M-Commerce và những lợi thế từ thiết bị di động
(Dân trí) - Thị trường thương mại điện tử đã chuyển dịch từ xu hướng E-Commerce sang M-Commerce, tức thương mại di động. Với những kinh nghiệm từ “chiến trường” quốc tế, các thương hiệu quốc tế đang cho thấy khả năng bứt tốp trên thị trường này.
M-Commerce và những lợi thế từ thiết bị di động
Nếu như những năm trước đây nhắc đến thương mại điện tử tức là nhắc đến E-Commerce với các hoạt động mua bán, giao dịch, trao đổi được thực hiện trên máy tính. Còn hiện nay, khái niệm M-Commerce hay Thương mại di động được cho xu hướng tất yếu. Về bản chất M-Commerce không khác gì E-Commerce khi các giao dịch vẫn được thực hiện giữa người mua và người bán. Sự khác nhau ở đây chính là sự gắn kết của chiếc điện thoại với con người đang tạo ra một tiềm năng rất lớn đối với thị trường M-Commerce.
M-Commerce là quá trình tìm kiếm, so sánh, mua - bán, trao hàng hóa, dịch vụ và thông tin bằng thiết bị di động như điện thoại thông minh, máy tính bảng, PDA …qua Internet không dây. M-Commerce có những lợi thế vượt trội như di động, kết nối thuận tiện, cập nhật theo thời gian thực, tiết kiệm thời gian…
Lợi thế từ M-Commerce được các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt đó chính là khả năng “định vị địa điểm”, và “định danh người dùng”, tức các doanh nghiệp có thể thu thập thông tin người dùng một cách chuẩn xác nhất, và người dùng có thể thu thập thông tin về các dịch vụ, sản phẩm ngay địa điểm mình đang có mặt thông qua ứng dụng mua bán theo mô hình B2C (Business to Customer), điển hình như các ứng dụng đặt nhà hàng, khách sạn, đặt món ăn…
Thương mại di động M-Commerce cũng đã nhanh chóng phát triển trong khu vực Châu Á, trong đó hai thị trường năng động là Thái Lan và Trung Quốc. Là đất nước đông dân nhất thế giới với 1,3 tỷ dân, Trung Quốc có 618 người sử dụng internet và hơn 80% trong số đó sử dụng internet bằng di động, tức khoảng 500 triệu người. Theo dự đoán, trong năm 2014, M-Commerce tại thị trường Trung Quốc sẽ đạt mức tăng trưởng 91,1%, gần đạt 52 tỷ USD doanh thu.
Tại Việt Nam, theo số liệu của Flurry Analytics Report 2013, Việt Nam đã trở thành quốc gia có lượng tăng trưởng người dùng di động nhanh nhất trên thế giới với 266%, chỉ sau Columbia với 278%. Cũng theo báo báo mới công bố của Nielsen, Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia Đông Nam Á về số người thường xuyên mua sắm trực tuyến trên thiết bị di động, chiếm 58%.
Ngoài ra, dựa vào thống kê của U.S. Census Bureau, tới tháng 1 năm 2014 hiện 34% dân số Việt Nam truy cập internet qua các thiết bị di động, tương đương 90% tổng số người dùng Internet. Thời gian online bằng các thiết bị di động hiện chiếm 1/3 tổng thời gian online cả ngày và 60% số người được hỏi có thực hiện giao dịch mua sắm bằng chính điện thoại thông minh và máy tính bảng của mình. Lượng truy cập từ thiết bị di động được dự đoán sẽ vượt mặt các thiết bị để bàn và laptop trong năm 2014.
Cuộc chạy đua của các ông lớn
Cùng với đó tại Việt Nam hiện đang có sự góp mặt đầy đủ các lĩnh vực đầu tầu trên nền tảng di động như tin tức, mạng xã hội, game, dịch vụ chat, dịch vụ thanh toán trực tuyến…Đây chính là những yếu tố cần và đủ góp phần đưa Việt Nam trở thành thị trường di động tiềm năng nhất tại khu vực Đông Nam Á.
Mua sắm trên di động đang trở thành xu hướng hiện nay.
Tận dụng các ưu thế này, nhiều doanh nghiệp đã đưa ra những chiêu độc đáo để thu hút người dùng nói chung và đặc biệt là giới trẻ, vốn luôn yêu thích những trải nghiệm mới lạ. Điều này lý giải cho tốc độ tăng trưởng chóng mặt của Thương mại di động trên thế giới và Việt Nam không phải là một ngoại lệ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tên tuổi lớn của TMĐT nội còn khá chập chững khi bước sang nền tảng di động. Trong khi đó, liên tiếp các nhà đầu tư nước ngoài đã, đang và chuẩn bị gia nhập thị trường TMĐT Việt Nam như: Rocket Internet, Google, Amazon, Rakuten, Alibaba…
Ứng dụng nhắn tin khá quen thuộc với người dùng Việt Nam là Viber vừa được tập đoàn Rakuten - Nhật Bản mua với giá 900 triệu USD. Giám đốc điều hành Rakuten khẳng định, việc mua lại ứng dụng này sẽ giúp họ mở rộng việc kinh doanh nội dung số tới các thị trường mới nổi. Cùng với sự kiện chính thức khai trương VP đại diện tại Tp Hồ Chí Minh, Viber hứa hẹn sẽ không đứng ngoài xu thế phát triển TMĐT trên di động ở Việt Nam.
Một cái tên kinh doanh trực tuyến khác là Tiki vừa gọi thành công vốn đầu tư từ Quỹ Đầu tư Sumitomo (Nhật), sau lần rót vốn của quỹ đầu tư mạo hiểm khác cũng của Nhật là CyberAgent Ventures. Giá trị thương vụ được ước đoán từ 2-3 triệu USD. Tiki đã cú lột xác ngoạn mục từ một nhà phân phối sách ngoại văn trở thành một trang TMDT với 9 ngành hàng khác nhau và được ví như một Amazon.com của Việt Nam.
Nổi lên trong những “ông lớn” trên thị trường thương mại điện tử là thương hiệu Lazada của tập đoàn Rocket Internet đến từ Đức. Công ty này vừa được rót vốn vòng hai với tổng giá trị 250 triệu USD. Hiện Lazada có tốc độ phát triển nhanh nhất tại Việt Nam cũng như tại Đông Nam Á với 1,5 triệu lượt truy cập/ngày.
Ứng dụng Lazada đã được giới thiệu tới người dùng từ giữa năm 2013 và tới nay đã chạm mốc 1 triệu lượt tải về với hơn 50,000 reviews, và xếp hạng bình quân là 4.2 trên mốc 5 “sao” trên 3 hệ điều hành di động chính là iOS, Android và Windows Phone.
Hướng tới phát triển những tính năng mới, tiện ích để gắn kết chặt chẽ hơn với cộng đồng người dùng các ứng dụng nhắn tin di động OTT tại Việt Nam, từ đầu năm 2014 đến nay, một số doanh nghiệp ngoại như Lazada đã “tiếp cận” tới các đối tượng khách hàng là những người dùng ứng dụng Line, Zalo và Viber.
Với các yếu tố thuận lợi từ thị trường và đặc biệt là kinh nghiệm phát triển tại các nước trong khu vực, như Lazada được dự đoán là cái tên sáng giá nhất sẽ bứt tốp dẫn đầu trong lĩnh vực M-Commerce tại Việt Nam, như vị trí mà thương hiệu này đang củng cố vững chắc tại một loạt quốc gia Đông Nam Á.
Hải Anh