1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

Lo doanh nghiệp viễn thông phá giá dịch vụ truyền hình

"Hiện nhiều anh em ở Hiệp hội truyền hình trả tiền rất lo ngại các doanh nghiệp viễn thông tham gia thị trường truyền hình trả tiền sẽ phá giá dịch vụ".

Lo doanh nghiệp viễn thông phá giá dịch vụ truyền hình
Viettel, FPT là những cái tên mới nhất vừa được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền.
 
"Mối nguy” trên được ông Vũ Văn Hiến, nguyên Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội truyền hình trả tiền, đưa ra bên lề hội thảo Cạnh tranh và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, ngày 10/9/2013.

Theo ông Hiến, sự ra đời của dịch vụ truyền hình trả tiền của một số nhà mạng mới sắp tới, có tiềm lực tài chính mạnh khiến anh em trong hệ thống truyền hình cáp đang lo ngại là các doanh nghiệp viễn thông sẽ phá giá thị trường, bán với giá dưới giá thành và bù chéo (bù doanh thu từ dịch vụ viễn thông sang truyền hình – PV).

“Đây là điều nguy hiểm và là nỗi lo nhất của các doanh nghiệp truyền hình cáp hiện nay”, nguyên Tổng giám đốc VTV nói.

Ông Hiến cho rằng, giá dịch vụ dưới giá thành là sự cạnh tranh ghê gớm nhất, nguy hiểm nhất và ông đề nghị Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) phải theo dõi, quản lý.

“Như tôi nghe nói không biết có chính xác không là Viettel phấn đấu với giá 20 nghìn đồng/thuê bao/tháng – nếu vậy thì đây là quá phá giá”, vị này bày tỏ lo lắng.

Theo ông, nhiều doanh nghiệp truyền hình thực ra chỉ lo ngại nhất nhà mạng cạnh tranh không lành mạnh, cạnh tranh phá giá và nguy cơ điều này là có thể xảy ra, chứ còn việc các doanh nghiệp mới gia nhập thị trường truyền hình trả tiền thì cứ căn cứ theo luật, luật doanh nghiệp, đủ điều kiện thì được thành lập thôi, hơn nữa, thị trường càng cạnh tranh thì càng tốt.

Một vấn đề khác liên quan đến dịch vụ truyền hình trả tiền là do có sự thống lĩnh thị trường của một số doanh nghiệp hiện nay nên giá thuê bao tăng nhanh. Trong khi giá dịch vụ viễn thông giảm thì giá dịch vụ truyền hình lại liên tục tăng.

Trước các vấn đề trên, nguyên Tổng giám đốc VTV giải thích, lâu nay, hầu như các doanh nghiệp truyền hình cáp lãi rất ít, không nhiều, mà cũng chỉ mới có lãi vì thời kỳ đầu rất khó khăn. Như VTV Cap thời kỳ ông Hiến quản lý nếu tính đúng tính đủ là không có lãi. SCTV thì có lãi chút xíu.

Ngoài ra, giá tăng vì hầu hết các đầu vào của truyền hình cáp là đều từ yếu tố nước ngoài, thiết bị hình ảnh, cáp quang, chương trình… giá bản quyền, giá mọi thứ tăng lên, thì phải kéo theo giá dịch vụ tăng, đấy chưa kể giá đồng tiền của Việt Nam trong nhiều năm mất giá rất nhiều.

Theo ông Hiến, cách đây 7-8 năm, giá điện thoại của Việt Nam là giá trên trời, gọi điện từ Hà Nội – Tp.HCM mất nửa USD/phút, gọi nước ngoài là 4 USD/phút, nên đó là điều không bình thường.

Vì thế, từ điều không bình thường, giá rút nhanh là bình thường.

Còn giá truyền hình trả tiền ở Việt Nam, theo nguyên Tổng giám đốc VTV, khởi đầu là giá quá thấp, một vài bát phở xem 24/24 trong một tháng, như thế là tương đối thấp. Các hệ thống truyền hình cáp bây giờ lãi không nhiều thậm chí tính đúng tính đủ thì chưa chắc có lãi.
Theo Mạnh Chung
VnEconomy