Người dùng kêu trời vì bị cuộc gọi rác "hành hạ"

Thế Anh

(Dân trí) - Việc chuẩn hóa thông tin với các thuê bao có thể hạn chế cuộc gọi lừa đảo, nhưng không đồng nghĩa cuộc gọi rác đã được loại bỏ.

Người dùng kêu trời vì bị cuộc gọi rác hành hạ - 1

Việc chuẩn hóa thông tin với các thuê bao có thể hạn chế cuộc gọi lừa đảo, nhưng không đồng nghĩa cuộc gọi rác được loại bỏ (Ảnh: Thế Anh).

Quấy rối bất kể thời gian

Vấn nạn cuộc gọi rác vẫn luôn là vấn đề gây bức xúc cho người dùng di động tại Việt Nam. Nhiều người bày tỏ sự bức xúc khi liên tục bị làm phiền bởi những cuộc gọi không mong muốn với nội dung mời chào vay tiền, môi giới, giới thiệu sản phẩm, hay thậm chí là lừa đảo.

"Hai tuần gần đây, ngày nào tôi cũng phải nhận 3-4 cuộc gọi rác, đặc biệt là vào buổi chiều. Những cuộc gọi này đến từ cả đầu số cố định và di động, chặn cũng không hết", chị Nhật Linh, một nhân viên văn phòng tại quận Bình Thạnh, TPHCM, phàn nàn.

Theo chị Linh, nhiều cuộc gọi tới từ những số điện thoại rất "đẹp", nên chị không ngờ đó là cuộc gọi rác.

"Do đặc thù công việc thường xuyên di chuyển trên đường, mỗi lần muốn nghe điện thoại tôi đều phải dừng xe và tấp vào lề. Tuần qua, tôi đã nhận rất nhiều cuộc gọi mời chào đầu tư tiền ảo hay làm việc online kiếm tiền tại nhà.

Tôi không dám từ chối những cuộc gọi từ số lạ vì đó có thể là những cuộc gọi từ khách hàng. Tuy nhiên, việc có quá nhiều cuộc gọi rác đã ảnh hưởng rất lớn đến công việc của tôi", anh Mạnh Hưng, một tài xế công nghệ tại TPHCM, chia sẻ.

Chị Hải, một nhà báo tại Hà Nội chia sẻ: Chị nhận được các cuộc gọi mời chào dịch vụ vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, có thể là đầu giờ sáng, giữa trưa, thậm chí tối muộn.

"Nhiều nhất là các dịch vụ về chứng khoán, bảo hiểm. Nhà tôi có con nhỏ. Có hôm tới gần 22h, tôi vừa cho con thiu thiu ngủ để tranh thủ làm việc thì điện thoại để trên bàn rung lên vì có cuộc gọi tới khiến thằng bé giật mình tỉnh giấc. Bên kia là cuộc gọi từ sàn chứng khoán mời chào dịch vụ", chị Hải bức xúc.

Chung niềm bức xúc, anh Nguyễn, một người dùng cho biết, khi nhận được cuộc gọi từ số lạ, chào mời dịch vụ, anh đều phản hồi tới nhà mạng "nhấn phím 1 để báo cáo cuộc gọi làm phiền", song dường như việc này là vô nghĩa vì cuộc gọi rác vẫn ngày một dày lên.

"Trung bình mỗi ngày tôi nhận 5-7 cuộc gọi rác. Lúc đầu tôi còn nghe máy, sau nhấc máy lên thấy đầu dây bên kia chào câu quen thuộc 'em chào anh chị' là tôi tắt máy luôn", anh Nguyễn chia sẻ.

Không thể ngăn chặn triệt để cuộc gọi rác?

Năm 2023, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã yêu cầu các nhà mạng thực hiện chuẩn hóa thông tin thuê bao, nhằm loại bỏ SIM rác, SIM không chính chủ ra khỏi hệ thống. Sau đợt truy quét trên diện rộng, có tổng số 19,6 triệu thuê bao có thông tin không trùng khớp đã bị xử lý.

Tuy vậy, vấn nạn cuộc gọi rác vẫn chưa kết thúc. Trên thực tế, SIM rác không hoàn toàn là nguồn gốc của những cuộc gọi quấy rối, chào bán hay giới thiệu dịch vụ. Ngay cả SIM "chính chủ" cũng có thể là nguyên nhân gây ra tình trạng này.

Đây là nhận định của ông Phạm Đức Long, Thứ trưởng Bộ TT&TT, tại cuộc họp diễn ra vào tháng 9/2023. Theo ông Long, nguyên nhân của thực trạng này một phần là bởi hoạt động telesale hay tiếp thị từ xa qua điện thoại.

"Đây là một nghề, là marketing. Vì thế, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới đều đang phải chịu vấn nạn này. Và ngay cả khi đã chặn hết SIM rác, vẫn sẽ xuất hiện những cuộc gọi quấy nhiễu, lừa đảo. Chúng ta cần phân biệt rõ 2 khái niệm này", Thứ trưởng Long nhận định.

Đại diện nhà mạng VNPT cho biết SIM rác thường được sử dụng trong cuộc gọi rác và cuộc gọi lừa đảo. Việc chuẩn hóa thông tin với các thuê bao có thể hạn chế cuộc gọi lừa đảo.

Tuy nhiên, các cuộc gọi rác như quảng cáo, tiếp thị, mời chào sản phẩm dịch vụ sẽ chưa bị loại bỏ vì về bản chất loại hình này không phải là loại hình cần che giấu thông tin.

"Khác với các cuộc gọi lừa đảo, các cuộc gọi rác hiện nay thậm chí còn chủ động cung cấp thông tin về công ty, tổ chức đang thực hiện cuộc gọi để mời chào người dùng tham gia sử dụng dịch vụ của họ. Điển hình trong đó là các cuộc gọi mời đầu tư, chứng khoán, bất động sản, du lịch, học ngoại ngữ", đại diện VNPT chia sẻ.

Nhà mạng này cũng cho biết đã triển khai các hệ thống phát hiện tin nhắn rác, rà soát nghi ngờ thuê bao thực hiện cuộc gọi rác để đưa vào khảo sát và thực hiện khóa. Đồng thời, khi nhận được cuộc gọi rác, cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, người dân cũng được khuyến cáo liên hệ tới đầu số 156 để phản ánh.

Phóng viên Dân trí cũng đã liên hệ với nhà mạng Viettel để tìm hiểu việc nhà mạng ngăn chặn vấn nạn cuộc gọi rác. Dân trí sẽ tiếp tục cập nhật thông tin này.