1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Mất hơn 300 triệu đồng vì trò lừa đảo quen thuộc trên mạng

Thế Anh

(Dân trí) - Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra những lợi ích rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của nạn nhân.

Theo báo cáo từ Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, Công an phường Khương Thượng, quận Đống Đa gần đây đã nhận được đơn trình báo của chị L. (SN 2000, tại tỉnh Thanh Hóa) về việc bị lừa hơn 300 triệu đồng khi làm cộng tác viên online cho một công ty thẩm mỹ viện.

Mất hơn 300 triệu đồng vì trò lừa đảo quen thuộc trên mạng - 1

Vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online đã diễn ra trong thời gian dài (Ảnh: Cục ATTT).

Chị L. cho biết đã nhận được đường link làm nhiệm vụ cùng cam kết được hưởng hoa hồng của công ty. Với lời mời chào hấp dẫn, chị L. đã chuyển 330 triệu đồng nhưng không rút được tiền. Lúc này, chị mới biết mình bị lừa và đến cơ quan công an trình báo.

Trên thực tế, vấn nạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức tuyển cộng tác viên làm việc online tại nhà, việc nhẹ lương cao đã diễn ra tại Việt Nam trong thời gian dài.

Các đối tượng lừa đảo thường đưa ra những lợi ích rất hấp dẫn, đánh vào tâm lý muốn kiếm tiền nhanh của nạn nhân. Kẻ gian sẽ cam kết rằng người làm nhiệm vụ sẽ được hưởng lãi suất cao.

Trước đó vào giữa tháng 2, Công an quận Tây Hồ đã tiếp nhận đơn trình báo của anh T. (SN 1970, ở Tây Hồ, Hà Nội) có lên mạng xã hội làm cộng tác viên bán hàng online. Tại đây, Anh T. đã đóng 560 triệu đồng để làm nhiệm vụ thanh toán đơn hàng nhưng không rút được tiền ra.

Khi thanh toán các đơn hàng đầu tiên có giá trị nhỏ, nạn nhân vẫn sẽ được hưởng hoa hồng. Tuy nhiên, đến đơn hàng có giá trị cao hơn, các đối tượng lừa đảo sẽ chiếm đoạt số tiền và biến mất.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần hết sức cảnh giác và tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu. Đây không phải thủ đoạn mới, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác, sập bẫy chiêu trò này.

"Khi làm cộng tác viên thanh toán đơn hàng cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác", Cục An toàn thông tin cảnh báo.

Mất hơn 300 triệu đồng vì trò lừa đảo quen thuộc trên mạng - 2

Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào (Ảnh: CNN).

Bên cạnh chiêu trò lừa đảo làm việc nhẹ lương cao, kẻ gian còn có thể sử dụng nhiều hình thức khác như gửi tin nhắn lừa đảo hoàn thuế, giả danh công an lừa cài đặt ứng dụng dịch vụ công giả mạo,...

Vì thế, người dân cần chủ động nâng cao cảnh giác, đồng thời tìm hiểu và trang bị cho bản thân những kiến thức để tự bảo vệ mình trên môi trường mạng xã hội đầy phức tạp như hiện nay.

"Người dân tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân cho bất cứ ai thông qua bất kể hình thức nào. Việc lộ lọt thông tin sẽ dẫn đến nhiều hậu quả đáng lo ngại.

Khi có cuộc gọi lạ hoặc tiếp xúc với hội nhóm cung cấp dịch vụ trên mạng xã hội, tuyệt đối không thực hiện giao dịch chuyển tiền cho đối tượng khi chưa tìm hiểu và xác minh danh tính của đối tượng đó", Cục An toàn thông tin cho biết.