã tham gia thị trường Việt Nam, nhiều năm qua có Acer, Apple, HP (bao gồm cả Compaq), IBM, Toshiba, Sony, mới đây có BenQ, Dell... Các hãng này đã đưa vào Việt Nam các sản phẩm máy tính xách tay, từ những máy cấp thấp đến các model máy được tích hợp các công nghệ tiên tiến nhất như Centrino, Sonoma... với giá sản phẩm từ 700 USD đến vài ngàn USD.

 

Điều này tạo điều kiện cho khách hàng có nhiều lựa chọn khác nhau theo nhu cầu cũng như khả năng kinh tế của họ. Cũng xin nhấn mạnh là trào lưu máy tính xách tay giá dưới 1.000 USD tại Việt Nam đang diễn ra hết sức nhanh chóng, với sự tham gia của hầu hết các nhãn hiệu và được thị trường đón nhận khá tích cực, dù đa số các sản phẩm giá dưới 1.000 USD đều không phải là những model cao cấp.

 

Trào lưu lắp ráp máy tính xách tay?

 

Giữa tháng 8/2005, Intel và G.C.C- một nhà lắp ráp trong nước cùng các nhà sản xuất linh kiện và phần mềm nổi tiếng thế giới là Microsoft, Seagate, Crucial và Targus đã công bố một dự án mới và lần đầu tiên có tại Việt Nam, chương trình mang tên lắp ráp máy tính xách tay theo đơn đặt hàng - build-to-order. Điều này một lần nữa cho phép người dùng tự lựa chọn cấu hình theo nhu cầu để có mức giá cho sản phẩm tối ưu nhất.

 

Ngoài ra trong chương trình build-to-order, G.C.C sẽ trở thành một kênh, một tổng đại lý tiếp nhận các yêu cầu của các nhà lắp ráp nội địa trong việc cung cấp linh kiện để lắp ráp máy tính xách tay. Để có các linh kiện với giá thành tốt nhất, theo đúng yêu cầu của nhà lắp ráp thì các nhà sản xuất nước ngoài thường yêu cầu đơn vị đặt hàng phải mua với số lượng lớn.

 

Tại Việt Nam, vừa qua, một trong những nguyên nhân chính khiến cho thị trường này chưa phát triển là do các nhà lắp ráp trong nước không có khả năng đặt hàng với số lượng lớn, chính vì vậy linh kiện được nhập về có thể chưa có được giá tối ưu. Đó là chưa kể việc với đơn đặt hàng số lượng nhỏ, khả năng OEM (sản xuất theo đơn đặt hàng) cũng không thể xảy ra. Dẫn đến việc kiểu dáng của các sản phẩm máy tính xách tay lắp ráp thường na ná giống nhau và không được trau chuốt cho lắm. Giải pháp có một tổng đại lý như trong chương trình build-to-order có vẻ như rất khả quan, nó giải quyết được vấn đề số lượng sản phẩm trong mỗi đơn đặt hàng.

 

Việc các linh kiện chính cấu thành nên máy tính xách tay như bộ xử lý, RAM, ổ cứng, pin... đều đã được chuẩn hoá, chính vì vậy việc lắp ráp máy tính xách tay ngày càng trở nên đơn giản, điều này giúp nhà lắp ráp dễ dàng tiến hành xây dựng một hệ thống máy tính xách tay theo yêu cầu.

 

Thị trường đang phát triển, các nhà sản xuất linh kiện chính hỗ trợ mạnh, công nghệ ngày càng được chuẩn hoá... chính là những lý do khiến các chuyên gia trong lĩnh vực máy tính cho rằng, trong thời gian tới rất có thể trào lưu máy tính xách tay sẽ hình thành tại Việt Nam, tất nhiên trào lưu này tạm thời chỉ dừng ở mức độ các công ty sản xuất máy tính chứ chưa thể, thậm chí là các cửa hàng và cá nhân lắp ráp như trường hợp của máy tính để bàn.

 

Theo Sơn Hà

Sài Gòn tiếp thị