Mày mò game di động
Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, làm việc ở nơi đâu, vị trí gì, đối với Đỗ Gia Cường, 28 tuổi, đều chỉ có một ý niệm duy nhất: làm việc hết sức mình và không chấp nhận thất bại, không chấp nhận sự trắng tay.
Tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội, sau 2 năm làm nhăng nhít, chán, Cường lao vào chiến dịch "săn" tìm việc mới. Và anh trúng tuyển vào chương trình Thẻ Vàng tuyển kỹ sư IT đi làm việc ở Hàn Quốc. Tháng 1202002 anh bắt đầu hành trình lập nghiệp đầy gian khổ nhưng không kém phần thú vị.
Gian nan xứ người
Ngày đầu tiên qua Hàn Quốc, đến trình diện sếp Hàn, anh… choáng. Trái ngược với sự tưởng tượng khi ở Việt Nam và với hình ảnh hào nhoáng trên website: quy mô và trụ sở nơi anh làm việc nhỏ bé, cũ kỹ, bụi bặm và chỉ có ba nhân sự: ông sếp, anh và một người Việt Nam nữa. Phải đành chịu thôi. Có một điều làm anh an ủi là tốc độ truy cập internet ở đây rất nhanh. Rồi sếp giao việc: viết phần mềm trò chơi trên điện thoại, một việc hoàn toàn mới mẻ với anh. Thử thách thật sự bắt đầu. Hai tuần làm theo hướng dẫn trong sách. Sau đó anh chính thức nhận dự án đầu tiên.
Đó là một trò chơi với nhân vật chính là anh đầu bếp chiến đấu với kẻ thủ bằng những thức ăn của mình làm ra và những hạt tiêu. Viết xong chương trình, việc tải lên máy chủ thì quá dễ, nhưng lấy xuống máy điện thoại lại vướng lên vướng xuống, lỗi ngang lỗi dọc. Tải lên điện thoại chỉ hiện lên mỗi cái menu chính, còn cứ chọn vào các chức năng sâu hơn của menu là máy treo. Vậy là lại phải xoay tới xoay lui sửa mã chương trình, học cách giải phóng bộ nhớ, cách nạp hình ảnh, cách phân bố cắt ghép hình ảnh sao cho phù hợp nhất. Anh học được thêm nhiều điều.
Đến dự án thứ hai thì anh học được bài học xương máu. Sau gần 2 tháng viết, trò chơi về cơ bản đã hoàn thành nhưng nó chiếm dung lượng tới 29KB trong khi yêu cầu của phía đối tác chỉ có 21KB. "Tôi chặc lưỡi tự an ủi, biết đâu người ta đưa ra yêu cầu 21KB chỉ để nhắc nhở mình, còn thực tế có thể "cao su" vài KB được, thế là cứ đường hoàng gửi đến khách hàng phiên bản đầu tiên" - anh kể.
Để rồi ngày hôm sau, khách hàng gửi email lại với một danh sách chi chít các lỗi và các vấn đề, trong đó nhấn mạnh kích thước quá lớn - không thể nạp vào máy. Thế mới biết khi làm việc không thể đại khái, cho qua được. Anh cố sửa nhưng mọi việc dường như vượt ngoài khả năng. Thế là anh lại "quảy ba lô" đến công ty đối tác "xịn hơn" để học thêm về nghề nghiệp và sửa những lỗi của dự án đó.
"Tôi đã gần như thức trọn 7 ngày 7 đêm để học kinh nghiệm và hoàn tất dự án. Từ đây, tôi học được từ những người bạn Hàn Quốc của mình một phong cách làm việc chuyên nghiệp, bất kể giờ giấc và đâu ra đó"- anh chia sẻ. Rồi anh bắt đầu với dự án thứ 3, 4, 5, 6…
Ngày về
Thế nhưng mọi việc không xuôi chèo mát mái như mọi người vẫn nghĩ. Đến gần tháng thứ 6 anh làm việc tại Hàn Quốc thì một biến cố lớn xảy ra. Số là Chính phủ Hàn Quốc có tài trợ trả lương cho những doanh nghiệp sử dụng nhân viên theo chương trình Thẻ vàng trong 6 tháng đầu. Nhiều doanh nghiệp lợi dụng điều đó để tuyển người rồi đến tháng thứ 6 cho nghỉ, tuyển người mới vào làm mà không phải mất một đồng nào. Và anh không thoát khỏi quy luật đó: bị chủ cho nghỉ việc. Với 6 tháng làm việc ít ỏi, anh chỉ mới tích cóp được vài ngàn đô la. Không chấp nhận việc trở về nước với gần như hai bàn tay trắng, anh quyết định xin ở lại và bắt đầu lại từ con số 0.
Anh vào net tìm việc. Tiếng Hàn Quốc thì không biết, mà tiếng Anh thì ở Hàn Quốc ít người sử dụng. Số tiền dành dụm trong 6 tháng đầu làm việc dần tiêu hết. Anh phải bán cả tài sản cuối cùng là cái vé máy bay khứ hồi bay về Việt Nam với giá 500 đô la. Qua net biết được ở Hàn Quốc có hơn 300 công ty tuyển lập trình viên viết game cho điện thoại di động, anh gửi đơn xin việc đến các công ty đó. Tất cả đều từ chối. May thay có một công ty tương đối lớn, ông sếp biết tiếng Anh, thế là anh được nhận vào làm cho đến hơn một năm thì có cuộc thi Mobile Game năm 2004 ở Việt Nam.
"Tôi hăm hở tham gia cuộc thi, mong muốn góp phần nhỏ bé của mình khuấy động lên thị trường làm game và chơi game trên điện thoại còn đang khá im lìm trong nước. Suốt hơn hai tháng, sáng đi làm, tối về viết trò chơi đến tận khuya nhưng tôi rất vui" - anh tâm sự. Và trò chơi Người đưa thư của anh đã đoạt giải nhất. Lúc này vừa hết hạn đi xuất khẩu lao động, anh quyết định quay về nước và làm việc ở một công ty chuyên viết game cho điện thoại của Pháp.
Anh tâm sự: "Mong ước lớn nhất của tôi là đem được sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng Việt Nam. Thị trường Việt Nam đang rất có tiềm năng và tôi tin rằng một thị trường game mobile made in VietNam với những nét rất Việt sẽ dần được hình thành trong một ngày không xa".
Theo Sài Gòn tiếp thị