Lý do vì sao Nokia Lumia không “lên đời” Windows Phone 8
(Dân trí) - Tuần trước, Microsoft đã khiến giới công nghệ “ngất ngây” vì 2 màn trình diễn ra mắt máy tính bảng Surface và hệ điều hành Windows Phone 8. Tuy nhiên, tin buồn là những khách hàng đã mua điện thoại Lumia của Nokia sẽ không thể nâng cấp lên nền tảng mới này.
Vậy tại sao Micosoft lại không cho phép những người dùng đầu tiên và là những người trung thành với nền tảng của mình được sử dụng phần mềm di động mới nhất với nhiều tính năng đẳng cấp nhất? Lý do thực tế rất đơn giản: bởi vì Windows Phone 8 không phải là hệ điều hành mà khách hàng đang sử dụng. Mặc dù Windows Phone 8 giống với Windows Phone 7 về cả giao diện và chức năng, nhưng mọi thứ đã thay đổi từ “gốc rễ”.
“Giải thích một cách đơn giản rằng trước đây bạn dùng điện thoại để chạy các ứng dụng, chương trình, nhưng nay bạn sở hữu máy tính có thể thực hiện các cuộc gọi”, Greg Sullivan, Giám đốc marketing bộ phận Windows Phone của Microsoft, cho biết. “Đây là một sự thay đổi cơ bản về kiến trúc”.
Windows Phone đã được viết lại mã từ căn bản cho phiên bản 8. Hệ điều hành Windows Phone 7 và các bản nâng cấp sau đó (trước bản 8) vẫn dựa trên nền tảng Windows CE, là hệ điều hành di động trước đó của Microsoft. Windows CE về cơ bản cũng là nền tảng Windows Mobile, là hệ điều hành thế hệ trước Windows Phone 7.
Tuy nhiên, Microsoft đã cố “xoa dịu” người dùng Windows Phone hiện tại bằng cách cho phép điện thoại Lumia có thể nâng cấp lên phiên bản Windows Phone 7.8, và giao diện sẽ được thiết kế lại để giống Windows Phone 8, với màn hình chính có thể tùy biến. Microsoft khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ hệ điều hành Windows Phone 7.
“Nokia đang làm được điều mà chúng tôi mong đợi, tạo ra một làn gió mới cho nền tảng Windows Phone. Chúng tôi sẽ vẫn tiếp tục đầu tư vào dòng điện thoại Lumia, sẽ bổ sung thêm nhiều chức năng và tính năng mới”, ông Sullivan nhấn mạnh.
Vậy liệu có phải Microsoft “bó tay”, không tìm được cách nào để cho phép các điện thoại Lumia cũ chạy Windows Phone 8 bởi về phần cứng vẫn hoàn toàn tương thích, cùng sử dụng chip Intel hỗ trợ trên cả Windows PC và Mac.
Thực tế thì có thể, ông Sullivan cho biết. Tuy nhiên, chi phí để làm được điều này là quá đắt đỏ, trong khi lợi ích đạt được quá ít. Rất nhiều chức năng mới trong Windows Phone 8 yêu cầu phải có màn hình độ phân giải cao, chip xử lý đa lõi, và các công nghệ NFC mà các dòng điện thoại Windows Phone hiện tại không thể đáp ứng.
“Quá nhiều việc phải làm, nhưng tất cả đều phải phụ thuộc vào phần cứng và kiến trúc, và lợi ích đem lại dường như bằng 0”.
Windows Phone 8 là hệ điều hành di động có nhiều điểm chung với nền tảng Windows 8 và Windows RT dành cho máy tính và máy tính bảng. Windows Phone 8 và Windows 8 cùng chia sẻ bộ code (nhân) phần mềm, vì thế tất cả các thiết bị của Windows sắp tới sẽ sử dụng cùng bộ cài, file hệ thống và hậ tầng mạng, phần mềm giải trí và các yếu tố về an ninh.
Khôi Linh
Theo Mashable