Máy tính bảng cho người khiếm thị sắp không còn là chuyện viễn tưởng

(Dân trí) - Các nhà khoa học của Trường Đại học Michigan (Mỹ) đang phát triển một công nghệ màn hình mang tính cách mạng, có thể hiển thị kiểu chữ nổi, cho phép người mù có thể sử dụng các thiết bị di động thông minh.

Các nhà khoa học của trường Đại học Michigan vừa giới thiệu nguyên mẫu của chiếc máy tính bảng với màn hình có khả năng hiển thị chữ nổi Braille để cho phép người khiếm thị có thể đọc các nội dung hiển thị trên màn hình.

“Hãy tưởng tượng một chiếc máy tính bảng không phải với giao diện trực quan mà thay vào đó là bề mặt xúc giác có thể đọc được bởi người khiếm thị, sử dụng kiểu chữ Braille”, Phó Giáo sư âm nhạc và thông tin của trường Đại học Michigan, bản thân cũng là một người bị khiếm thị, trưởng nhóm nghiên cứu giải thích về công nghệ mới.

 

Các điểm ảnh trên màn hình có thể hiển thị nổi lên để xuất hiện dưới dạng chữ nổi Braille, giúp người khiếm thị có thể đọc được nội dung trên màn hình
Các điểm ảnh trên màn hình có thể hiển thị nổi lên để xuất hiện dưới dạng chữ nổi Braille, giúp người khiếm thị có thể đọc được nội dung trên màn hình

 

Công nghệ màn hình này sử dụng chất lỏng hoặc khí nén để hiển thị một loạt các bong bóng nổi trên màn hình để hiển thị các nội dung chữ nổi Braille. Những điểm nổi này sẽ tự động thay đổi để phù hợp với nội dung muốn hiển thị trên màn hình sản phẩm.

Trên thực tế, màn hình hiển thị chữ nổi có thể tự thay đổi đã từng xuất hiện trước đó. Tuy nhiên O’Modhrain cho biết những màn hình này chỉ có thể hiển thị một dòng văn bản trong một thời điểm và có mức giá thành rất tốn kém. Những màn hình này thường có mức giá từ 3.000 đến 5.000USD cho mỗi dòng hiển thị và để có một màn hình có khả năng hiển thị đầy đủ một trang chữ nổi thì phải tốn đến 55.000USD.

Do công nghệ màn hình chữ nổi của trường Đại học Michigan không dựa trên điện tử mà sử dụng công nghệ chất lỏng hoặc khí nén nên giá thành sẽ rẻ hơn rất nhiều. Ngoài ra, màn hình đầy đủ sẽ cho phép chiếc máy tính bảng của Đại học Michigan có thể hiển thị được nội dung đa dạng, phong phú hơn.

“Những thiết bị điện tử có khả năng hiển thị chữ nổi hiện chỉ cho phép người khiếm thị đọc được từng hàng nội dung. Điều này là rất bất tiện và rất khó để đọc cũng như tiếp thu đầy đủ nội dung của văn bản”, Alexander Russomanno, sinh viên tốt nghiệp và trợ lý nghiên cứu dự án của trường Đại học Michigan cho biết. “Bên cạnh đó, những màn hình này sẽ không thể hiển thị những nội dung như hình ảnh, bảng tính hoặc các nội dung cần có không gian rộng để hiển thị”.

O’Modhrain ước tính sẽ phải mất 5 đến 7 năm trước khi sản phẩm sử dụng màn hình công nghệ mới mà mình đang nghiên cứu sẽ có mặt trên thị trường.

“Chúng tôi đang phát triển các thành phần cấp thấp hơn để tạo cơ sở cho công nghệ hiển thị mới này”, Phó Giáo sư O’Modhrain chia sẻ. “Công nghệ này cũng tương tự như việc các điểm ảnh được hiển thị bằng các điểm nổi thực sự trên màn hình”.

O’Modhrain cho biết sau khi công nghệ màn hình này hoàn tất phát triển sẽ tìm một đối tác phần cứng sẵn sàng áp dụng công nghệ mới này vào các thiết bị của họ để mang sản phẩm đến tay người dùng khiếm thị trên toàn cầu.

Máy tính bảng có khả năng hiển thị chữ nổi Braille dành cho người khiếm thị

 

T.Thủy